Giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong cách mạng công nghiệp 4.0

03/12/2020, 15:06

TCDN - Thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), mà trọng tâm là hợp tác xã (HTX) đã và đang phát triển rộng khắp trên các vùng miền, địa phương, cả nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, để khu vực KTTT, HTX ngày càng phát triển trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

hop tac xa

Thực trạng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam

Theo báo cáo từ Liên minh HTX Việt Nam, sáu tháng đầu năm 2020, cả nước thành lập mới được 752 HTX, 10 liên hiệp HTX, 3.000 tổ hợp tác (THT), đạt 30% kế hoạch; các vùng miền trên cả nước đều có HTX thành lập mới. Trong đó, vùng Tây Bắc 120 HTX, Đông Bắc 161 HTX, đồng bằng Sông Hồng 152 HTX, Bắc Trung Bộ 46 HTX, Tây Nguyên 65 HTX, Đông Nam Bộ 48 HTX, đồng bằng sông Cửu Long 109 HTX. KTTT, HTX phát triển đa dạng trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ...

Tính chung đến tháng 6/2020, cả nước có 25.282 HTX, tăng 2.002 HTX so cùng kỳ năm 2019; thu hút 7,2 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động. HTX, liên hiệp HTX nâng cao năng lực quản trị, thu hút lao động trẻ, nhân rộng mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao; các THT, HTX, liên hiệp HTX cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra, mang lại lợi ích cho các thành viên (21,5% tổng số HTX cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, 13% tổng số HTX liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp).

Nhiều HTX bị thiệt hại do đại dịch Covid-19 đã tự huy động nguồn lực để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, KTTT, HTX đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên; thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo tính toán sơ bộ, đóng góp trực tiếp của khu vực KTTT, HTX vào GDP cả nước trung bình đạt khoảng 4,8%; đem lại giá trị gia tăng cho kinh tế hộ thành viên, tác động thúc đẩy phát triển kinh tế cá thể, hộ gia đình, gián tiếp đóng góp hơn 30% GDP cả nước. Khu vực này cũng cung cấp dịch vụ sản xuất và đời sống cho thành viên, tích lũy khoảng 18.600 tỷ đồng lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Đồng thời cũng là “hạt nhân” quan trọng thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Nhiều HTX có tổ chức đảng và tổ chức chính trị - xã hội, góp phần ổn định đời sống cho người dân và địa phương.

Một số hạn chế trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Thứ nhất, việc tuyên truyền thực hiện Luật HTX năm 2012 từ HTX đến thành viên, hộ kinh doanh còn gặp khó khăn; vai trò của Ban Giám đốc HTX trong việc hỗ trợ các thành viên, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay, chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế. Hiện nay, vẫn còn nhiều HTX yếu kém hoặc duy trì hoạt động ở mức trung bình, mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp một số dịch vụ thiết yếu cho thành viên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành của các HTX còn hạn chế.

Thứ hai, nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển KTTT, HTX còn hạn chế, số lượng HTX được tiếp cận chính sách chưa nhiều; việc tiếp cận các nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX và vốn vay từ các tổ chức tín dụng của các HTX còn hạn chế. Phát triển HTX được gắn với tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới, do yêu cầu đạt các tiêu chí để về đích nông thôn mới. Nhiều HTX có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số HTX chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa được thực hiện theo đúng quy định; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về KTTT các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Luật của các HTX còn hạn chế, chưa kịp thời xử lý vi phạm pháp luật của HTX, các cá nhân, tổ chức liên quan. Công tác kế toán, tài chính của HTX chưa được thực hiện nghiêm túc, bài bản và đầy đủ. Việc xây dựng báo cáo tài chính, phương án sản xuất kinh doanh cũng còn hạn chế.

Thứ tư, một số HTX thực hiện đăng ký lại còn hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, hoạt động sản xuất kinh doanh còn thụ động, chưa đáp ứng được các quy định của Luật HTX năm 2012. Bên cạnh đó, sự liên kết, hợp tác giữa các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của liên hiệp HTX chưa được phát huy. Nhiều HTX, liên hiệp HTX vẫn ở trong tình trạng khó khăn, yếu kém kéo dài, năng lực nội tại của các HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong khu vực HTX còn hạn chế, không đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện hiện nay.

Thứ năm, một số HTX trong nông nghiệp nông thôn còn gặp phải những khó khăn mới như: Sản xuất kinh doanh trong điều kiện của biến đổi khí hậu; phải cạnh tranh với các thành phần kinh tế như doanh nghiệp, HTX trong nền kinh tế thị trường, nhất là các cạnh tranh mới về khoa học công nghệ, về giá thành và chất lượng sản phẩm nhưng chưa được chia sẽ thông tin kịp thời.

Giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới

Phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140 nghìn tổ hợp tác, 45 nghìn HTX, 340 Liên hiệp Hợp tác xã, với 2 triệu thành viên tổ hợp tác, 8 triệu thành viên HTX, 1.700 HTX thành viên của Liên hiệp Hợp tác xã. Số HTX hoạt động hiệu quả đạt 70% trên tổng số HTX cả nước. Tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt 25% trở lên. Thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp để phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5 nghìn HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Xử lý dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động và các HTX chưa chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012.

Để đạt được mục tiêu trên cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về bản chất, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã. 

Việc này nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Kết luận số 70-KL/TW. Đồng thời xác định rõ nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các bộ, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp, hiệu quả. Theo đó, để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kết luận số 70-KL/TW.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX thống nhất từ trung ương đến địa phương theo hướng ngành Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước chung về KTTT, HTX. Đồng thời, nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với KTTT, HTX theo hướng tăng cường kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật của hợp tác xã; hỗ trợ, hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hợp tác xã hoạt động; tránh tình trạng buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tổ chức, hoạt động của hợp tác xã; tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX. Tăng cường hợp tác quốc tế phát triển KTTT, HTX, tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia có phong trào kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, đem lại hiệu quả, có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên bố trí và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước trong việc hỗ trợ các tổ chức; tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có trình độ về làm việc tại các hợp tác xã, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Hai là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã

Tại Nghị quyết Trung ương 5, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung Luật hợp tác xã năm 2012 trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX. Xây dựng, trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KTTT, HTX đến năm 2030 để định hướng, chính sách tổng thể, lâu dài cho phát triển hợp tác xã. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở rà soát các nội dung của Quyết định số 2262/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm hỗ trợ tập trung, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. Đồng thời xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”.

Ba là, củng cố, đổi mới tổ chức hệ thống Liên minh HTX Việt Nam

Chính phủ yêu cầu củng cố tổ chức của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, bảo đảm thống nhất về tổ chức và hoạt động; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường trách nhiệm của hệ thống Liên minh Hợp tác xã các cấp với vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi tích hợp pháp của các thành viên.

Xây dựng mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực quốc gia, địa phương, chương trình OCOP để nhân rộng; nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững; đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng để động viên khuyến khích các hợp tác xã; tăng cường hợp tác quốc tế về KTTT, HTX…

Trên cơ sở Luật HTX năm 2012, các quy định pháp luật liên quan và tình hình thực tế, nghiên cứu, đề xuất các quy định về nội dung, phương thức hỗ trợ đối với HTX của dân cư tại các khu đô thị, khu chung cư; tuyên truyền, vận động dân cư khu đô thị, khu chung cư tham gia thành lập hợp tác xã của dân cư đô thị; bảo đảm các quy định phù hợp với tính chất, đặc điểm của dân cư đô thị nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tại các thành phố tham gia thành lập HTX; tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia thành lập HTX.

Bốn là, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX

Thực hiện tái cơ cấu, giải thể dứt điểm các HTX yếu kém, đã ngừng hoạt động để tạo dư địa cho thành lập HTX mới; Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút cán bộ về công tác tại các HTX; Thực hiện hiệu quả chính sách đưa cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX; Tăng cường năng lực quản trị hợp tác xã theo hướng công khai, minh bạch; củng cố bộ máy kế toán, kiểm toán. Phát triển tổ hợp tác để tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, chuyển dần thành HTX; phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với DN chế biến, tiêu thụ hàng hóa; khuyến khích và hỗ trợ thành lập các liên hiệp HTX làm đầu kéo cho HTX thành viên tăng quy mô, phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương (2002), Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/03/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;

2. Quốc hội (2012), Luật Hợp tác xã 2012;

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/03/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020) - Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030;

5. Tạp chí Tài chính (2020) http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/mot-so-giai-phap-phat-trien-khu-vuc-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-325692.html

6. Nhân dân (2020) https://nhandan.com.vn/tin-tuc-kinh-te/mo-rong-co-hoi-phat-trien-kinh-te-tap-the-hop-tac-xa-621276/

ThS. Nguyễn Thị Thu Trang

Trường Chính trị Thanh Hóa

Tạp chí in số tháng 11/2020
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong cách mạng công nghiệp 4.0 tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

AQ - chỉ số quan trọng của mọi mô hình quản trị
Năng lực cần thiết cho con người trong bối cảnh hiện nay là chỉ số thích ứng (AQ) - một chỉ số quan trọng của mọi mô hình quản trị - TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) nhận định.