AQ - chỉ số quan trọng của mọi mô hình quản trị

26/10/2020, 13:52

TCDN - Năng lực cần thiết cho con người trong bối cảnh hiện nay là chỉ số thích ứng (AQ) - một chỉ số quan trọng của mọi mô hình quản trị - TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) nhận định.

8-1

Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF 2020), VBCSD thuộc VCCI (VBCSD-VCCI) phối hợp với đối tác kỹ thuật Deloitte Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Quản trị doanh nghiệp bền vững trong một xã hội đang thay đổi”.

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng lớn nhất mà nhân loại phải đương đầu không phải là xung đột giữa con người. Mặc dù xung đột giữa con người hiện nay cũng rất dữ dội như chiến tranh thương mại, thay đổi địa chính trị, nhưng cuộc khủng hoảng lớn nhất sẽ diễn ra trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, và dịch bệnh.

“Cho nên, mô hình quản trị của chúng ta trong bối cảnh mới phải là một mô hình có khả năng chống chịu, thuận theo tự nhiên, nương theo xu hướng. Điều này rất thú vị, gần với triết lý của đạo Phật. Chúng ta chỉ có thể làm chủ được chính chúng ta, tất cả yếu tố bên ngoài chúng ta không thể làm chủ được. Chính sự làm chủ của bản thân mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi cộng đồng là công cụ tốt nhất để ứng phó với sự biến đổi của ngoại cảnh. Đây chính là vấn đề quản trị Nhà nước, quản trị doanh nghiệp phải xây dựng. Một trong những nền tảng của hệ thống quản trị là hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo cân đối hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, và môi trường” - TS. Lộc nói.

Theo TS. Lộc, khi nhấn mạnh đến yếu tố 4.0 - công nghệ, chúng ta dường như quên đi các yếu tố của tự nhiên và xã hội. Điều đó vô cùng sai lầm. Không thể nhìn xã hội, nhìn hệ thống với con mắt của công nghệ. Năng lực cần thiết cho con người trong bối cảnh hiện nay không phải chỉ là chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ), mà còn bao gồm cả chỉ số tình yêu (LQ), và quan trọng hơn cả là chỉ số thích ứng (AQ) - một chỉ số rất quan trọng của mọi mô hình quản trị.

Trích dẫn một câu trong bài hát “Thành phố - tình yêu và nỗi nhớ” - “Em ơi hãy lắng nghe, nghe thành phố thở” Chủ tịch VCCI nhận định, câu hát chỉ thái độ của con người, hệ thống quản trị trong thời gian tới phải “nghe được thành phố thở”, chứ không coi thành phố chỉ là những tòa nhà. Hay hai câu thơ trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên: “khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” đã cho thấy con người Việt Nam đã cảm nhận được điều đó. Phải chăng đó chính là hạt nhân, nền tảng để chúng ta nghĩ về hệ thống quản trị. Nền tảng của quản trị không phải chỉ là những vấn đề về công nghệ, mà là những vấn đề văn hóa, thậm chí cả vấn đề tâm linh.

TS. Lộc chia sẻ, Phát triển bền vững được coi như hệ giá trị, gần với những lý tưởng về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản - một xã hội bình đẳng, tạo cơ hội cho tất cả mọi người, quan tầm đến cả xã hội, tự nhiện và con người. Lý tưởng của những người sáng lập mô hình chủ nghĩa xã hội rất gần với mô hình phát triển bền vững hiện nay. Có thể nói, trong con người Việt Nam đã có sẵn những nhân tố phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra là làm sao phát huy được những nhân tố đó.

Trong một thế giới thay đổi, muốn có một nền tảng phát triển bền vững thì phải có một nền tảng quản trị chuyên nghiệp. Ông Lộc cho rằng mô hình quản trị hiện nay không còn là một ông sếp chỉ đạo từ trên xuống theo phân cấp thứ bậc, mà là mô hình quản trị network - tất cả mọi người trong hệ thống có vai trò quan trọng như nhau, có tác động qua lại với nhau trong network tạo nên sự phát triển cho tổ chức. Người lãnh đạo bây giờ cũng không hướng theo mình là người Owner - người chủ, mà mình là Leader - người dẫn dắt sự phát triển. Mô hình quản trị đó chính là mô hình quản trị bền vững nhất. Một nền quản trị như vậy không biến mỗi cá nhân trong tổ chức trở thành một robot, không phải robot hóa những con người trong tổ chức, mà giờ thậm chí chúng ta phải làm ngược lại - nhân văn hóa công nghệ, robot.

Khả năng chống chịu của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp Việt Nam nói riêng trong dịch bệnh Covid-19 kéo dài như thời gian qua đã cho thấy, dù năng lực cạnh tranh không cao, tiềm lực tài chính, công nghệ còn hạn chế nhưng sự linh hoạt trong hoàn cảnh khắc nghiệt đã giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng. Thậm chí, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới trong năm 2020.

Đại diện cho Deloitte Việt Nam, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên giới thiệu về Cẩm nang Ứng phó, phục hồi, phát triển trong và sau khủng hoảng dành cho doanh nghiệp do VCCI và Deloitte Việt Nam phối hợp xây dựng. Theo bà Thanh, “đại dịch Covid-19 là thách thức lịch sử với lãnh đạo doanh nghiệp. Làn sóng thứ hai quay trở lại Việt Nam vào thời điểm doanh nghiệp bắt đầu lấy lại niềm tin về khả năng phục hồi được xem như giáng mạnh vào tinh thần của các doanh nghiệp.

Dù chặng đường phục hồi và hưng thịnh có dài và khó khăn hơn, nhưng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, bộ ban ngành, các công ty tư vấn, doanh nghiệp vẫn có thể đứng vững. Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp kiến tạo một hệ thống quản trị tốt vượt qua khủng hoảng, Deloitte hân hạnh là đơn vị đồng hành cùng VCCI xây dựng và phát hành cẩm nang dựa trên thực tiễn tại Việt Nam kết hợp với những nghiên cứu về cách doanh nghiệp toàn cầu đã từng vượt qua những cuộc đại khủng hoảng trong quá khứ”.

Cuốn cẩm nang được chia thành ba phần chính. Phần đầu tập trung đánh giá tình hình doanh nghiệp của doanh nghiệp trong khủng hoảng, nêu lên những tác động thường thấy đối với doanh nghiệp khi khủng hoảng xảy ra. Phần hai đưa ra những nguyên tắc căn bản doanh nghiệp cần tuân thủ trong khủng hoảng. Những nguyên tắc này được Deloitte đúc kết sau 175 năm đồng hành cùng khách hàng vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng, chiến tranh hay đại suy thoái trên phạm vi thế giới và khu vực. Phần cuối hướng dẫn vận dụng nguyên tắc cụ thể về: Lựa chọn những chiến lược phù hợp với các nguy cơ và cơ hội đặt ra trước doanh nghiệp; Giữ vững phẩm chất cốt lõi của đội ngũ lãnh đạo thông qua các hành động chủ chốt trong ba giai đoạn: Ứng phó, Phục hồi, và Phát triển; Không ngừng củng cố tín nhiệm của các bên liên quan đối với doanh nghiệp.

Điều phối phần tọa đàm trong chương trình, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD nhấn mạnh đến nỗ lực của VBCSD-VCCI nhằm thúc đẩy quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI). CSI là một công cụ quản trị doanh nghiệp ưu việt, tập hợp các chỉ tiêu thiết yếu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần nắm bắt và thực hiện. Ông Vinh khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn có nguồn lực hữu hạn và chiếm hơn 90% số lượng doanh nghiệp cả nước, cần nhanh chóng nghiên cứu Bộ chỉ số CSI, từ đó áp dụng linh hoạt CSI vào các hoạt động lập kế hoạch, quản trị, vận hành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hương Giang

Tạp chí in số tháng 10/2020
Bạn đang đọc bài viết AQ - chỉ số quan trọng của mọi mô hình quản trị tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan