Giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại VietinBank

17/04/2019, 04:13

TCDN -
Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã trở thành ngân hàng tiên phong trong việc xây dựng và triển khai phương thức TTKDTM



Ở Việt Nam hiện nay, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt gồm: Thanh toán sử dụng giấy ủy nhiệm thu hoặc chi; séc; thanh toán qua thẻ ngân hàng; thanh toán trực tuyến (internet banking); thanh toán qua ví điện tử.

Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Đối với người tiêu dùng, phương thức thanh toán này nhanh chóng, an toàn, giúp tránh được các rủi ro khi sử dụng tiền mặt như mất cắp; rách, mất góc...

Còn đối với tổng thể kinh tế, thanh toán không dùng tiền mặt giúp giảm bớt những phí tổn to lớn của xã hội như chi phí in ấn, kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản và huỷ bỏ tiền cũ, rách, nhất là việc chuyên chở và bảo quản tiền mặt.

Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt còn tạo điều kiện dễ dàng cho việc kiểm soát lạm phát và minh bạch các giao dịch tài chính, hạn chế tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền… gây tổn hại cho nền kinh tế.

Thực trạng phát triển TTKDTM

Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết tính đến ngày 30/9/2018, cả nước có ATM có 18.170, tăng 4% so với cuối năm 2016); máy chấp nhận thanh toán (POS) là 294.500, tăng 11,8% so với cuối năm 2016. Số lượng thẻ tăng trưởng mạnh đến nay đạt khoảng 101 triệu thẻ.

Thực tế, thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công hiện có trên 81% đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tương đương 80% cán bộ, công chức,viên chức nhận lương qua tài khoản ngân hàng.

Số lượng tài khoản cá nhân tiếp tục tăng, đạt gần 75 triệu tài khoản cá nhân, tăng 9,1% so với cuối năm 2016.

Tính đến giữa năm 2018, cả nước có trên 43 triệu người có tài khoản tại ngân hàng, chiếm khoảng trên 60% người từ 15 tuổi trở lên.

Cũng theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh trong năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn 137,6 triệu giao dịch với giá trị 73 triệu tỉ đồng, gấp 13 lần GDP. Hành lang pháp lý cho thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng hoàn thiện.

Hiện có 76 đơn vị đã triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 đơn vị triển khai thanh toán qua di động.

Một số ngân hàng thương mại đã nghiên cứu, hợp tác triệt khai các công nghệ, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như xác thực sinh trắc học, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless), công nghệ mPOS...

Những con số kể trên có sự đóng góp không nhỏ từ phía các ngân hàng thương mại, trong đó có VietinBank với vai trò là ngân hàng dẫn đầu. Thực tế VietinBank đã được Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành khen thưởng trong việc trở thành ngân hàng đi đầu triển khai các hình thức TTKDTM tiên tiến tại Việt Nam. VietinBank đã và đang bắt kịp xu thế tất yếu của thế giới khi là một trong những ngân hàng triển khai sớm nhất dịch vụ TTKDTM tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân thu thuế điện tử và trả lương qua tài khoản.

Trong những năm gần đây, nhằm phát triển đa dạng dịch vụ TTKDTM trên tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, VietinBank đã nỗ lực không ngừng để triển khai TTKDTM trên nhiều lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, viễn thông, điện nước, thương mại điện tử… Năm 2015, hai dịch vụ TTKDTM của VietinBank là Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và VietinBank iPay Mobile App đã vinh dự nhận Danh hiệu Sao Khuê. Những thành tựu kể trên là sự nỗ lực lớn của đội ngũ thực hiện từ Khối Khách hàng Doanh nghiệp (KHDN) và các đơn vị trong hệ thống VietinBank để giải pháp TTKDTM của VietinBank có thể triển khai thành công, giữ một vị thế vững chắc trên thị trường đầy cạnh tranh hiện nay.

Thành tựu nổi bật VietinBank đã và đang tiếp tục triển khai dịch vụ TTKDTM với nhiều đối tác, đơn vị sự nghiệp, nhằm mang lại thuận lợi không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn phục vụ cộng đồng chung. Y tế là một trong những lĩnh vực ghi nhận những thành công của dịch vụ TTKDTM của VietinBank.

Tính đến nay, VietinBank đã triển khai thành công dịch vụ thanh toán thông minh tại một số bệnh viện (BV) lớn như: BV Bạch Mai, BV Từ Dũ, BV Chợ Rẫy, BV Bãi Cháy và BV Nhi đồng 1 TP. HCM… Dịch vụ giúp bệnh nhân cũng như cán bộ nhân viên các BV tiết kiệm thời gian thanh toán, không làm gián đoạn quá trình khám bệnh, tránh được các rủi ro như: Nhầm lẫn, mất mát, tiền giả nếu thanh toán bằng tiền mặt.

Trong thời gian tới, VietinBank tiếp tục phối hợp triển khai dịch vụ tại BV Răng Hàm Mặt TP. HCM, BV Đại học Y Dược TP. HCM, BV Nội tiết Trung ương…

Đối với lĩnh vực viễn thông, VietinBank cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ khi phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ cước viễn thông với MobiFone và VNPT các tỉnh/TP: Hà Nội, TP. HCM, Phú Yên.

Để thực hiện thanh toán cước viễn thông tại VietinBank, khách hàng chỉ cần cung cấp mã khách hàng hoặc số thuê bao, VietinBank sẽ thu hộ cước của khách hàng qua hệ thống thanh toán trực tuyến kết nối với các công ty viễn thông. Các giao dịch sẽ được thực hiện tức thời, giúp khách hàng tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức đi lại.

Đối với dịch vụ thu hộ, VietinBank đã và đang tiếp tục triển khai thu hộ tiền nước tại 4 công ty cổ phần cấp nước và thu hộ tiền điện cho 5 tổng công ty điện lực. VietinBank đang tiếp tục mở rộng triển khai dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền điện và tiền nước tại các địa bàn trên cả nước.

Trong lĩnh vực giáo dục, VietinBank cũng là ngân hàng tích cực triển khai dịch vụ TTKDTM nhằm mang lại tiện ích tối ưu cho học sinh, sinh viên và nhà trường. VietinBank đã triển khai thành công thanh toán học phí online cho nhiều trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Nhằm hoàn thiện hơn nữa dịch vụ đối với Ngành Giáo dục, VietinBank đang nghiên cứu, tìm kiếm các đối tác cung cấp ứng dụng tiên tiến trên thế giới để xây dựng các giải pháp thanh toán mới đối với các cơ sở đào tạo.

Ngoài ra, VietinBank còn phục vụ toàn diện rất nhiều các dự án TTKDTM cho các đối tác, nhà cung cấp hoạt động trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như: Bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, điện lạnh… mang đến những tiện ích lớn cho cả doanh nghiệp và người sử dụng. Với thế mạnh là một trong những ngân hàng có đầu tư hệ thống công nghệ thông tin tốt nhất, VietinBank đang cải tiến và hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông qua hệ thống thanh toán điện tử iPay, eFast cho cả khách hàng cá nhân và KHDN. VietinBank tiếp tục giữ vững vai trò là ngân hàng đi đầu trong việc hiện thực hóa kỳ vọng của Chính phủ và Nhà nước về một quốc gia có dịch vụ thanh toán hiện đại.

Giải pháp

Thực tế cho thấy, xu hướng sử dụng tiền mặt ở nước ta đang ngày càng giảm. Nhưng để tỷ lệ này giảm xuống 10% vào năm 2020 và 8% vào năm 2025 như mục tiêu đã đề ra thì cần sự nỗ lực, quyết tâm hơn nữa từ phía Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh, an toàn, cũng tạo sự yên tâm tin tưởng tuyệt đối từ phía người sử dụng.

Với định hướng đồng hành phát triển cùng doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam mở rộng hội nhập quốc tế, VietinBank sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ về phương thức TTKDTM đến khách hàng và công chúng nhằm thay đổi thói quen thanh toán truyền thống sang sử dụng các hình thức TTKDTM hiện đại qua ngân hàng. Theo đó, để tăng thanh toán KDTM phải giảm thanh toán bằng tiền mặt bởi thực chất, đây là đầu của một chiếc bập bênh. Muốn vậy, cần có những giải pháp phù hợp. Cụ thể:

Một là, thay đổi thói quen và nhận thức của người dân trong việc nhìn nhận tiền mặt là một công cụ được ưa chuộng trong thanh toán và từ lâu đã trở thành thói quen khó thay đổi của người tiêu dùng và nhiều doanh nghiệp.

Ở các quốc gia phát triển, thói quen tiêu dùng của dân chúng là thanh toán qua ngân hàng, mỗi công dân đều có tài khoản cá nhân trên ngân hàng, vì vậy việc phát triển dịch vụ thanh toán của ngân hàng rất dễ dàng.

Trong khi đó, ở các quốc gia kém phát triển hoặc đang phát triển, trình độ dân trí còn hạn chế, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của dân chúng, cho nên việc triển khai TTKDTM gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, muốn phát triển TTKDTM trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Nếu người dân có hiểu biết đầy đủ hơn, họ sẽ cảm thấy an toàn hơn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, từ đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng.

Việc tuyên truyền một cách cụ thể cho các hoạt động TTKDTM hiện nay trong nền kinh tế (chứ không phải tung hô cho các hình thức thanh toán mới) sẽ khiến khách hàng hiểu hơn, nắm được ưu nhược điểm của từng hình thức, rồi từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức phù hợp nhất với mình. Có như vậy, những thay đổi này mới thực sự xuất phát từ nhu cầu tự thân và mới khiến cho khách hàng xóa đi thói quen và tập quán thanh toán chi tiêu bằng tiền mặt.

Hai là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế giám sát trong TTKDTM. Thực tiễn phát triển nhanh và mạnh các hoạt động TTKDTM như vậy đã đặt ra các yêu cầu đòi hỏi nhất định về cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động, dịch vụ thanh toán mới.
Những nội dung cần hoàn thiện không chỉ là hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến các hoạt động thanh toán nói chung trong nền kinh tế, cả thanh toán bằng tiền mặt và TTKDTM mà còn cần tạo lập một môi trường cạnh tranh công bằng, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường và tiếp cận dịch vụ đối với các chủ thể có chức năng tương tự như nhau; hình thành cơ chế bảo vệ khách hàng hữu hiệu và bảo đảm quy trình giải quyết tranh chấp hiệu quả và khách quan.

Phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động thanh toán, trên cơ sở đó, kiểm soát rủi ro pháp lý thích hợp và đảm bảo phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế được các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế khuyến nghị hoặc được áp dụng chung ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Ba là, hiện đại hoá công nghệ và các hệ thống thanh toán. Xây dựng một hệ thống thanh toán hiện đại là mục tiêu dài hạn của ngành ngân hàng Việt Nam. Một hệ thống thanh toán được tổ chức tốt hơn, an toàn hơn, ít rủi ro hơn thì không chỉ làm tăng doanh số thanh toán, làm cho dịch vụ thanh toán ngày càng trở nên hoàn thiện hơn trong mắt của người tiêu dùng mà còn góp phần hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của các dịch vụ khác phát triển.

Hiện đại hoá hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng sẽ giúp ngân hàng xây dựng được kết cấu hạ tầng hiện đại để cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, ngày càng thoả mãn tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả quản lý và tăng hiệu quả kinh doanh.

Ngoài ra, cần có những biện pháp trấn áp một cách có hiệu quả vấn đề liên quan đến gian lận trong hoạt động này. Gian lận phát sinh chủ yếu liên quan đến gian lận tài khoản thẻ và thẻ giả, tiếp sau là các loại hình khác như thẻ mất cắp, thất lạc… Trong đó, gian lận tài khoản thẻ thường xảy ra với các giao dịch không xuất trình thẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao hơn đáng kể so với gian lận thẻ giả.

Nền kinh tế mạnh luôn đi kèm với một hệ thống thanh toán hiện đại. Chỉ khi nào cả người dân, các đơn vị kinh doanh, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các ngân hàng cùng có lợi thì mới thay đổi được thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, mới thay đổi được tư duy “rút tiền mặt từ ATM để thanh toán tiền hàng” và từng bước xây dựng văn hoá TTKDTM trong quảng đại dân chúng. Khi đó, TTKDTM mới thực sự phát triển một cách đúng nghĩa.


ThS. Bùi Thu Giang, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - Tạp chí TCDN số 4/2019
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại VietinBank tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

x