Giải pháp triển khai hiệu quả chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân tại Hải Phòng

21/12/2022, 14:13

TCDN - Thành phố (Tp.) Hải Phòng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương có vị trí, vai trò quan trọng trên cả nước; đứng thứ 7 về dân số (~2,1 triệu người) và đứng thứ 6 về GRDP (276,6 nghìn tỷ đồng)

3- hai phong

TÓM TẮT: 

Thành phố (Tp.) Hải Phòng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương có vị trí, vai trò quan trọng trên cả nước; đứng thứ 7 về dân số (~2,1 triệu người) và đứng thứ 6 về GRDP (276,6 nghìn tỷ đồng). Hiện nay, trên địa bàn Tp. Hải Phòng, số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn rất lớn, chiếm khoảng 1/5 doanh nghiệp của cả nước, trong đó có tới 96,28% là các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) với nhiều loại hình: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Hơn nữa, ở Tp. Hải Phòng, các doanh nghiệp khu vực KTTN đóng góp lớn nhất vào phát triển kinh tế của Thành phố. Năm 2021, khu vực này đã tạo ra ~50% GRDP cho Thành phố , phần nào cho thấy hiệu quả của việc triển khai các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp khu vực KTTN trên địa bàn Hải Phòng …

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp khu vực tư nhân đang phải đối diện sau Đại dịch Covid-19 bao gồm: (1) Tìm kiếm khách hàng; (2) Tìm kiếm nguồn vốn; (3) Tìm kiếm mặt bằng kinh doanh phù hợp và (4) Năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế. Từ đó, có thể thấy, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương về nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh (SX-KD) của các doanh nghiệp khu vực KTTN trên cả nước nói chung và trên địa bàn Tp. Hải Phòng nói riêng là rất cần thiết. Do đó, bài viết này tập trung phân tích khung chính sách tín dụng cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân và đánh giá kết quả triển khai các chính sách này tại địa phương.

Chính sách vốn - tín dụng cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khu vực KTTN nói riêng do Ngân hàng Nhà nước có vai trò điều hành, tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh chính sách tín dụng nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp KTTN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, quản lý nguồn vốn hiệu quả, chống thất thoát, hạn chế rủi ro và xử lý nợ. Trên cơ sở các chính sách về vốn - tín dụng, doanh nghiệp KTTN có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay phục vụ SX-KD và phát triển doanh nghiệp. Nếu Nhà nước ban hành các chính sách phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi cho SX-KD, ngược lại, doanh nghiệp thiếu vốn sẽ khó khăn, không chỉ trước mắt mà còn cả tương lai lâu dài.

1. Hệ thống chính sách tín dụng cho doanh nghiệp khu vực KTTN

Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó ưu tiên các giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa - bộ phận chủ đạo trong thành phần KTTN và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật đã đề cập tới các hình thức hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp như: thuế, phí, lệ phí, tín dụng, chi ngân sách hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp, trợ giá, bù giá, quỹ bảo lãnh tín dụng… Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, được đánh giá là tạo bước đột phá trong việc huy động vốn cho các doanh nghiệp khu vực KTTN thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Hiện nay, các doanh nghiệp khu vực KTTN có quy mô nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng chủ yếu thông qua 3 nguồn chính, đó là: (i) Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; (iii) Tín dụng ngân hàng.

- Về Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam được triển khai theo Nghị định số 34/2018/NĐ-CP. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định pháp luật. Qũy bảo lãnh tín dụng hoạt động theo mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nguồn vốn hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng được hình thành từ các nguồn sau: Thứ nhất, vốn chủ sở hữu, bao gồm: Vốn điều lệ của Quỹ bảo lãnh tín dụng do ngân sách địa phương cấp (tối thiểu 100 tỷ đồng); vốn bổ sung từ kết quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định; vốn hình thành từ các khoản tài trợ, viện trợ, đóng góp không phải hoàn trả của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho Qũy bảo lãnh tín dụng; vốn nhà nước khác theo quy định của pháp luật; các nguồn vốn khác thuộc vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Thứ hai, vốn huy động: Vốn huy động từ các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của Quỹ bảo lãnh tín dụng bảo đảm phù hợp với khả năng hoàn trả của Quỹ. Thứ ba, các khoản vốn khác gồm: Vốn nhận ủy thác của chính quyền địa phương, các quỹ tài chính địa phương, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước (bên ủy thác) để thực hiện yêu cầu của bên nhận ủy thác; các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước đã có 28 tỉnh, thành phố thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mô hình hoạt động độc lập, hoặc ủy thác cho Quỹ Tài chính nhà nước tại địa phương, với tổng nguồn vốn là 1.450,6 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp khu vực KTTN . Qũy bảo lãnh có vai trò tạo cầu nối trong việc tiếp cận vốn giữa doanh nghiệp với ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ.

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) (2021), Qũy bảo lãnh tín dụng là một trong những sáng kiến rất hữu ích của Việt Nam.

- Về Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế cho Quyết định số 601/QĐ-TTg về thành lập Quỹ này. Nghị định được đánh giá tăng cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp so với Quyết định số 601/QĐ-TTg; bởi đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; lãi suất cho vay trực tiếp bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại - đây là mức lãi suất ưu đãi hơn so với Quyết định số 601/QĐ-TTg. Hơn thế, mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án SX-KD tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của quỹ đối với một doanh nghiệp không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của quỹ. Những điều kiện cởi mở này tạo điều kiện cho doanh nghiệp KTTN quy mô nhỏ và vừa tiếp cận với quỹ được tốt hơn.

- Về chính sách hỗ trợ tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp

Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khu vực KTTN trong tiếp cận vốn tín dụng. Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vay vốn. Hình thức cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng ngày càng đa dạng, thủ tục hành chính được rút gọn hơn và quan trọng là các chương trình ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng đã được các tổ chức tín dụng đẩy mạnh. Đồng thời, để hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra.

2. Thực tiễn triển khai chính sách tín dụng cho doanh nghiệp khu vực KTTN trên địa bàn Tp. Hải Phòng

Trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn trong dịch và sau dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố về chính sách tín dụng nhằm tăng dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ vừa, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

(1) Ban hành Kế hoạch thực hiện hỗ trợ cho vay đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố trên cơ sở xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp;

(2) Chủ động tiếp cận các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm nắm bắt tình hình thực tế và nhu cầu vay vốn để từ đó có những giải pháp hỗ trợ cụ thể và hiệu quả;

(3) Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vốn ngân hàng, thực hiện mở rộng giải pháp tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, mở rộng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất trong đó có các doanh nghiệp khu vực KTTN, doanh nghiệp quy mô nhỏ;

(4) Chú trọng hỗ trợ cho vay các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật;

(5) Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời thông tin, chủ động trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng;

(6) Các ngân hàng công bố trên trang thông tin điện tử thông tin về kế hoạch, chương trình, dự án hoạt động hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, các thông tin khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Kết quả, trong năm 2020-2021, tổng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp qua các năm đều tăng mạnh với tốc độ 15-20%, trong đó cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cũng tăng bình quân 15%/năm chiếm ~35% tổng dự nợ cho vay, với mặt bằng lãi suất ổn định, giảm lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 4-5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao.

Đồng thời, ngành ngân hàng cũng triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn thành phố, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp KTTN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của hàng hóa. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng đã chỉ đạo thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn như: cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giảm lãi suất cho vay... Lãi suất cho vay thực hiện chương trình trung bình là 8%/năm thấp hơn lãi suất thông thường, ngoài ra đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên được áp dụng mức lãi suất thấp hơn, phổ biến ở mức 6,5%/năm.

Ngày 12/4/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hải Phòng giai đoạn 2022-2025, trong đó có những nội dung cơ bản liên quan đến hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp KTTN có quy mô nhỏ và vừa:

(1) Hỗ trợ tiếp cận tín dụng: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hải Phòng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố thực hiện các chính sách về tín dụng nhằm tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố; tham mưu cho Thành phố những giải pháp nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố thực hiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng và đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, Thành phố, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

(2) Thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố: Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố để thực hiện chức năng cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố theo quy định. Hiện Thành phố đã bố trí kinh phí 10 tỷ đồng để chuẩn bị cho việc thành lập Quỹ này.

(3) Tăng cường cho vay từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động làm việc, kết nối với Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng cường cho vay, tài trợ đối với các doanh nghiệp KTTN trên địa bàn Thành phố là doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Đồng thời, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Hải Phòng và các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn trình tự, thủ tục hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện vay vốn trung và dài hạn tại các tổ chức tín dụng theo phương án, dự án SX-KD.

3. Một số kiến nghị, đề xuất nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khu vực KTTN trên địa bàn Tp. Hải Phòng

Một là, các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng cần không ngừng được đổi mới, hoàn thiện tiệm cận theo thông lệ quốc tế, thực hiện hội nhập, xóa bỏ sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và KTTN, tạo sự bình đẳng trong quan hệ tín dụng ngân hàng, khuyến khích thúc đẩy KTTN phát triển trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề của nền kinh tế, theo quy định của pháp luật. Lãi suất cho vay có xu hướng giảm, tỷ giá ổn định, các thủ tục vay vốn không ngừng được đơn giản. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, trong đó đặc biệt là cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn; tăng cường cho vay tín chấp; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bởi tác động của đại dịch COVID-19; tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan xử lý triệt để những vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm, nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hai là, trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã chuyển dịch vốn tín dụng đến các lĩnh vực an toàn, hiệu quả cho nền kinh tế, hướng vốn cho vay đến các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước, chủ trương của Chính phủ, tăng tỷ trọng cho vay KTTN. Các tổ chức tín dụng vẫn cần tiếp tục tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, trong đó đặc biệt là các dự án hiệu quả, dự án đầu tư có chiều sâu, ứng dụng khoa học - công nghệ để sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt Nam cạnh tranh được trên thị trường khu vực và thế giới; các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sạch, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ba là, thời gian qua, việc triển khai các chính sách tín dụng cho các chương trình lớn thúc đẩy phát triển KTTN được ngành ngân hàng thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ. Tuy nhiên, so với một số lĩnh vực khác như điện lực, xăng dầu, viễn thông... thì lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với KTTN vẫn còn cao, do đó, các ngân hàng thương mại cũng như Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách và biện pháp giảm thêm lãi suất cho vay đối với các đối tượng này.

Bốn là, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, như chính sách thuế, cho thuê đất,… nhằm khuyến khích phát triển KTTN. Đặc biệt, cần chú ý có các quy định cụ thể hơn về khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.

Năm là, nghiên cứu, triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp, thủy sản để tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng và doanh nghiệp thành phố yên tâm trong việc triển khai dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chính sách bảo hiểm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ngô Thùy Dung (2018), “Thực trạng và một số giải pháp cơ bản nhằm phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam”, Tạp chí Khoa học - Đại học Đồng nai (số 10), tr. 60 - 75.

2. Trần Thọ Đạt, Tô Trung Thành (2018), Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017 - Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

3. Mai Lan Hương (2019), “Phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay: rào cản và giải pháp”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam (số 3), tr. 41 - 48.

4. Cục Thống kê Thành phố Hải Phòng, Niên giám Thống kê 2019, 2020, 2021.

5. Ngân hàng Thế giới (2016), Vai trò của Nhà nước trong Phát triển Kinh tế Việt Nam.

6. Quốc hội XIV (2017), Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừasố 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017, lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

7. Tổng cục Thống kê Việt Nam, Niên giám thống kê toàn quốc 2019, 2020, 2021.

8. VCCI (2017). Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam năm 2016, NXB Thông tin và Truyền thông.

9. VCCI (2021), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam: Đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

10. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (2020), Nhận diện kết quả, vấn đề và kiến nghị cải cách môi trường kinh doanh - Chương trình AusAid.

NCS. Lê Hữu Toản

Học viện Hành chính Quốc gia

Tạp chí in tháng 12/2022
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp triển khai hiệu quả chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân tại Hải Phòng tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tăng trưởng kinh tế 7,5%, thu ngân sách ước đạt 1.681 nghìn tỷ đồng trong 2022
Tại buổi làm việc với lãnh đạo JICA, Bộ trưởng Hồ Đức cho biết kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2022 tương đối tốt, tăng trưởng kinh tế năm 2022 dự kiến đạt khoảng 7,5% GDP; thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.681 nghìn tỷ đồng, vượt 19% dự toán được Quốc hội giao; chỉ số CPI hơn 3%.