Giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững: Khơi thông nguồn lực đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất

21/10/2022, 10:56

TCDN - Để thực hiện các chiến lược, cam kết quốc tế đưa mức phát thải ròng về “0”, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang triển khai các giải pháp khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội và chuyển đổi mô hình sản xuất sang tăng trưởng nông nghiệp “xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

d1c7441ff6e1eec255d43b4865292aaa

Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục trong nhóm dễ tổn thương nhất

Tại Diễn đàn Nông nghiệp sinh thái: Giải pháp giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan như: Nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu; hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chủ yếu hiện nay vẫn ở dạng hộ sản xuất với hơn 9,2 triệu hộ quy mô rất nhỏ.

Điều đáng nói là nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu mà còn là nguồn gây phát thải nhà kính lớn. Theo số liệu kiểm kê nhà kính năm 2016, phát thải ròng của lĩnh vực nông nghiệp và sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn thứ ba với 13,9%. Do vậy, cộng đồng nông nghiệp và nông thôn vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những người nghèo nhất và dễ tổn thương nhất.

Dẫn chứng từ phía địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh cho biết toàn tỉnh này có diện tích đất tự nhiên hơn 13.000 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp 1.191.000 ha (chiếm hơn 91% diện tích đất tự nhiên). Diện tích đất sản xuất nông nghiệp đứng đầu cả nước với hơn 657.000 ha; đất lâm nghiệp chiếm hơn 527.000 ha (đứng thứ 10 cả nước), trong đó nhiều diện tích được trồng cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả, sầu riêng.

Tuy nhiên, hiện nay, ngành nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức như: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gây ra hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ manh mún; người dân nhận thức chưa đầy đủ về sản xuất có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên môi trường và truy suất nguồn gốc đã làm cho ngành này còn thiếu tính bền vững.

Ngoài ra, do diện tích trồng cây trồng lớn nên nhu cầu phân bón hàng năm của tỉnh Đắk Lắk cũng rất cao. Hiện Lượng phân bón sử dụng trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 1,2 triệu tấn/năm, trong đó phân vô cơ chiếm 60%, phân hữu cơ chiếm 40%.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 1,2 triệu tấn phế phụ phẩm và khoảng 4 triệu tấn chất thải trong chăn nuôi được dùng để sản xuất phân bón hữu cơ. Bình quân lượng phân bón sử dụng theo diện tích gieo trồng là 4 tấn/ha/năm. Trong khi, mô hình nông nghiệp tái sinh hiện mới chỉ ở quy mô nông hộ và trang trại với quy mô nhỏ, chưa phổ biến.

Chính phủ, doanh nghiệp và người dân tham gia với quy mô khác nhau

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, tại hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (Hội nghị COP 26), Thủ tướng đã đưa ra cam kết là Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Để làm được việc này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực triển khai xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí mê-tan trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2022, với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiệu có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải nhà kính”.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, để thực hiện các chiến lược, cam kết quốc tế, Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau. Mục tiêu là khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội và chuyển đổi mô hình sản xuất từ “tăng trưởng về sản lượng, năng suất, sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên” sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp “xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Ông David Rennie, Phó Chủ tịch Điều hành & Giám đốc các thương hiệu Cà phê của Tập đoàn Nestlé nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của xã hội. Đây cũng là một trong những rủi ro lớn nhất đối với việc sản xuất các thành phần trong thực phẩm và đồ uống của Nestlé. Nestlé đang tích cực hành động để trở thành một công ty có mức phát thải ròng bằng “0” và đẩy nhanh tiến độ hướng tới các hệ thống thực phẩm tái sinh trên quy mô lớn”.

Ông David Rennie cho biết thêm, “Chúng tôi đang cùng làm việc với nông dân để giúp họ chuyển đổi sang phương thức canh tác cà phê tái sinh và tìm kiếm các giải pháp đồng bộ tốt nhất phù hợp với vùng và cây trồng của họ”.

Để đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp sinh thái, giảm phát thải, ông Đỗ Ngọc Sỹ, Phụ trách chương trình cà phê bền vững Tập đoàn JDE khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, bên cạnh sự tham gia của các doanh nghiệp và khối tư nhân thì vai trò của Nhà nước vẫn là chủ đạo.

“Vừa qua ngành cà phê phải đương đầu với vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là thuốc Glifosat, ngay sau đó các tập đoàn cà phê và Chính phủ Việt Nam đã cùng chung tay để thực hiện chương trình này. Đến nay dư lượng Glifosat đã giảm đáng kể. Đây là tín hiệu đáng mừng và là lý do để lồng ghép, hợp tác phối hợp với nhau thực hiện. Tuy nhiên, vẫn đề đặt ra là vai trò quan trọng của Nhà nước trong điều phối, kết nối cũng như duỳ trì thực hiện như thế nào sau này” - ông Đỗ Ngọc Sỹ nói.

 Đại diện Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cho biết, hiện nay, mạng lưới nông dân liên kết với công ty thực hiện các chương trình canh tác hồ tiêu bền vững và có trách nhiệm là 6.000 nông dân. Mục tiêu của Simexco Đắk Lắk là sản xuất có trách nhiệm giảm phát thải CO2 để hướng tới lộ trình giảm phát thải CO2 xuống mức “zero” vào năm 2050, đồng thời đóng góp vào mục tiêu giảm khí thải nhà kính (GHG). Bên cạnh đó các dự án cũng rất quan tâm tới lao động trẻ em, bình đẳng giới.  

Dưới sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, Simexco đã triển khai các chương trình hồ tiêu bền vững và đạt được những kết quả tích cực nhờ vào việc áp dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tái tạo.  Hiện nay nông dân trong dự án của Simexco đã giảm được 25% lượng nước tưới, hạn chế tối đa việc khai thác mạch nước ngầm. Dựa vào kết quả phân tích đất bón phân theo khuyến cáo, giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật 15% tăng phân hữu cơ vi sinh, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ; đưa ra quy trình ủ phân hữu cơ để nông dân áp dụng hiệu quả.

Lan Phương
Bạn đang đọc bài viết Giảm phát thải và phát triển nông nghiệp bền vững: Khơi thông nguồn lực đầu tư, chuyển đổi mô hình sản xuất tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Lâm Đồng: Thu hồi 208 dự án đầu tư trên đất nông nghiệp
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Lâm Đồng cho hay, tính từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh còn 322 dự án/307 doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp để triển khai đầu tư, với tổng diện tích là 52.722 ha.