Giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng có thể tăng 30%

04/04/2024, 10:52
báo nói -

TCDN - Các chuyên gia dự báo giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng có thể tăng khoảng 30% so với năm ngoái, nhưng còn rất xa mới bằng đợt trước đại dịch COVID-19.

Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái ảm đạm, dù nhiều phân khúc khác đã có dấu hiệu phục hồi. Theo dữ liệu của VARS, trong năm 2023, thị trường ghi nhận gần 3.200 sản phẩm, giảm hơn 80% theo năm. Lượng giao dịch cả năm chỉ đạt hơn 700 căn, chưa phục hồi như kỳ vọng.

Lý do là các dự án nghỉ dưỡng vẫn vướng mắc về pháp lý nên chưa thể ra hàng. Trong khi đó, hàng tồn kho chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm cắt lỗ từ nhóm nhà đầu tư trước đó. Trên thị trường thứ cấp, biệt thự biển, shophouse nghỉ dưỡng dù giảm giá sâu cũng khó thanh khoản.

villa

"Hàng loạt doanh nghiệp phải trả giá vì phát triển ồ ạt giai đoạn trước. Nhiều dự án tạm dừng khiến lượng tồn kho tăng mạnh, còn nguồn cung mới giảm nghiêm trọng", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, lập luận.

Mức độ khó khăn của bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo giảm bớt trong năm nay. VARS đánh giá thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai bởi nhu cầu du lịch tăng cao và sự quan tâm của giới đầu tư. Việc hoàn thiện pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng là động lực để doanh nghiệp "bơm" nguồn cung vào thị trường.

Ông Đính dự báo nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng trong năm nay có thể cải thiện 20% so với năm ngoái. Trong đó, loại hình căn hộ biển tại các dự án lớn sẽ chiếm ít nhất 60% thị phần.

Giá bán trên thị trường cơ cấp và thứ cấp có xu hướng tăng nhẹ. Sản phẩm căn hộ du lịch có giá khoảng 50 triệu đồng mỗi m2 sẽ tiếp tục đi ngang trên thị trường thứ cấp. Lượng giao dịch được dự báo tăng khoảng 30% so với năm ngoái, song vẫn còn khoảng cách rất xa với lượng giao dịch trước dịch bệnh.

Cùng quan điểm, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, chỉ ra rằng nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang lên kế hoạch tái khởi động. Thời gian qua, họ nhận nhiều yêu cầu tư vấn nghiên cứu hay chọn đơn vị điều hành khách sạn. Một số dự án bị trì hoãn hoặc triển khai dở dang cũng trong quá trình chuyển giao cho chủ đầu tư mới, thúc đẩy thị trường mua bán, sáp nhập.

Trong số các thị trường ven biển, ông Mauro nói rằng Đà Nẵng đang dẫn đầu về tốc độ phục hồi nhờ cải thiện tần suất các chuyến bay quốc tế và sự gia tăng của nhóm khách Hàn Quốc. Trung bình, mỗi ngày Đà Nẵng đón nhận khoảng 25 chuyến bay từ Hàn Quốc, chiếm hơn 50% tổng số chuyến bay quốc tế đến thành phố biển này. Trong khi đó, thị trường Nha Trang - Cam Ranh vẫn gặp nhiều thách thức do phụ thuộc nhiều vào nguồn khách Trung Quốc.

Mauro nhìn nhận mục đích sau cùng với sản phẩm nghỉ dưỡng là đem đến trải nghiệm cho khách hàng. Tuy nhiên, nhiều dự án phát triển giai đoạn trước chưa chú ý đến khía cạnh này, thậm chí chỉ chú trọng việc xây bán với quy mô lớn.

"Đây là thời điểm thích hợp để các chủ đầu tư điều chỉnh mô hình kinh doanh, quan tâm hơn đến yếu tố phát triển bền vững để truyền tải tốt nhất tinh thần ngành nghỉ dưỡng", ông Mauro bình luận.

Tùng Lâm
Bạn đang đọc bài viết Giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng có thể tăng 30% tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan