Góp ý dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

20/06/2024, 14:38

TCDN - Ngày 20/6, Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Ban soạn thảo cho ý kiến dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

20240620_084752

Ông Bùi Tuấn Minh – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính cho biết, Quốc hội thống nhất thông qua khi đề xuất chính sách xây dựng Luật về tên Luật là: “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Về phạm vi điều chỉnh, thực hiện nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp quản lý pháp nhân doanh nghiệp, nhà nước chỉ quản lý dòng vốn đầu tư tại doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động theo quy định pháp luật chung đối với doanh nghiệp; vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp; phân công rõ, phân cấp mạnh, cụ thể trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; việc doanh nghiệp sử dụng vốn để đầu tư, mua sắm tài sản phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do doanh nghiệp tự quyết định, tách bạch, phân định với chức năng của chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Nhà nước xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mình đối với phần vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được chủ động sử dụng vốn phục vụ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư vốn; việc đầu tư vốn để kinh doanh nhằm mục đích bảo toàn, phát triển vốn được thực hiện theo phân công, phân cấp; quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm đối với vốn và tài sản của doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ đã thông qua và báo cáo Quốc hội phạm vi điều chỉnh của Luật là ”Luật này quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Cục trưởng Bùi Tuấn Minh cho biết thêm, dự thảo Luật xác định đối tượng áp dụng bao gồm: (i) Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn; (ii) Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, bao gồm: Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp là doanh nghiệp có vốn đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn. Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp; (iii) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Góp ý về vấn đề phê duyệt chủ trương với vai trò chủ sở hữu vốn trước khi quyết định thực hiện đầu tư vốn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Xuân Nam cho rằng, việc quy định phải trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vốn đối với dự án quy mô từ 5.000 tỷ đồng đến dưới 15.000 tỷ đồng và 20.000 tỷ đồng trình Quốc hội sẽ tăng thêm một “nhịp” đối với doanh nghiệp. Trong khi thời gian phê duyệt thường chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Đối với việc trích lập Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhấn mạnh, hiện nguồn vốn nằm trong DNNN rất lớn nhưng việc đưa vốn vào phát triển cuộc sống còn hạn chế. Đối với doanh nghiệp mới, doanh nghiệp được Chính phủ giao nhiệm vụ tiên phong, sẽ yêu cầu nguồn vốn lớn, do vậy EVN kiến nghị được để lại 100% lợi nhuận sau thuế sau khi thực hiện các nội dung chi, trích các quỹ đặc thù.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Mậu - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay, mục đích cuối cùng của DNNN là thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, vì vậy, cần cho phép doanh nghiệp để lại 100% lợi nhuận sau thuế để trích lập Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, việc xác định tên luật, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng là chính xác và đã hướng tới tương lai để đầu tư vốn. Đặc biệt, theo ông Tuấn, nội dung các chính sách đã thể hiện tư duy thị trường, xác định Nhà nước là một chủ đầu tư vốn trong doanh nghiệp như các nhà đầu tư khác.

Ngoài ra, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị xem xét nguyên tắc quản trị, công khai minh bạch như theo chuẩn đối với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay.

Thông tin về thời gian dự kiến trình Quốc hội thông qua Luật, Cục trưởng Bùi Tuấn Minh cho biết, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để triển khai xây dựng Luật cụ thể trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ nhất tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2024); được trình Quốc hội trong 02 kỳ họp và dự kiến Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Góp ý dự thảo Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan