DNNN đầu tư ra nước ngoài: 43 dự án lỗ lũy kế trên 1.400 triệu USD

04/10/2023, 15:09

TCDN - Tính đến 31/12/2022, có 43 dự án do DNNN đầu tư ra nước ngoài có lỗ lũy kế (năm 2021: 44 dự án) với tổng số lỗ lũy kế là 1.441,06 triệu USD (tăng 105,96 triệu USD, tương đương 7,94% so với năm 2021).

Trồng, chế biến mủ cao su là một trong 3 lĩnh vực DNNN đầu tư ra nước ngoài lớn nhất.

Trồng, chế biến mủ cao su là một trong 3 lĩnh vực DNNN đầu tư ra nước ngoài lớn nhất.

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/12/2022, có 30 DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện đầu tư ra nước ngoài theo hình thức trực tiếp đầu tư và đầu tư thông qua các công ty con cấp 1, cấp 2. Trong đó, 10 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, 09 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc Phòng, 02 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây Dựng; các Bộ: Công Thương, Y tế: mỗi Bộ có 01 doanh nghiệp; UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mỗi thành phố có 02 doanh nghiệp; UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Đắk Lắk, An Giang: mỗi tỉnh có 01 doanh nghiệp.

Năm 2022, số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện là 61,55 triệu USD tại 14 dự án, chủ yếu tại các dự án của các công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); các dự án của Tập đoàn công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel).

Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của các DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và các công ty con đến ngày 31/12/2022 là 6.622,92 triệu USD (bằng 55,44% số vốn đầu tư đăng ký). Trong đó, PVN có số vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện lớn nhất (4.026,93 triệu USD, chiếm 60,80% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài); tiếp theo là Viettel (1.471,90 triệu USD, chiếm 22,22%); Tập đoàn CN Cao su VN (VRG) đứng thứ ba (772,6 triệu USD, chiếm 11,67%). Tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của 03 doanh nghiệp này chiếm 94,69% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài của khối DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài tiếp tục duy trì chủ yếu trong các lĩnh vực: dầu khí; viễn thông; trồng, chế biến mủ cao su và các lĩnh vực khác (khai thác khoáng sản; nông nghiệp; xây lắp, thương mại, vận tải hàng không...). Trong đó, lĩnh vực dầu khí, lĩnh vực viễn thông và lĩnh vực trồng, chế biến mủ cao su với 3 tập đoàn có số đầu tư lớn là các lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài lớn nhất.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2022, có 94 dự án phát sinh doanh thu với tổng doanh thu là 9.688,55 triệu USD, tăng 24,43% so với năm 2021. Trong đó: 67 dự án có lợi nhuận, với tổng lợi nhuận sau thuế là 569,55 triệu USD (giảm 240,65 triệu USD, tương ứng 29,70% so với năm 2021). Số lợi nhuận được chia trong năm của các nhà đầu tư Việt Nam là 254,74 triệu USD (giảm 30,09 triệu USD, tương ứng giảm 10,56% so với năm 2021).

29 dự án bị lỗ (giảm 1 dự án so với năm 2021) với tổng số lỗ là 263,40 triệu USD (số lỗ giảm 72,12 triệu USD, giảm 21,50% so với năm 2021).

Đến 31/12/2022, có 43 dự án có lỗ lũy kế (năm 2021: 44 dự án) với tổng số lỗ lũy kế là 1.441,06 triệu USD (tăng 105,96 triệu USD, tương đương 7,94% so với năm 2021).

Phương Dung
Bạn đang đọc bài viết DNNN đầu tư ra nước ngoài: 43 dự án lỗ lũy kế trên 1.400 triệu USD tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hơn 140 DNNN lỗ lũy kế gần 70.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2022 có 64/676 doanh nghiệp (chiếm 9% tổng số DNNN) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 29.456 tỷ đồng; 144/676 doanh nghiệp (chiếm 21% tổng số DNNN) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 69.892 tỷ đồng.