Đánh giá, xếp loại DNNN: Sẽ có thêm tiêu chí về tài chính, thuế

26/09/2023, 10:22

TCDN - Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn đánh giá và quyết định xếp loại doanh nghiệp sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp về đầu tư vốn của doanh nghiệp, chấp hành chính sách pháp luật về thuế và tuân thủ quy định chế độ báo cáo.

Đây là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra tại dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13) sửa đổi do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo.

C6028E49-F28A-4EBE-B62E-C6F27C8D5A6E

Theo Ban soạn thảo dự thảo, Luật số 69/2014/QH13 quy định việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp căn cứ vào 04 nhóm tiêu chí; việc đánh giá người quản lý doanh nghiệp dựa vào kết quả đánh giá, xếp loại doanh nghiệp và việc thực hiện quyền, trách nhiệm được giao; Chính phủ quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, kết quả hoạt động và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý doanh nghiệp.

Trong đó, các tiêu chí cụ thể gồm: (1) Mức độ thực hiện kế hoạch của doanh nghiệp về doanh thu, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp; (2) Khả năng thanh toán nợ, nợ phải trả quá hạn của doanh nghiệp; (3) Việc thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch; (4) Việc chấp hành chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan (Điều 59 Luật số 69/2014/QH13).

Quy định nêu trên, việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp cũng như việc đánh giá bảo toàn vốn của doanh nghiệp đang được đánh giá chung trên kết quả hoạt động của doanh nghiệp và từng dự án đầu tư (phải có hiệu quả). Trong khi đó, doanh nghiệp còn phải thực hiện một số nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao (các nhiệm vụ này thường không có hiệu quả kinh tế cao mà chủ yếu thể hiện hiệu quả về mặt xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh).

Thực tế, từng dự án đầu tư cụ thể được lập và triển khai theo đúng quy định của pháp luật nhưng có thể không đạt được như dự kiến ban đầu do nhiều yếu tố khách quan.

Mặt khác, chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm và kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp do chủ sở hữu giao cũng chịu nhiều yếu tố tác động khách quan như tình hình dịch bệnh COVID thời gian qua, cuộc cách mạng chuyển đổi công nghệ số… dẫn tới ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, xếp loại.

Để khắc phục bất cập trên, dự thảo Luật số 69/2014/QH13 sửa đổi nêu rõ, việc đánh giá doanh nghiệp thực hiện đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp trên 50% vốn điều lệ, người đại diện chủ sở hữu vốn và Kiểm soát viên đảm bảo nguyên tắc dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo thận trọng, khách quan, công khai, minh bạch, đánh giá toàn diện có loại trừ tác động của yếu tố khách quan.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn đánh giá và quyết định xếp loại doanh nghiệp sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp về đầu tư vốn của doanh nghiệp, chấp hành chính sách pháp luật về thuế và tuân thủ quy định chế độ báo cáo.

Kết quả đánh giá doanh nghiệp để xếp loại doanh nghiệp làm cơ sở trích lập và chi Quỹ khen thưởng, phúc lợi của doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn đánh giá và xếp loại người đại diện chủ sở hữu vốn, kiểm soát viên do mình cử, giới thiệu. Kết quả đánh giá người đại diện chủ sở hữu vốn, kiểm soát viên là cơ sở để chi khen thưởng theo năm, điều chỉnh nhiệm vụ, đánh giá, xếp loại của người đại diện chủ sở hữu vốn, kiểm soát viên.

Luật số 69/2014/QH13 quy định 4 tiêu chí đánh giá, xếp loại doanh nghiệp gồm:

(1) Mức độ thực hiện kế hoạch của doanh nghiệp về doanh thu, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp;

(2) Khả năng thanh toán nợ, nợ phải trả quá hạn của doanh nghiệp;

(3) Việc thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch;

(4) Việc chấp hành chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Đánh giá, xếp loại DNNN: Sẽ có thêm tiêu chí về tài chính, thuế tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DNNN phát triển
Với vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã thể hiện rõ chức năng, quyền hạn, kịp thời giúp doanh nghiệp kinh doanh và đầu tư không bị gián đoạn, ổn định, liên tục phát triển.
Hơn 140 DNNN lỗ lũy kế gần 70.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2022 có 64/676 doanh nghiệp (chiếm 9% tổng số DNNN) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 29.456 tỷ đồng; 144/676 doanh nghiệp (chiếm 21% tổng số DNNN) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 69.892 tỷ đồng.
Chuyển đổi số DNNN: Thiếu lộ trình, khó xác định mô hình
Doanh nghiệp nhà nước có những quy định tổ chức khác với các doanh nghiệp có hình thức sở hữu khác; hành lang pháp lý, quy chế và cách thức kiểm soát chặt chẽ… là yếu tố tạo nên những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để chuyển đổi số.
Không ghi nhận DNNN cổ phần hóa trong 6 tháng đầu năm
Theo báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2023, chưa ghi nhận DNNN cổ phần hóa. Các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo phê duyệt kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022.