Hà Nội nêu tên loạt công trình của các bộ, ngành chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào hoạt động

18/09/2024, 15:43

TCDN - Có đến 18 công trình sử dụng vốn của các bộ, ban, ngành Trung ương chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký ban hành Văn bản số 3060/UBND-NC về việc khắc phục một số công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động trên địa bàn.

Theo đó, Công văn được gửi đến một số Bộ, ngành, đơn vị có liên quan với nội dung: Thời gian qua, UBND Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiên quyết xử lý các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC, trọng tâm là: Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 18/6/2021 của UBND Thành phố về khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn Thành phố; Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25/8/2022 của UBND Thành phố về tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép.

image00120240917214956

Đồng thời, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xử lý: Tổ chức làm việc với 100% các chủ đầu tư của công trình vi phạm (có mời các đơn vị chức năng có liên quan cùng tham gia) để họp bàn, thống nhất biện pháp, giải pháp thực hiện; yêu cầu chủ đầu tư cam kết lộ trình, thời gian, tiến độ để từng bước khắc phục đối với từng nội dung tồn tại, vi phạm cụ thể; Đăng tải công khai tên chủ đầu tư công trình chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên phương tiện thông tin đại chúng.

Kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động; Phối hợp với Tổng Công ty Điện lực Thành phố, Công ty TNHH MTV Nước sạch Thành phố và các đơn vị cung cấp nước, căn cứ các quy định của pháp luật có liên quan, nghiên cứu dừng cấp điện, cấp nước đối với công trình vi phạm…

Chính quyền Thủ đô cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xử lý dứt điểm các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC. Gần đây nhất là Kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/1/2023 về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, trong đó chỉ đạo: “Giải quyết dứt điểm toàn bộ các công trình hiện hữu vi phạm về PCCC, chưa thẩm duyệt nghiệm thu hoặc phát sinh công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đã được đưa vào sử dụng trên địa bàn quản lý, hoàn thành trong tháng 6/2024”.

Tuy nhiên qua theo dõi, nhận thấy tiến độ khắc phục của các công trình vi phạm còn chậm. Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện, đảm bảo các công trình được hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

18 công trình sử dụng vốn của các bộ, ban, ngành Trung ương chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố được nêu cụ thể là:

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Số 5 đường Tôn Thất Thuyết, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải);

Trung tâm Kinh tế xã hội và quốc gia – Bộ kế hoạch và Đầu tư (Ngõ 7 đường Tôn Thất Thuyết, quận Cầu Giấy, chủ đầu tư là Bộ Kế hoạch và Đầu tư);

Tòa nhà Bộ Công Thương (Số 655, đường Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, chủ đầu tư là Bộ Công Thương);

Hạng mục 11 tầng Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương (Số 193 Vĩnh Hưng, P. Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, chủ đầu tư là Bộ Công Thương);

Trường Đại học Công nghiệp Việt Hung (Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây, chủ đầu tư là Bộ Công Thương);

Bệnh viện Lão khoa Trung ương (1A Phương Mai, Phường Phương Mai, quận Đống Đa, chủ đầu tư là Bộ Y tế);

Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương (Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, chủ đầu tư là Bộ Y tế);

Nhà tạm K - Bệnh viện Phụ Sản Trung ương (43 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, chủ đầu tư là Bộ Y tế);

Nhà B5, nhà E Bệnh viện Việt Đức (40 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, chủ đầu tư là Bộ Y tế);

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (hạng mục tầng hầm, tầng 2 ở Thôn Bầu, xã Kim Chung Huyện Đông Anh, chủ đầu tư là Bộ Y tế);

Viện Kinh tế xây dựng (20 Thể Giao, quận Hai Bà Trưng, chủ đầu tư là Bộ Xây dựng);

Trường Cao đẳng Cộng Đồng (Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, chủ đầu tư là Bộ GD&ĐT);

Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội (Thôn Phượng Đồng, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, chủ đầu tư là Bộ GD&ĐT);

Học viện Tòa án (Kim Sơn, huyện Gia Lâm, chủ đầu tư là Tòa án nhân dân tối cao);

Viện Công nghệ Sinh học (Trung tâm nghiên cứu tế bào gốc thuộc dự án Tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và phát triển ứng dụng tế bào gốc tại Viện Hàn lâm KHCNVN; Số 18 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, chủ đầu tư là Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam);

Nhà khách Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (Thôn 3, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, chủ đầu tư là Đại học Quốc gia Hà Nội);

Trung tâm truyền hình Thông tấn xã Việt Nam (33 Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, chủ đầu tư là Thông tấn xã Việt Nam);

Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Trung ương (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, chủ đầu tư là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam).

Nguyễn Triệu
Bạn đang đọc bài viết Hà Nội nêu tên loạt công trình của các bộ, ngành chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào hoạt động tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bộ Xây dựng nói gì về việc gỡ khó quy chuẩn PCCC?
Bộ Xây dựng và Bộ Công an đang phối hợp xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho các công trình còn tồn tại liên quan quy chuẩn PCCC. Tờ trình dự thảo nghị quyết này đã được trình Chính phủ, nhằm sớm tháo gỡ khó khăn cho các công trình, cơ sở hiện hữu.