Hà Nội: Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 177 nghìn tỷ đồng
TCDN - Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội trong 6 tháng đầu năm ước thực hiện 177.464 tỷ đồng, đạt 56,9% dự toán, bằng 122,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 30.527 tỷ đồng, đạt 28,5% dự toán và bằng 102,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Chi đầu tư phát triển là 10.245 tỷ đồng, đạt 20,1% dự toán, bằng 99,3 so với cùng kỳ; Chi thường xuyên là 19.938 tỷ đồng, đạt 37,4% dự toán và bằng 103,0% so với cùng kỳ.
GRDP quý II của Hà Nội ước tăng 9,49% cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm (6,4-6,9%). Lũy kế 6 tháng GRDP tăng 7,79% gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%) và 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (7,21% - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19); trong đó, dịch vụ tăng 9,05% gấp 1,54 lần mức tăng cùng kỳ (5,87%), công nghiệp tăng 6,73% (cùng kỳ tăng 7,66%), xây dựng tăng 5,54%, nông nghiệp tăng 2,39%, thuế sản phẩm tăng 4,55%.
Kim ngạch xuất khẩu quý II ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ; Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 8,32 tỷ USD, tăng 17,1% (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,5%; cùng kỳ năm 2019 tăng 5,4%). Kim ngạch nhập khẩu quý II ước đạt 11,20 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ; Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 20,49 tỷ USD, tăng 24,5% (cùng kỳ năm 2021 tăng 21,1%; cùng kỳ năm 2019 tăng 4,6%).
Tổng mức bán lẻ quý II ước đạt 174,44 tỷ đồng, tăng 24,3%; Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 336,01 tỷ đồng, tăng 16,5% gấp hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (tăng 7,2%).
Khối lượng hàng hóa vận chuyển quý II tăng 36,2%, doanh thu tăng 46,9%; Lũy kế 6 tháng đầu năm tăng tương ứng 32,8% và 44,9% (cùng kỳ tương ứng giảm 10,7%, tăng 11,3%).
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý II đạt 104,30 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%; Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 180,57 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% cao hơn mức tăng cùng kỳ 8,4%.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hà Nội trong 6 tháng đầu năm bên cạnh sự cải thiện xếp hạng của Chỉ số PAPI và Chỉ số SIPAS, các chỉ số PCI và PAR Index đều giảm bậc xếp hạng (PCI giảm 01 bậc; PAR Index giảm 02 bậc so với năm 2020). Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã có lúc thiếu chặt chẽ, chưa thật sự hiệu quả; thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân còn phiền hà; chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành còn chậm.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,25% - cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ 2021 (tăng 1,14%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%; trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất - 16,07%. Nguyên nhân quan chủ yếu là do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến chiến tranh tại Ukraina và cấm vận đối với Liên bang Nga; giá nhiên, nguyên liệu cho sản xuất, xây dựng và hầu hết hàng hóa tiêu dùng đều tăng.
Do các doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trong thời gian dài; việc mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh còn có khó khăn về mặt bằng, về vốn đầu tư… nên chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm ước tăng 6,6% (cùng kỳ tăng 8,7%); GRDP ngành công nghiệp ước tăng 6,73% (cùng kỳ tăng 7,66%).
Số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 51%) vẫn còn cao.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công ước 6 tháng đầu năm tương đương cùng kỳ, cao hơn các địa phương thuộc phạm vi kiểm tra của Tổ công tác số 4 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với yêu cầu.
Trong 6 tháng cuối năm Hà Nội đặt mục tiêu thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; kiểm soát giá cả, thị trường; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ và Thành phố; tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế mới...
email: [email protected], hotline: 086 508 6899