Hà Tĩnh: Nộp ngân sách hơn 14 tỷ đồng từ thuế, phí khai thác khoáng sản
TCDN - Quá trình hoạt động khoáng sản từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đã đóng nộp các khoản thuế, phí theo quy định vào ngân sách với tiền hơn 14 tỷ đồng.
Theo thống kê của UBND tỉnh Hà Tĩnh, hiện, có 5 đơn vị được cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại 7 mỏ khoáng sản ở địa bàn các huyện: Kỳ Anh, Nghi Xuân, Thạch Hà, Hương Sơn và thị xã Kỳ Anh.
Sản lượng khai thác khoáng sản từ năm 2016 đến nay là titan 24.779 tấn, sericit 49.475 tấn, thạch anh 16.249 tấn, nước khoáng 38.473m³
Quá trình hoạt động khoáng sản, các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ đóng nộp các khoản thuế, phí theo quy định. Tổng số tiền đã nộp ngân sách trong giai đoạn từ 2016 đến nay là 14,234 tỷ đồng.
Được biết, các doanh nghiệp đang hoạt động khoáng sản titan, sericit, sắt, thạch anh, thiếc, nước khoáng/nước nóng thiên nhiên là các loại khoáng sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương.
Qua tiến hành điều tra, đánh giá, xác định trữ lượng tài nguyên dự báo ở các mỏ là quặng sericit Sơn Bình (Hương Sơn) đạt khoảng 2 triệu tấn; thạch anh sạch Kỳ Anh đạt khoảng 3,3 triệu tấn; cao lanh Kỳ Anh, Cẩm Xuyên đạt hơn 2 triệu tấn.
Theo đánh giá của ngành chức năng, các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản (titan, sericit, thạch anh...), trong quá trình khai thác vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: chưa thực hiện đầy đủ các nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường; tỷ lệ trồng cây xanh xung quanh khu vực khai thác, đường vận chuyển, khuôn viên văn phòng còn thấp.
Việc đầu tư thiết bị chế biến sâu của các mỏ, nhất là các mỏ khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp còn hạn chế, công nghệ đơn giản nên chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu.
Hầu hết các đơn vị khai thác đều sử dụng hạ tầng giao thông của địa phương nhưng chưa hỗ trợ chi phí đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đường giao thông trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương; thiếu trách nhiệm trong việc sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, ngoài các mỏ khoáng sản như titan, cao lanh, thạch anh, nước khoáng/nước nóng… đang hoạt động khá ổn định, nộp thuế, phí vào ngân sách nhà nước đều hàng năm, tuy nhiên, mỏ sắt Thạc Khê lại xảy ra thực trạng trái ngược.
Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 6 xã thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, có trữ lượng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Năm 2009, Công ty sắt Thạch Khê (TIC) được thành lập và bắt đầu thử nghiệm khai thác lộ thiên bằng thiết bị cơ giới, song do nhiều nguyên nhân nên từ năm 2011, hoạt động khai thác mỏ bị tạm dừng theo chỉ đạo của Chính phủ. Gần đây, Công ty TIC có kế hoạch xin Nhà nước cho phép tái khởi động việc khai thác mỏ sắt này.
Hiện các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án như: Năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư, công nghệ kỹ thuật, bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ, hiệu quả kinh tế dự án. Vì vậy, Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị xem xét quyết định việc dừng, đóng cửa mỏ hay tạm dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Để hoàn thiện báo cáo trình Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến các bộ, ngành liên quan, đề xuất 2 phương án đối với dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.
Cụ thể, phương án 1, dừng thực hiện dự án, đóng cửa mỏ, cần phân tích, đánh giá toàn diện các tác động về hậu quả pháp lý, những thiệt hại kinh tế, trong đó có thiệt hại của doanh nghiệp thực hiện dự án và các cổ đông tham gia và ổn định đời sống, sản xuất người dân vùng ảnh hưởng do khai thác mỏ dở dang.
Phương án 2, tạm dừng thực hiện dự án để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các điều kiện về khoa học kỹ thuật, năng lực chủ đầu tư, nguồn vốn, công nghệ, bảo đảm khi triển khai dự án phải an toàn, hiệu quả về môi trường và được chính quyền địa phương ủng hộ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899