Hải Phòng: "Hô biến” hơn 5.300m2 đất nông nghiệp thành bãi tập kết vật liệu xây dựng
TCDN - Hơn 5.300m2 đất nông nghiệp tại thôn Cách Thượng, xã Nam Sơn, huyện An Dương bị Công ty TNHH Việt Hà “hô biến” thành bãi tập kết đá, vật liệu xây dựng (VLXD) suốt nhiều năm nhưng không bị chính quyền địa phương xử lý khiến người dân vô cùng bức xúc.
Biến hơn 5.300m2 đất nông nghiệp sử dụng theo ý thích?
Theo ghi nhận của PV Tài chính Doanh nghiệp, khu vực bãi tập kết đá nói trên nằm sát hành lang an toàn cầu vượt Quán Toan (Quốc Lộ 10), thuộc địa phận thôn Cách Thượng, xã Nam Sơn, có diện tích hơn 5.300m2.
Hàng ngày, hoạt động mua bán, vận chuyển đá Granite tại khu vực này diễn ra vô cùng sôi động với hàng loạt, máy cẩu, xe container ra vào tấp nập, khiến cho nhiều người chứng kiến cứ ngỡ đây là một cơ sở kinh doanh VLXD hợp pháp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động theo quy định?.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, diện tích hơn 5.300m2 trên ban đầu là diện tích đất nông nghiệp, sau đó được chuyển đổi thành trang trại, nhà kho chứa thức ăn chăn nuôi của một hộ dân trong vùng. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, khu đất này bỗng nhiên biến tướng thành khu vực tập kết đá các loại của Công ty TNHH Việt Hà.
Theo quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy Cty Việt Hà đã xây dựng nhà xưởng kiên cố trên mặt bằng đất này, gắn tên biển hiệu công ty đầy đủ, không giống với đất để hoạt động trang trại như PV tìm hiểu.
Hơn nữa, phần diện tích ngay cổng vào chạy dọc đến hết cuối nhà xưởng được xây dựng ngay sát với hành lang an toàn cầu vượt Quán Toan (Quốc Lộ 10). Chưa rõ công ty này hoạt động khai tác tập kết đá, VLXD có được cấp phép hay không nhưng kết cấu xây dựng nhà xưởng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm?.
Được biết, chủ xưởng sử dụng sai mục đích đất trên là ông Phạm Phương Hoàn, sinh 1976, trú tại: 90 Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng
Hơn 5 năm chính quyền vẫn "bất lực" trước sai phạm Công ty Việt Hà?
Được biết, từ năm 2014, UBND xã Nam Sơn (huyện An Dương) đã ghi nhận tình trạng sử dụng đất sai mục đích của công ty TNHH Việt Hà và nhiều lần ra “tối hậu thư” yêu cầu công ty này nộp phạt và dừng ngay việc hoạt động sai trên nhưng Cty Việt Hà vẫn cố tình không chấp hành?.
Cụ thể, theo hợp đồng mục đích sử dụng thuê đất giữa UBND huyện An Dương và ông Phạm Phương Hoàn (chủ xưởng đá Granite Việt Hà) là để nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, ông Hoàn đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 5.300m2 đất để làm bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Theo đó, diện tích đất trên thuộc thửa đất số 78, tờ bản đồ số 2, thuộc thôn Cách Thượng, có diện tích 5.348m2, được UBND huyện An Dương cho ông Nguyễn Văn Chiến thuê vào năm 2005, với thời hạn sử dụng 20 năm. Sau đó, ông Chiến đã xây chuồng trại và nhà kho để chứa thức ăn chăn nuôi.
Sau nhiều lần chuyển nhượng bằng hợp đồng viết tay, trái quy định pháp luật, đến năm 2013, thửa đất trên được ông Phạm Phương Hoàn đứng tên. Nhưng thay vì sử dụng đúng mục đích đất được cho phép, ông Hoàn đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép để làm bãi tập kết đá Granit không phép.
Theo ghi nhận các tài liệu từ PV Tài chính Doanh nghiệp, ngày 25/12/2014, Tổ công tác của UBND xã Nam Sơn đã lập Biên bản vi phạm hành chính đối với ông Phạm Phương Hoàn về lĩnh vực đất đai. Nội dung ghi rõ, ông Phạm Phương Hoàn đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp, với diện tích 5.348m2, để làm bãi tập kết các loại đá xây dựng bản to.
Nhưng điều kì lạ là ở chỗ, biên bản được lập và được kí bởi tất cả các thành viên tổ công tác nhưng lại không có chữ kí của đại diện tổ chức vi phạm, với lý do vắng mặt.
Tiếp đó, Ngày 26/12/2014, UBND xã Nam Sơn đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 69/QĐ-XPVPHC đối với cá nhân ông Phạm Phương Hoàn. Nội dung quyết định xử phạt: ông Hoàn đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính là tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp, với diện tích 5.348m2, để làm bãi tập kết các loại đá xây dựng bản to. Quy định định tại điểm b, khoản 2, Điều 8, Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính Phủ.
Ông Hoàn bị xử phạt số tiền 3,5 triệu đồng và buộc phải khôi phục lại tình trạng đất trước khi vi phạm. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 60 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định này.
Quyết định xử phạt đã rõ, nhưng hơn 5 năm qua, ông Phạm Phương Hoàn hoàn toàn “phớt lờ” quyết định xử phạt của chính quyền xã Nam Sơn. Không nộp phạt số tiền vi phạm cũng như khôi phục lại hiện trạng đất trước khi vi phạm.
Trao đổi với PV Tài chính Doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Chiến – Chủ tịch UBND xã Nam Sơn (An Dương) cho biết, diện tích đất mà Công ty Việt Hà đang sử dụng có thời hạn thuê 20 năm từ năm 2005-2025. Từ năm 2013 tới nay khu đất này được ông Phạm Dương Hoàn đứng tên thuê lại và tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang bãi tập kết VLXD. Việc này chính quyền xã đã 3 lần gửi giấy mời yêu cầu chủ khu đất lên để làm việc giải quyết vi phạm nhưng ông Hoàn không phối hợp.
Tiếp đó, UBND xã Nam Sơn đã làm công văn gửi UBND huyện An Dương để tiếp tục xin chỉ đạo từ đơn vị này.
“Trong năm 2020, UNBD xã Nam Sơn đã 3 lần gửi giấy mời cho bên chủ diện tích thuê trên tới làm việc nhưng họ nhất quyết không lên. Theo trình tự tôi đã gửi công văn báo cáo lên huyện An Dương để các cấp phối hợp, có phương án xử lý vì đất là huyện cho thuê, tuy nhiên huyện báo là xã chủ động làm việc. Tôi thì mong các cấp cùng vào xử lý dứt diểm trường hợp trên. Còn về vấn đề nghĩa vụ thuế tài chính thì tôi không nắm rõ” – Ông Chiến – Chủ tịch xã Nam Sơn nói.
Cụ thể, ngày 19/6/2020 UBND xã Nam Sơn đã gửi công văn báo cáo UBND huyện An Dương về việc sử dụng đất sai mục đích của ông Phạm Phương Hoàn để xin ý kiến chỉ đạo nhưng vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ huyện An Dương?.
PV đã liên hệ với ông Lê Văn Cường – Phó chủ tịch UBND huyện An Dương và sẽ thông tin buổi làm việc trong bài tiếp theo.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899