Hậu cổ phần hóa: Quản trị doanh nghiệp tiếp tục được đổi mới

15/11/2016, 02:46

TCDN - 10 tháng năm 2016 đã trôi qua, tuy tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại DNNN chưa đạt như kỳ vọng nhưng một điểm đáng mừng được Bộ Tài chính đánh giá đó là quản trị DN đã và đang tiếp tục được đổi mới từ tổ chức, tài chính, vật tư, lao động đến khoa học công nghệ.

Lao động dôi dư ở các đơn vị cổ phần hóa được hưởng nhiều hỗ trợ đã góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, cổ phần hoá, duy trì ổn định xã hội. Ảnh: S.T.

Thoái vốn, lãi gấp đôi

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, 10 tháng qua đã có 51 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 Tổng công ty Nhà nước. Tổng giá trị thực tế của 51 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 32.032 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN là 23.344 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn từ đầu năm tới nay, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính nhận định tiến độ như hiện nay là "chấp nhận được". Về cơ bản, thời gian qua các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, DNNN đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu. Các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã được ban hành đầy đủ, tạo thuận lợi cho các DN thực hiện. Hiệu quả hoạt động của DNNN sau cổ phần hóa từng bước được nâng cao. Số lượng DN thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp đạt kế hoạch theo đề án tái cơ cấu được duyệt. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm lĩnh vực nhạy cảm được triển khai quyết liệt.

Một điểm đáng chú ý trong thời gian qua là vấn đề quản trị DN được Bộ Tài chính đánh giá là tiếp tục có nhiều đổi mới. Trước hết thể hiện trong quản trị về vật tư và tài chính thông qua sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các định mức kinh tế kỹ thuật, định mức tiêu hao vật tư phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh, thị trường và các chủng loại vật tư mới; điều chỉnh mối quan hệ tín dụng của các DNNN theo hướng công ty mẹ không bảo lãnh cho các công ty con trong hoạt động tín dụng nhằm tăng cường tính chủ động và trách nhiệm về tài chính của các công ty con theo cơ chế tự vay, tự trả; nâng cao công tác giám sát tài chính đối với các DNNN. Bên cạnh đó, lao động dôi dư ở các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, giao, bán được hưởng chính sách trợ cấp; được hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nghề để bố trí việc làm mới tại DN cổ phần hoá hoặc tự thu xếp công việc mới đã góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, cổ phần hoá, duy trì ổn định xã hội. Quản trị về tổ chức cũng được đổi mới bằng cách sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, thu gọn các phòng ban, đơn vị đầu mối tại công ty mẹ, ban hành các quy định mới về quyền hạn, trách nhiệm và tiêu chuẩn của các vị trí điều hành góp phần kiện toàn, nâng cao năng lực quản trị, điều hành DN. Đổi mới quản trị về khoa học công nghệ với việc thực hiện xử lý các tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, lạc hậu về kỹ thuật, tập trung vốn để đầu tư những tài sản, dây chuyền công nghệ tiên tiến tạo điều kiện tăng năng suất lao động của DN.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế

Trong giai đoạn 2016-2020, quá trình cổ phần hóa DNNN tiếp tục được Đảng, Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt, đối tượng cổ phần hóa tiếp tục được mở rộng tới các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước lớn đòi hỏi phải có các cơ chế liên quan hướng dẫn phù hợp nhằm xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị DN, tổ chức định giá sát với giá thị trường, tiếp tục bán cổ phần công khai, minh bạch, gắn quá trình cổ phần hóa với quá trình phát triển của thị trường chứng khoán và thu hút được các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần góp phần đổi mới quản trị DN, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của DN sau cổ phần hóa, hạn chế thất thoát vốn và tài sản Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa. Do đó, việc hoàn thiện cơ chế chính sách được đặt lên hàng đầu.

Đại diện Bộ Tài chính cho hay: Việc trước tiên cần làm là hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn Nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 theo hướng thu hẹp lĩnh vực Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Nói cách khác là Nhà nước chỉ tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN năm 2014. Cùng với đó là thực hiện cổ phần hóa toàn bộ các DN còn lại theo các tỷ lệ Nhà nước nắm giữ trên 65% tổng số cổ phần, từ 50%-65% tổng số cổ phần và dưới 50% tổng số cổ phần của DN sau khi cổ phần hóa, đồng thời ban hành danh sách DN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 kèm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện.

Cơ chế về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần cũng sẽ được hoàn thiện làm cơ sở pháp lý để thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020. Cơ chế này sẽ được điều chỉnh theo hướng phù hợp với đối tượng cổ phần hóa và yêu cầu giai đoạn mới như: Xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính, công nợ, lao động của các DN cổ phần hóa; bổ sung áp dụng phương thức bán cổ phần lần đầu phù hợp với thông lệ quốc tế; quy định rõ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, điều chỉnh phương thức bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược; tiếp tục gắn kết quá trình cổ phần hóa với việc đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam; quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân tham gia trong quá trình cổ phần hóa,...

Hàng loạt Nghị định cũng sẽ được ban hành để thay thế cơ chế hoạt động hiện hành của DNNN nhằm thực hiện sắp xếp, tăng cường minh bạch báo cáo tài chính, thông tin tài chính, kinh doanh, điều hành tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; tăng cường trách nhiệm của Hội đồng thành viên và Ban điều hành và xử lý trách nhiệm nếu không thực hiện đúng quy định; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu Nhà nước. Đặc biệt, một cơ quan quản lý để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, quản lý sử dụng, bảo toàn, phát triển vốn và đánh giá hiệu quả vốn Nhà nước đầu tư vào DN cũng sẽ được thành lập.

Để thực hiện, theo Bộ Tài chính, trên cơ sở Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty cần thống nhất chỉ đạo, nghiêm túc triển khai thực hiện song song với việc tăng cường thông tin, đẩy mạnh việc minh bạch, công khai hóa thông tin về quá trình cổ phần hóa; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với quá trình cổ phần hóa các DNNN.

Cơ quan đại diện phần vốn Nhà nước tại các DN đã cổ phần hóa thông qua người đại diện đôn đốc các DN đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các DN đã cổ phần hóa về SCIC theo đúng quy định. “Trong bối cảnh chế tài xử phạt còn đang hoàn thiện, chưa có tính răn đe, cơ quan Nhà nước chỉ có thể đề nghị các DN gương mẫu thực hiện đồng thời nhận thức đầy đủ rằng việc niêm yết trên thị trường chứng khoán mới đảm bảo được sự công khai, minh bạch – một trong những mục tiêu mà việc nâng cao quản trị DN sau cổ phần hóa hướng tới” - ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh.

Cuối cùng là tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trong việc thực hiện phương án cổ phần hóa các DN đã được phê duyệt; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung chỉ đạo hoàn thành theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt và xử lý nghiêm đối với lãnh đạo DN không thực hiện hoặc không thực hiện có hiệu quả công tác cổ phần hóa.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 51 đơn vị là 23.086 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.133 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.473 tỷ đồng, bán cho người lao động 346,1 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 6,7 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 4.126 tỷ đồng.

Về tình hình thoái vốn, trong tháng 10-2016, 3 Tổng công ty báo cáo bổ sung tình hình thoái vốn tại các lĩnh vực ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm. Trong đó, Tổng công ty ACC thoái 10,4 tỷ đồng thu về 10,5 tỷ đồng; Tổng Công ty Phát triển khu công nghiệp Đồng Nai thoái 3,8 tỷ đồng, thu về 4,6 tỷ đồng; Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn thoái 57,2 tỷ đồng, thu về 58,1 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn tại 5 DN với tổng giá trị 46,4 tỷ đồng, thu về 26,8 tỷ đồng, giá thu về thấp hơn so với giá trị sổ sách bán ra do SCIC thoái vốn dưới mệnh giá tại 2 DN. Như vậy, trong 10 tháng năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.352 tỷ đồng, thu về 6.407 tỷ đồng.


Theo báo Hải quan
Bạn đang đọc bài viết Hậu cổ phần hóa: Quản trị doanh nghiệp tiếp tục được đổi mới tại chuyên mục Cố phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận