Hệ thống cửa hàng Alisa tại Hà Nội bày bán các sản phẩm có dấu hiệu nhập lậu
TCDN - Nhiều người tiêu dùng cho rằng việc hệ thống cửa hàng Alisa đang kinh doanh các mặt hàng không có tem nhãn phụ, hàng xách tay và không xuất hoá đơn VAT khi bán hàng là dấu hiệu của kinh doanh hàng nhập lậu, gây thất thoát thuế cho nhà nước.
Sau đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội lại diễn ra rất sôi động đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, không đầy đủ tem nhãn cũng được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng, ảnh hưởng đến đời sống tiêu dùng của người dân, làm "xấu xí" hình ảnh của nhiều thương hiệu và gây nguy cơ thất thu thuế cho nhà nước.
Được quảng cáo là địa chỉ bán "hàng xách tay chuẩn air" với nhiều năm uy tín tại Hà Nội cùng với sự đa dạng các mặt hàng từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ dùng cho bé, quần áo,...hệ thống cửa hàng bán lẻ Alisa khá được lòng khách hàng. Theo thông tin trên Fanpage chính thức của Alisa, đơn vị này có tổng số 5 cửa hàng, trong đó, có 4 cửa hàng tại Hà Nội và 1 cửa hàng tại Tp.HCM.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì việc mua bán, vận chuyển hàng hóa không được diễn ra một cách tùy tiện mà được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các loại hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng sản xuất tại nước ngoài được bày bán tại hệ thống cửa hàng Alisa lại không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt hợp chuẩn, nghi hàng nhập lậu.
Mục sở thị cửa hàng Alisa tại địa chỉ 184 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội, Phóng viên (PV) Tài chính Doanh nghiệp đã ghi nhận được rất nhiều mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa,...có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng lại không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt để thể hiện thông tin hàng hóa như ngày sản xuất, hạn sử dụng, công ty nhập khẩu, công ty phân phối, thành phần, cách bảo quản và cách sử dụng sản phẩm.
Theo lý giải của nhân viên bán hàng tại cơ sở này, các sản phẩm tại đây chủ yếu là hàng xách tay. Bên cạnh đó, khi được hỏi về hoá đơn, nhân viên cũng cho biết không có hoá đơn giá trị giá tăng (VAT).
Tương tự, tại cơ sở Alisa tại Park2 Time City (Hà Nội) đang bày bán chủ yếu các mặt hàng thực phẩm chức năng và mỹ phẩm như Vitamin E, Vitamin C, Super Lecithin, Blackmores, Ginkgo Biloba, SpringLeaf, Nature’s Way Multivitamin, Bioisland DHA, Ostelin, Transino, Pregnacare max, Optibac probiotics... nước tẩy trang Simple, sữa rửa mặt Neutrogena curcuma clear, kem dưỡng da Zo’skin health, kem dưỡng New Shine Natural Cushion, kem chống nắng Cell Fusion, Kem chống nắng Heliocare 360, sữa rửa mặt Cerave, nước tẩy trang SVR...
Ngoài ra, tại đây cũng đang kinh doanh một số sản phẩm sữa và bỉm dành cho trẻ như: sữa PediaSure, sữa Hikid, sữa Blédilait, sữa Blackmores, bỉm Moony, bỉm Merries... Những mặt hàng này cũng "đương nhiên" không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt hợp chuẩn theo quy định.
Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về việc hệ thống cửa hàng Alisa đang kinh doanh các mặt hàng không có tem nhãn phụ, hàng xách tay và không xuất hoá đơn VAT khi bán hàng có phải là dấu hiệu của việc kinh doanh hàng nhập lậu, trốn thuế hay không?
Bởi theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP, về tem nhãn thì sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó.
Còn nhãn phụ là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật Việt Nam mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu (quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Đồng thời, tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định hàng hóa nhập lậu gồm: “Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép nhập khẩu; Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật;
Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn; Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng”.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có khả năng gặp phải những rủi ro khi lựa chọn mua hàng tại các hệ thống bán hàng xách tay.
Thứ nhất, hàng xách tay là nhóm hàng nhập khẩu không chính thức, không chịu sự kiểm tra, giám sát của nhà nước vì thế khó biết được xuất xứ sản phẩm rõ ràng nên người tiêu dùng dễ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đồng thời, khi mua hàng xách tay, khách hàng sẽ không được bảo hành hoặc chỉ được bảo hành từ cơ sở bán hàng chứ không được bảo hành chính hãng.
Ngoài các rủi ro nêu trên, hàng nhập lậu chính là nguyên nhân gây thất thu thuế của nhà nước, đồng thời gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá chính hãng,…
Điều đáng nói, những mặt hàng trên được bày bán một cách công khai trong suốt thời gian dài nhưng lực lượng quản lý thị trường vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. Không chỉ riêng tại hệ thống cửa hàng Alisa, mà rất nhiều cửa hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng có dấu hiệu vi phạm tương tự.
TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cho rằng cần phải siết chặt quản lý kinh doanh đối với hàng xách tay, hàng hóa không rõ nguồn gốc. Bởi nó gây thiệt đơn, thiệt kép cho nền kinh tế.
Với nhà nước có thể thất thoát thuế rất lớn. Còn với các doanh nghiệp, họ bị thiệt hại nặng nề do sản phẩm khó cạnh tranh nổi với hàng trốn thuế. Điều này còn gây bất bình đẳng, không công bằng cho môi trường đầu tư của Việt Nam.
Thường các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào một quốc gia nào đó, theo ông Thịnh, ngoài việc xem xét các chính sách về thuế, phí, đất đai, họ còn đánh giá chính sách ngăn chặn, kiểm soát gian lận thương mại, hàng giả.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899