Hoàn cảnh trớ trêu của kinh tế châu Âu
TCDN - Hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc và mối đe dọa thuế quan của Mỹ nếu tỷ phú Donald Trump tái đắc cử khiến kinh tế châu Âu lâm cảnh trớ trêu.
Châu Âu luôn nổi tiếng vì sự năng động. Song ngày nay, châu lục này đã rơi vào tình trạng trì trệ. Kiệt sức vì cú sốc năng lượng sau khi Nga tấn công Ukraine, nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã không thể tăng trưởng kể từ cuối năm 2022.
Ngoài ra, kinh tế châu Âu còn phải đối mặt với làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Hàng hóa với giá cả phải chăng có lợi cho người tiêu dùng nhưng lại có nguy cơ gây tổn hại đến các nhà sản xuất trong khu vực, làm gia tăng xung đột xã hội và công nghiệp.
Và, trong vòng một năm nữa, tỷ phú Donald Trump có thể quay trở lại Nhà Trắng, mạnh tay áp thuế quan lên hàng xuất khẩu của châu Âu.
Ba rủi ro xuất hiện ngay thời điểm tồi tệ với kinh tế châu Âu khi lục địa già cần nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ để có tiền tài trợ cho chi tiêu quốc phòng và đáp ứng các mục tiêu năng lượng sạch.
Các chính phủ châu Âu đang chạy đua để giải quyết ba rắc rối ấy, nhưng họ cần cẩn thận. Dù các cú sốc mà nền kinh tế châu Âu phải đối mặt có nguồn gốc từ nước ngoài, sai lầm của các nhà hoạch định chính sách có nguy cơ khiến thiệt hại tăng lên gấp bội.
Tin tốt là kinh tế châu Âu đã vượt qua giai đoạn đau đớn nhất vì cú sốc năng lượng của Nga. Giá khí đốt đã giảm mạnh kể từ đỉnh. Tin xấu là hai thách thức khác mới chỉ đang bắt đầu.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy yếu, Bắc Kinh đang sử dụng trợ cấp để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, với mục tiêu dựa vào người tiêu dùng nước ngoài để kích thích tăng trưởng, theo Economist.
Trọng tâm của Trung Quốc là hàng hóa phục vụ cho nền kinh tế xanh, đáng chú ý nhất là xe điện. Tỷ trọng của Trung Quốc trên thị trường xe điện có thể tăng gấp đôi lên hơn 30% vào năm 2030.
Kịch bản đó sẽ chấm dứt thế thống trị của các công ty “quốc bảo” của châu Âu như Volkswagen và Stellantis. Từ tua-bin gió cho đến thiết bị đường sắt, các nhà sản xuất châu Âu đang nín thở theo dõi tình hình ở phương đông.
Sau tháng 11, các nhà sản xuất có lẽ cũng sẽ phải dõi theo tình hình từ phương Tây. Khi còn làm chủ Nhà Trắng, ông Donald Trump đã áp thuế quan lên thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu, dẫn đến việc EU tung đòn đáp trả lên xe máy và rượu whiskey của Mỹ. Phải đến khi ông Joe Biden lên nhậm chức vào năm 2021, hai bên mới đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại.
Cựu tổng thống Donald Trump đề xuất sẽ áp mức thuế quan 10% lên mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nếu tái đắc cử. Một vòng thương chiến nữa sẽ là mối họa đối với các nhà xuất khẩu châu Âu. Trong năm 2023, họ bán được 500 tỷ euro (tương đương khoảng 540 tỷ USD) hàng hóa sang Mỹ.
Ông Trump rất chú ý đến cán cân thương mại song phương. Theo đó, 20 trong số 27 quốc gia thành viên EU có thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ nghiễm nhiên sẽ trở thành mục tiêu.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899