Chính phủ Mỹ phát động cuộc chiến pháp lý với Apple

23/03/2024, 09:35
báo nói -

TCDN - Đơn kiện chống độc quyền của chính phủ Mỹ nhắm đến toàn bộ hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ của Apple, với trọng tâm là điện thoại iPhone.

Ngày 21/3, Bộ Tư pháp Mỹ cùng 16 bang nộp đơn kiện tập đoàn Apple lên Tòa án sơ thẩm liên bang ở New Jersey. Trong tài liệu dài 88 trang, Bộ Tư pháp lập luận Táo khuyết đã vi phạm luật chống độc quyền nhằm "giữ chân" người dùng ở lại iPhone, giảm khả năng chuyển sang thiết bị của đối thủ.

Đơn kiện cáo buộc Apple ngăn cản doanh nghiệp khác quảng bá dịch vụ cạnh tranh, chẳng hạn như ví điện tử, động thái có thể khiến điện thoại iPhone giảm giá trị. Ngoài ra, nguyên đơn cáo buộc chính sách của Apple gây tổn hại cho người dùng và doanh nghiệp cạnh tranh nhỏ, dưới hình thức "giá đắt và ít đổi mới hơn".

"Mỗi hành động của Apple xây dựng 'con hào' xoay quanh tính độc quyền trên thị trường smartphone" là một phần cáo buộc trong đơn kiện mà chính phủ Mỹ soạn thảo.

Lý do khiến chính phủ Mỹ kiện Apple

New York Times nhận định đơn kiện là kết quả sau nhiều năm chính phủ Mỹ giám sát danh mục thiết bị và dịch vụ của Apple.

Thay vì chỉ tập trung vào App Store như châu Âu, chính phủ Mỹ nhắm đến toàn bộ hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ của Táo khuyết, với trọng tâm là điện thoại iPhone.

Theo đơn kiện, chính phủ Mỹ nói Apple đã "làm suy yếu" khả năng nhắn tin của người dùng iPhone với điện thoại thương hiệu khác. Sự phân biệt được thể hiện bởi bong bóng tin nhắn màu xanh lá, đại diện tin nhắn gửi đến người dùng Android. Đơn kiện cho rằng đó là tín hiệu "ám chỉ" điện thoại khác chất lượng kém hơn điện thoại iPhone.

Apple 1

Apple bị cáo buộc gây khó khăn trong kết nối iPhone với đồng hồ thông minh không phải Apple Watch. Nếu người dùng mua Apple Watch, việc từ bỏ iPhone sẽ trở nên rất khó với họ.

Chính phủ Mỹ cũng chỉ ra rằng Apple muốn duy trì thế độc quyền bằng cách không cho công ty khác phát triển ví điện tử riêng. Trên điện thoại iPhone, Apple Wallet là ứng dụng duy nhất có thể thanh toán qua chip NFC.

Ngoài ra, ứng dụng stream game không được phát hành trên iPhone bởi có thể khiến thiết bị trở thành "phần cứng kém giá trị hơn". Nhà phát triển cũng không được cung cấp các siêu ứng dụng (super app).

Bằng cách kiểm soát chặt chẽ trải nghiệm người dùng trên iPhone và thiết bị khác, Apple tạo ra "sân chơi không bình đẳng" theo cách gọi của giới phân tích. Tại đây, sản phẩm và dịch vụ của công ty được truy cập nhiều tính năng cốt lõi, còn đối thủ không thể tận dụng.

Đơn kiện yêu cầu tòa án cấm Apple tham gia các hành động như chặn app stream game, phá hoại tính năng nhắn tin trên các hệ điều hành của smatphone, và chặn ví điện tử thay thế. Vụ kiện cũng yêu cầu Apple nộp tiền phạt với con số chưa xác định.

Phản ứng của tập đoàn Apple

Lập luận của Apple là chính sách của họ rất quan trọng để đảm bảo quyền riêng tư và an toàn. Tuy nhiên, nhà phát triển ứng dụng và hãng điện thoại đối thủ khẳng định đó là động thái phản cạnh tranh.

"Vụ kiện này đe dọa tính đặc trưng của chúng tôi, và những nguyên tắc tạo nên sự khác biệt của sản phẩm Apple trên thị trường cạnh tranh khốc liệt. Nếu thành công, nó sẽ cản trở khả năng chúng tôi xây dựng loại công nghệ mà mọi người mong chờ từ Apple - nơi giao thoa giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Vụ kiện cũng sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, trao quyền cho chính phủ can thiệp sâu vào thiết kế công nghệ cho mọi người", người phát ngôn của Apple nói.

Apple 1

Colin Kass, luật sư chống độc quyền tại công ty luật Proskauer Rose, so sánh lập luận chống lại Apple của chính phủ Mỹ tương việc từng xảy ra với Microsoft.

Trong đơn kiện năm 1998, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Microsoft tận dụng vị thế thống trị để chèn ép ứng dụng đối thủ trên hệ điều hành Windows, bao gồm trình duyệt web.

Theo ông Kass, cáo buộc gần nhất với vụ kiện Microsoft là chi tiết cho rằng Apple ngăn nhà phát triển viết app có thể hoạt động với nhà cung cấp dịch vụ khác, chẳng hạn như "siêu ứng dụng".

Trong khi đó, chuyên gia pháp lý nhận định chính phủ Mỹ cần giải thích lý do nhắm đến Apple bởi về cơ bản, các công ty được phép ưu tiên sản phẩm của họ một cách hợp pháp.

"Vụ kiện này liên quan đến công nghệ. Liệu rằng luật chống độc quyền có thể buộc một doanh nghiệp thiết kế lại sản phẩm, giúp chúng tương thích hơn với dịch vụ đối thủ không?", ông Kass nhấn mạnh.

Như Hằng/AP
Bạn đang đọc bài viết Chính phủ Mỹ phát động cuộc chiến pháp lý với Apple tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Apple đã chuyển 11 nhà máy sang Việt Nam
Theo ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), Tập đoàn Apple (Mỹ) đã chuyển 11 nhà máy sản xuất thiết bị nghe nhìn sang Việt Nam.