Hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0
TCDN - Hiện nay, có khoảng hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có 150.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Như vậy, số doanh nghiệp trốn đóng BHXH là khoảng 150.000 doanh nghiệp với trên 05 triệu lao động; ngoài ra, còn có các hành vi gian lận, khai man, lập hồ sơ BHXH khống để hưởng các chế độ BHXH (BHXH Việt Nam, 2017).
Vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội (BHXH) xảy ra ngày càng nhiều thủ đoạn và tinh vi gây ảnh hưởng lớn tới lợi ích của người lao động và Nhà nước. Đặc biệt trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0, vi phạm này gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng tới hệ thống an sinh xã hội và lòng tin của người dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước. Mặc dù đã có những quy định pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật BHXH song thực tế vẫn chưa được giải quyết toàn diện. Chính từ thực trạng đó bài viết mong muốn đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định đồng thời đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật về BHXH.
1. Đặt vấn đề
Tình hình vi phạm pháp luật về BHXH ngày càng diễn ra nhiều cả về số lượng và mức độ nguy hiểm. Các cá nhân tổ chức trục lợi từ BHXH tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê, từ năm 2007 - 2016, BHXH Việt Nam đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH với 103.199 lượt đơn vị sử dụng lao động. Qua kiểm tra, phát hiện đề nghị xử phạt vi phạm hành chính pháp luật về BHXH 7.765 vụ và đã xử phạt vi phạm hành chính 2.020 vụ; đề nghị truy thu về Quỹ BHXH 331,5 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2016, số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp là 7.795 tỷ đồng, chiếm 3,30 % so với tổng số tiền phải thu. Hiện nay, có khoảng hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có 150.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Như vậy, số doanh nghiệp trốn đóng BHXH là khoảng 150.000 doanh nghiệp với trên 05 triệu lao động; ngoài ra, còn có các hành vi gian lận, khai man, lập hồ sơ BHXH khống để hưởng các chế độ BHXH (BHXH Việt Nam, 2017). Xử lý vi phạm pháp luật là việc các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền áp dụng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật do các cá nhân, tổ chức thực hiện môt cách cố ý hoặc vô ý. Như vậy hoạt động xử lý vi phạm pháp luật chỉ được diễn ra khi có hành vi vi phạm pháp luật, đây là hoạt động cưỡng chế mang tính quyền lực Nhà nước.
Có thể thấy, xử lý vi phạm pháp luật BHXH là việc các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với những cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật BHXH nhằm đảm bảo trật tự và kỷ luật trong quản lý nhà nước về BHXH, theo thủ tục mà pháp luật quy định.
2. Thực trạng quy định pháp luật
2.1. Về hình thức xử lý
Theo Điều 122 Luật BHXH 2014 thì “Cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Đối với cá nhân có hành vi vi phạm thì “tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Như vậy các hình thức xử lý vi phạm phạm luật về BHXH bao gồm:
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính: cảnh cáo, phạt tiền và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung NĐ 95/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tùy vào từng hành vi vi phạm pháp luật về BHXH mà mức xử phạt sẽ khác nhau, cao nhất lên tới 1 triệu đồng với người lao động; đối với người sử dụng lao động lên tới 75 triệu đồng hoặc lên tới 3 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động.
Về các biện pháp khắc phục hậu quả: Tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP cũng quy định một số biện pháp khắc phục hậu quả: buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định; buộc đóng số tiền lãi của sổ BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư quỹ BHXH; buộc trả đủ chế độ BHXH, buộc nộp lại lợi nhuận thu được từ việc sử dụng quỹ BHXH sai mục đích...
Thứ hai, bồi thường thiệt hại.
Điều 122 Luật BHXH 2014 quy định: “Cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Bồi thường thiệt hại bao gồm bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần được phát sinh do lỗi cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân tổ chức.
Thứ ba, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự 2015 quy định những tội danh riêng đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH: Điều 214 về tội gian lận BHXH; Điều215 về tội gian lận BHYT; Điều 216 về tội trốn đóng BHXH. Việc tội phạm hóa hành vi trốn đóng BHXH và quy định tách riêng tội gian lận BHXH và tội gian lận BHYT trong bộ luật hình sự mới đã khắc phục được khoảng trống trong xử lý nhóm hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Điều này tăng tính tương hỗ của bộ luật hình sự trong việc tạo cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội mà các luật chuyên ngành trong lĩnh vực BHXH đã cho phép truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài các hình thức trên, pháp luật BHXH còn cho phép một số chủ thể có thẩm quyền khởi kiện ra Tòa đối với những hành vi vi phạm pháp luật BHXH để bảo vệ quyền lợi cho người lao động hoặc nhóm chủ thể bị xâm hại. Theo đó, tại điểm d khoản 1 Điều 14 Luật BHXH 2014 quy định tổ chức công đoàn có quyền: Khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động theo quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật Công đoàn (Đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tập thể người lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện tại Tòa án khi quyền và lợi ích chính đáng của người lao động bị xâm phạm và được người lao động ủy quyền”. Ngoài ra khởi kiện còn là đặc quyền mà pháp luật BHXH dành cho người lao động và người sử dụng lao động khi họ nhận thấy quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm: Khoản 8 điều 18 Luật BHXH 2014 quy định về quyền khởi kiện của người lao động về BHXH; Khoản 2 điều 20 Luật BHXH 2014 quy định về quyền khởi kiện của người sử dụng lao động về BHXH. Như vậy Luật BHXH 2014 cho phép quyền khởi kiện đối với tổ chức Công đoàn, người lao động và người sử dụng lao động.
Theo đánh giá chung về việc khởi kiện ra Tòa đối với những vi phạm chế độ đóng BHXH bắt buộc cho người lao động đã mang lại những kết quả ban đầu đáng khích lệ nhưng khi thi hành án theo phán quyết của tòa thì lại gặp phải một số trở ngại khiến công tác thực thi trở lên khó khăn, các biện pháp khắc phục hậu quả đã được pháp luật quy định song trên thực tế rất khó thực hiện. Mục đích thu hồi số tiền BHXH bị các doanh nghiệp chiếm dụng không trọn vẹn, quyền lợi của người lao động chưa được bảo vệ, thậm chí có trường hợp tòa án vừa tuyên bản án thì sau đó doanh nghiệp biến mất không để lại dấu vết.
Khoản 1 và Khoản 2, Điều 122, Luật BHXH 2014 quy định nghĩa vụ pháp lý của cá nhân, tổ chức và cơ quan trong trường hợp họ có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Tùy thuộc tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ phải chịu các hình thức xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, riêng với trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể phải chịu xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hình thức xử lý kỷ luật đối với người lao động hiện nay được quy định bao gồm: khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng hoặc cách chức, và sa thải. Còn đối với cán bộ, công chức, viên chức, các hình thức xử lý kỷ luật đa dạng hơn, bao gồm: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc; đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có thêm 02 hình thức là cách chức và giáng chức.
2.2. Về thẩm quyền xử phạt
Một là, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Điều 121 Luật BHXH 2014 và Điều 46 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì thẩm quyền xử phạt thuộc về:
- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 46 của Luật Xử lý vi phạm hành chính: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Giám đốc BHXH cấp tỉnh có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 46 của Luật xử lý vi phạm hành chính: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 50.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
- Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quyết định thành lập có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật xử lý vi phạm hành chính: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 70% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 250.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Ngoài ra tại khoản 2 điều 121 Luật BHXH 2014 cũng cho biết: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này có thể giao cho cấp phó thực hiện xử lý vi phạm hành chính.
Thêm nữa tại Điều 36, 37 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP thì chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH còn được trao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và Thanh tra lao động.
Hai là, thẩm quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại được trao cho Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền tại nơi cư trú (nơi đăng ký trụ sở chính) của người bị yêu cầu hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
Ba là, thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự được trao cho Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.
2.3. Về thủ tục xử phạt
Thứ nhất, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính: khi phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật về BHXH cơ quan có thẩm quyền xử phạt cần kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 40 của Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục sau: Phát hiện và lập biên bản; xác minh tình tiết của vụ việc; chuyển hồ sơ nếu thấy có dấu hiệu tội phạm; ra quyết định xử phạt; thi hành quyết định xử phạt.
Có thể thấy thủ tục trên là khá hợp lý, phù hợp với thực tiễn góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH.
Thứ hai, thủ tục yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2014, cá nhân tổ chức cơ quan có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp yêu cầu giải quyết việc dân sự có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cùng với đơn yêu cầu phải gửi kèm các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau: tiến hành thủ tục thụ lý vụ việc thuộc thẩm quyền của mình, chuyển đơn yêu cầu cho tòa có thẩm quyền. Sau khi thụ lý đơn yêu cầu tòa án tiến hành hòa giải giữa các bên. Sau khi Tòa tiến hành hòa giải giữa các bên đương sự mà không đi đến sự thỏa thuận thống nhất thì Tòa sẽ mở phiên tòa sơ thẩm để thực hiện giải quyết vụ việc. Phiên tòa sơ thẩm phải tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ việc ra xét xử và có sự tham gia đầy đủ của những người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng. Mặc dù pháp luật BHXH có thừa nhận bồi thường thiệt hại là một trong những hình thức xử lý vi phạm pháp luật nhưng lại không hề có bất cứ quy định cụ thể nào về hình thức xử lý khiến cho biện pháp này hiện nay khó áp dụng chưa thực sự đi sâu vào thực tiễn.
Thứ ba, thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi nhận được tin tố giác của các cá nhân, tổ chức hay thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông qua điều tra thì cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp cận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm BHXH. Sau đó cơ quan điều tra phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh nguồn tin và ra quyết định có hay không khởi tố vụ án hình sự. Sau khi quyết định khởi tố vụ án hình sự thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra và nếu nhận thấy có đủ căn cứ để xác định chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật BHXH thì ra quyết định khởi tố bị can, tiếp tục tiến hành nghiệp vụ điều tra để bổ sung chứng cứ chứng minh tội phạm và ra bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố. Đề nghị truy tố sẽ được gửi tới Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. Tòa án căn cứ vào chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập, căn cứ vào bản cáo trạng cũng như lời khai của bị can ra quyết định có hay không đưa vụ án ra xét xử và ra bản án thích hợp. Tuy nhiên hiện nay khởi tố vụ án hình sự liên quan tới vi phạm pháp luật BHXH vẫn còn khá mới mẻ dù đã có quy định pháp luật.
3. Một số kiến nghị
Một là, tăng mức xử phạt đối với vi phạm hành chính về BHXH: Việc xử phạt vi phạm hành chính với các doanh nghiệp nợ tiền BHXH quá lớn, chây ỳ và bỏ trốn mang lại hiệu quả không cao vì mức xử phạt tối đa cho hành vi vi phạm pháp luật về BHXH mới chỉ dừng lại ở mức 75 triệu đồng. Có thể thấy mức xử phạt như hiện nay không phù hợp với tính chất của hành vi vi phạm đặc biệt đối với doanh nghiệp cố tình chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ nộp BHXH, con số 75 triệu là quá khiêm tốn so với số tiền vi phạm lên tới hàng tỷ đồng.
Hai là, về hình thức xử lý bồi thương thiệt hại: Pháp luật cần có quy định cụ thể về những trường hợp nào buộc bồi thường thiệt hại, mức bồi thường, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bồi thường cũng như thủ tục bồi thường thiệt hại để có thể áp dụng dễ dàng trong thực tiễn.
Ba là, quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên trong việc tổ chức thực hiện pháp luật BHXH. Trách nhiệm báo cáo về BHXH hiện nay được giao cho hai cơ quan là Bộ Lao động Thương binh và xã hội và Bộ Tài chính theo Điều 10,11 Luật BHXH 2014, tuy nhiên quy định này khá chung chung và chưa thực sự đầy đủ. Nhận thấy các bên chủ thể đóng và hưởng quỹ BHXH như người lao động, người sử dụng lao động, thân nhân của người lao động nhưng pháp luật chưa có quy định cụ thể về quyền được kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng và bảo tồn quỹ BHXH. Do đó kiến nghị pháp luật BHXH cần quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Lao động Thương binh xã hội, Bộ Tài chính, ủy ban nhân dân các tỉnh về chế độ báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH theo quý và năm tới đông đảo những người tham gia BHXH một cách công khai minh bạch.
Bốn là, hoàn thiện quy trình khởi kiện ra Tòa: Đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Cơ quan BHXH phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện khởi tố một số doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm răn đe đối với các doanh nghiệp khác.
4. Giải pháp
Thứ nhất, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính pháp luật BHXH
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan nhằm phục vụ tốt công tác thực hiện chính sách và công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Triển khai có hiệu quả các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Chi phí tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp lấy từ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp, không lấy từ ngân sách Nhà nước. Có cơ chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động biến động nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm biến đổi cấu trúc của thị trường lao động.
Thứ hai, tăng cường hiệu lực hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về BHXH
Thanh tra và kiểm tra đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tuân thủ pháp luật nhằm phát huy những nhân tố tích cực đồng thời phát hiện và phòng ngừa những vi phạm pháp luật góp phần thúc đẩy hoàn thiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH. Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật: Tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Ngành. Qua đó, thu thập thông tin đánh giá thực trạng việc thi hành pháp luật và tình hình xử lý vi phạm pháp luật; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành để kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản cho phù hợp với thực tiễn.
Để hoạt động thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm được thực hiện hiệu quả cần tiếp tục hoàn thiện bộ máy làm công tác thanh tra từ trung ương tới địa phương, đội ngũ thanh tra viên lao động cần được bồi dưỡng nâng cao cả về số lượng và chất lượng, bên cạnh đó cần xây dưng cơ chế phân vùng quản lý cho thanh tra viên lao động. Điều này sẽ nâng cao trách nhiệm của đội ngũ thanh tra viên từ đó hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH.
Thứ ba, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động cũng như trách nhiệm của tổ chức công đoàn
Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động để họ hiểu rõ về BHXH qua đó biết cách bảo vệ quyền lợi của bản thân mỗi khi quyền lợi đó bị xâm phạm. Cần đẩy mạnh tuyên truyền về các hành vi vi phạm pháp luật và chế tài xử phạt vi phạm pháp luật về BHXH nhằm mục đích răn đe các đối tượng hạn chế các hành vi vi phạm xảy ra. Hình thức tuyên truyền như là: các phương tiện thông tin đại chúng, trang web, các bản tin phát trên loa đài địa phương nơi cư trú, tổ chức lớp tập huấn với đội ngũ cán bộ chuyên sâu, hội nghị, tọa đàm.
Tổ chức Công đoàn là cơ quan đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động vì vậy cần phải tích cực chủ động trong việc tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật BHXH, phối hợp với các cơ quan tổ chức liên quan để cùng thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHXH.
Tóm lại quy định pháp luật về xử lý vi phạm lĩnh vực BHXH đã được chú trọng tại Luật BHXH năm 2014. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề quy định về hình thức xử lý, thẩm quyền và thủ tục xử lý vi phạm pháp luật BHXH cần hoàn thiện để bắt kịp với sự phát triển ngày càng gia tăng của các loại vi phạm pháp luật về BHXH đặc biệt là việc hình sự hóa một số tội danh đã quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 tuy nhiên thực tế áp dụng vẫn khiêm tốn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quốc hội, Luật BHXH (2014); (2006)
2. Quốc hội (2012), Luật Xử lý vi phạm hành chính
3. Bùi Thị Thu Huyền (2016), Vi phạm pháp luật về BHXH theo pháp luật Việt Nam - thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật, Luận văn thạc sĩ, Đại học Luật Hà Nội.
4. BHXH Việt Nam (2017), Báo cáo tổng kết công tác BHXH năm 2007 - 2016
5. Nguyễn Hiền Phương (2016), “Bình luận khoa học một số quy định của Luật BHXH 2014”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Trường Đại học Luật Hà Nội.
ThS. Lâm Thị Thu Huyền
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
email: [email protected], hotline: 086 508 6899