Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trước tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

18/11/2019, 09:05

TCDN - Theo tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD): “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là sức sản xuất ra thu nhập tương đối cao trên cơ sở sử dụng các yếu tố sản xuất có hiệu quả làm cho các doanh nghiệp phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh quốc tế”.

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có kinh tế tư nhân. Nhờ đó, năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp được khơi dậy, phát huy, có những đóng góp nhất định vào ngân sách Nhà nước, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội. Để nâng cao năng lực cạnh tranh các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, đồng thời, chấp hành nghiêm pháp luật, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trong bài viết tác giả đề cập đến một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trước tác động cuộc cách cách mạng công công nghiệp 4.0 hiện nay. 

1-2

Đến nay, có nhiều quan niệm khác nhau bàn về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp như: Theo tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD): “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là sức sản xuất ra thu nhập tương đối cao trên cơ sở sử dụng các yếu tố sản xuất có hiệu quả làm cho các doanh nghiệp phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh quốc tế”.

Có quan điểm cho rằng: Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân là khả năng đứng vững trước sự tấn công của doanh nghiệp tư nhân khác, hay nói cách khác, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân là không bị doanh nghiệp khác đánh bại về kinh tế. Cũng có quan điểm cho rằng, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân là nâng cao lợi thế cạnh tranh, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tuy còn có nhiều quan niệm khác nhau về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân, theo tác giả bài viết, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân là tổng hợp những cách thức, phương pháp mà chủ doanh nghiệp đưa ra nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp của mình tồn tại, phát triển, mở rộng phạm vi, quy mô sản xuất, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Những cách thức, phương pháp đó có thể các hợp đồng trong làm ăn kinh tế, thị trường đầu ra cho sản phẩm được bảo đảm thường xuyên, không có sự biến động, đó còn là quan hệ giữa các đối tác trong kinh tế, khả năng giải quyết hài hoà các mối quan hệ giữa doanh nghiệp tư nhân với cơ quan chức năng nhà nước, giữa người lao động với chủ doanh nghiệp, giữa chủ doanh nghiệp với các thành phần, lực lượng trong xã hội.

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân không chỉ đơn thuần là một yếu tố mà nó là tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau như vốn, thị trường, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, khả năng điều hành, quản lý của người đứng đầu doanh nghiệp… Trong đó, yếu tố về vốn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trên thị trường, nếu không có vốn để mua sắm máy móc thiết bị, trả lương cho người lao động, giải quyết các mối quan hệ của thị trường, doanh nghiệp khó có thể tồn tại.

Hiện, nước ta có khoảng hơn 600 nghìn doanh nghiệp, trong đó có hơn 500 nghìn doanh nghiệp tư nhân (trong số này có tới 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa, 2% doanh nghiệp quy mô vừa, 2% doanh nghiệp quy mô lớn). Doanh nghiệp tư nhân tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40%GDP mỗi năm. Theo kết quả điều tra kinh tế của Tổng cục Thống kê năm 2017: Các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ chiếm tỷ trọng lớn nhất 98,1% (507,86 nghìn doanh nghiệp); trong đó doanh nghiệp vừa có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp chiếm 1,6%; doanh nghiệp nhỏ là 114,1 nghìn doanh nghiệp chiếm 22,0% và doanh nghiệp siêu nhỏ là 385,3 nghìn doanh nghiệp, chiếm cao nhất với 74,4%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đầy biến động với sự cạnh tranh quyết liệt để giành thị trường giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động sâu sắc tới việc xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, trong đó có hàng hoá của các doanh nghiệp tư nhân; đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi toàn bộ mặt của cơ xưởng sản xuất, với những robot và dây truyền tự động. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0; hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn bị động với các xu thế mới, họ không hiểu bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0, không thấy được liên quan của các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực của mình, không sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng; cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang đổi thay nhanh chóng, nhiều doanh nghiệp trên thế giới có sức cạnh tranh to lớn, nhiều phát minh sáng chế, nhiều tiện ích và nhiều cái mới đang thay thế cái cũ, cái lạc hậu từng ngày, từng giờ. Tư duy, nhận thức, thị hiếu, sở thích, nhu cầu, lối sống và phong cách sống của con người cũng đang có nhiều biến đổi. Phương thức quản lý và sản xuất kinh doanh, thực hiện các loại hình dịch vụ cũng thay đổi nhiều nhờ internets vạn vật, không gian mạng, tự động, robots... Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2017/2018 được công bố tại diễn đàn, kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, có khoảng 22% doanh nghiệp cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến doanh nghiệp; 32,7% doanh nghiệp cho rằng chưa tác động nhưng sẽ bị tác động. Như vậy, khoảng 1/2 doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rằng cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ tác động đến doanh nghiệp.

Trong mọi điều kiện, người đứng đầu doanh nghiệp tư nhân cần thường xuyên cập nhật tri thức mới, những kỹ năng cần thiết (kỹ năng quản trị trong cạnh tranh, kỹ năng lãnh đạo doanh nghiệp, kỹ năng quản lý sự biến đổi, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán và giao tiếp…) để có đủ sức cạnh tranh trên thị trường và tiếp cận nền kinh tế tri thức. Để có đủ sức cạnh tranh lâu dài và có thể tự tin bước vào kinh tế tri thức, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết những kiến thức về kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh cho doanh tư nhân.

Đây là giải pháp quan trọng bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp tư nhân hiện nay. Muốn sản xuất, kinh doanh về một mặt hàng nào đó, phải có kiến thức, sự hiểu biết đầy đủ sâu sắc về lĩnh vực đó, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, hạch toán chi phí cho sản xuất, tìm hiểu đầu ra cho sản phẩm… trụ vững trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường doanh nghiệp. Nhất là những kiến thức về pháp luật, luật doanh nghiệp, hợp đồng lao động cần được chủ doanh nghiệp, người lao động nắm vững để xử trí các tình huống một cách thấu tình, đạt lý. Trong mọi điều kiện, người đứng đầu doanh nghiệp tư nhân cần thường xuyên cập nhật tri thức mới, những kỹ năng cần thiết (kỹ năng quản trị trong cạnh tranh, kỹ năng lãnh đạo doanh nghiệp, kỹ năng quản lý sự biến đổi, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán và giao tiếp…) để có đủ sức cạnh tranh trên thị trường và tiếp cận nền kinh tế tri thức. Để có đủ sức cạnh tranh lâu dài và có thể tự tin bước vào kinh tế tri thức, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến chiến lược cạnh tranh và những kỹ năng mang tính chiến lược như: Quản trị chiến lược, quản trị rủi ro, và tính nhạy cảm trong quản lý, phân tích kinh doanh, dự báo và định hướng chiến lược phát triển… Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chưa đủ sức để cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài, bởi trình độ tri thức, sự hiểu biết về kinh tế, khoa học công nghệ hiện đại của những người đứng đầu doanh nghiệp còn hạn chế, chủ yếu bằng kinh nghiệm, vốn sống, sự truyền đạt giữa các doanh nghiệp, chưa có sự thông thái trong nắm bắt, dự đoán được xu thế của thị trường, cũng như tâm lý của người tiêu dùng. Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện chiến lược cạnh tranh cần và nhất thiết phải thực hiện phương châm liên kết và hợp tác để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Sự liên kết và hợp tác không phải là phép tính cộng tổng số các doanh nghiệp, mà chính là tạo ra sức mạnh bội phần của các nhóm, các tập đoàn kinh tế cùng sản xuất kinh doanh một (hoặc một số) sản phẩm nhất định và cùng thực hiện chiến lược thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm trên thị trường.

Thứ hai, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, chức năng có liên quan trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Nghị quyết số 10-NQ/TW đã chỉ rõ: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp đối với việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và doanh nghiệp. Thông qua kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh, nhắc nhở, thậm trí xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động sản xuất kinh doanh không đúng với yêu cầu, quy định đã xác định từ khi thành lập doanh nghiệp và đi vào hoạt động, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, cuộc sống của người dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường, người đứng đầu địa phương trong việc xây dựng ban hành kế hoạch, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra trong từng lĩnh vực, hoạt động. Đội ngũ cán bộ được phân công kiểm tra, giám sát cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, có kiến thức về chuyên môn, trong sáng về đạo đức, lối sống, không được lấy uy quyền trong kiểm tra để trục lợi cá nhân, gây áp lực cho doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát toàn diện những hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan. Cần xây dựng quy định về trách nhiệm giải trình, ngăn chặn tình trạng bao che doanh nghiệp vi phạm. Tăng cường kinh phí cho hoạt động thực hiện pháp luật thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường hội nhập mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đến từ các nước có nền kinh tế thị trường hiện đại, mang theo công nghệ và kiến thức quản lý vượt trội. Một trong những yếu tố cản trở chất lượng thanh tra, kiểm tra ở các nước đang phát triển là do nguồn ngân sách hạn hẹp. Vì vậy, để nâng cao chất lượng thực hiện pháp luật thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, Nhà nước cần chú trọng đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất cho đơn vị làm công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Thứ ba, xây dựng văn hoá doanh nghiệp trong sáng, lành mạnh vì cộng đồng, xã hội.

Xây dựng văn hoá doanh nghiệp về thực chất là xây dựng đạo đức trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng các hành vi ứng xử với khách hàng, cộng đồng, cách giao tiếp với đối tác, với xã hội; sâu xa hơn đó là xây dựng xây dựng lợi thế cạnh tranh, lợi thế thương mại và bản sắc Việt Nam trên sân chơi toàn cầu hóa thế kỷ XXI. Nghị quyết số 10-NQ/TW, về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khẳng định: Chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân. Trước nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng, một số doanh nghiệp đã chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến chất lượng mặt hàng sản phẩm sản xuất ra, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng kém, thậm trí có những doanh nghiệp còn vi phạm pháp luật, trốn thuế, không thực hiện đầy đủ những cam kết, quy định trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Theo đó, mỗi doanh nghiệp tư nhân cần làm giàu một cách chính đáng, trên cơ sở thượng tôn pháp luật, làm giàu cho bản thân, làm giàu cho doanh nghiệp, làm giàu cho xã hội và cho đất nước; sự giàu có về trí tuệ, về của cải và tính năng động sáng tạo là những giá trị xã hội mà mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp phải có. Các doanh nghiệp cần coi người tiêu dùng không chỉ là khách hàng, mà còn là tài sản của mình cần phải bảo vệ, người đứng đầu doanh nghiệp thường xuyên tự bồi dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, không có biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; đồng thời, tăng cường sự phản ánh của người dân về cách thức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thông qua đối thoại với chính quyền địa phương, các lực lượng, chức năng có thẩm quyền. Vì vậy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực luôn là động lực thúc đẩy sức sáng tạo và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Thực tiễn cho thấy, có một số cá nhân, tổ chức đã không vì mục đích kiểm tra, giám sát mà đến doanh nghiệp để vòi vĩnh, gây khó dễ cho nhà sản xuất kinh doanh, đưa ra những yêu sách, buộc họ phải chấp thuận. Vì vậy, việc chấn chỉnh hoạt động kiểm tra, giám sát đối với người đi kiểm tra cần được tăng cường, nếu để xảy ra những vi phạm, có ý kiến ngược của doanh nghiệp phản ánh thì kiên quyết xử lý, không dung túng, bao che, cần thiết xắp xếp, bố trí sang lĩnh vực khác. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN để khắc phục tình trạng này. Việc Thủ tướng quy định chỉ được thanh, kiểm tra DN mỗi năm một lần được cho là sẽ giúp các doanh nghiệp “dễ thở” hơn, giảm phiền hà, nhũng nhiễu và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Theo khảo sát của VCCI, trước năm 2017, nhiều doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra 6 - 7 lần/năm; có trường hợp quận đã kiểm tra, thành phố cũng kiểm tra, chưa kể các cơ quan quản lý chuyên ngành khác. Chỉ thị 20/CT - TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp để khắc phục tình trạng này.

Nền kinh tế - xã hội của nước ta đang có những khởi sắc toàn diện, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nhận thức và tổ chức thực hiện của cả hệ thống chính trị, trực tiếp nhất là các doanh nghiệp tư nhân. Những đóng góp của doanh nghiệp tư nhân đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế của nước ta có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, khơi dậy, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của con người trong xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Mỗi doanh nghiệp có khát vọng làm giàu chính đáng, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm của mình, đồng thời trong quá trình ấy, có chiến lược, chiến thuật hợp lý, kiểm soát tốt rủi ro kinh doanh, làm sao đóng góp nhiều hơn cho chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, kể cả giải quyết việc làm, thu ngân sách, đổi mới sáng tạo.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, ST, HN.2016, tr.292.

2. Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

3. Chính phủ (2014), (2015), (2018), Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

4. Chính phủ (2019), Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

5. Tổng cục Thống kê (2017), Báo cáo kết quả điều tra kinh tế năm 2017.

Thiếu tá Nguyễn Hải Biên

Trường Sĩ quan Lục quân 1

Tạp chí in số tháng 11/2019
Bạn đang đọc bài viết Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân trước tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Nâng cao năng lực quản trị DNNN đáp ứng chuẩn mực quốc tế
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, Đề án tái cơ cấu DNNN 2011-2015 (theo Quyết định 929/QĐ-TTg năm 2012) và Đề án cơ cấu lại DNNN 2016-2020 (theo Quyết định số 707/QĐ-TTg năm 2017) đều xác định hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đối với DNNN là một nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại khu vực DNNN.
Ứng dụng bảo hiểm trực tuyến đối với doanh nghiệp và khách hàng cá nhân
Việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm trở thành vấn đề thiết yếu đối với các nước trên thế giới. Tác động của việc ứng dụng công nghệ đến hoạt động triển khai kinh doanh bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm và ý định hành vi mua của khách hàng bảo hiểm là hoàn toàn khác nhau.
Chuyển dịch cơ cấu  kinh tế nông nghiệp Việt Nam
Bộ NN&PTNT cho biết 5 năm qua, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng chuyên ngành, lĩnh vực, những sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi hơn về nhiều mặt.