Học giả khuyên Trung Quốc ngừng xuất khẩu dược phẩm sang Mỹ

22/09/2020, 08:14

TCDN - Những tuần gần đây, trong lúc Mỹ gia tăng dồn ép các tập đoàn công nghệ Trung Quốc cùng với sự lớn dần của mối đe dọa tách rời tương quan tài chính, các cố vấn chính phủ tại Bắc Kinh đã bắt đầu tranh luận về một lựa chọn cứng rắn.

Do phong trào chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài từ những năm 1990, Mỹ phải lệ thuộc nhiều vào nguồn thuốc nhập khẩu từ Trung Quốc - từ thuốc giảm đau đến thuốc điều trị HIV.

Dù việc vũ khí hóa xuất khẩu thuốc và các tiền chất không nhận sự hậu thuẫn chính thức, nhưng sự thảo luận về nó đã dấy lên quan ngại ở cả Washington lẫn Bắc Kinh.

Ý tưởng ngừng xuất khẩu thuốc sang Mỹ nổi lên gần đây sau khi nhận sự ủng hộ của ông Li Daokui – cố vấn chính phủ và học giả có tiếng tại Trung Quốc – người từng nói với giới truyền thông rằng hạn chế tiếp cận thuốc có thể trở thành sự trả đũa hợp pháp cho những biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với sản phẩm công nghệ và phần mềm Mỹ.

Trong một tuyên bố dành cho tờ South China Morning Post, Li cho biết ông muốn chỉ ra rằng Mỹ và Trung Quốc đều phụ thuộc lẫn nhau và viêc hai nước không thể phân tách. Tuy nhiên, năm 2019 ông cũng từng đề xuất rằng Trung Quốc có thể dùng việc thắt chặt xuất khẩu thuốc kháng sinh sang Mỹ như một biện pháp để trả đũa trong chiến tranh thương mại.

Những chuyên gia khác cho rằng ý tưởng này không những vô nhân đạo mà còn có thể phản tác dụng.

Chuyên gia quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc kiêm tư vấn Quốc vụ viện, Shi Yinhong, chia sẻ: "Đề xuất đó thật phi lý. Nó sẽ không giúp Trung Quốc trả đũa Mỹ và còn làm tăng những nỗ lực khác nhằm ngăn chặn các tập đoàn công nghệ của Trung Quốc".

duoc pham2

An ninh chuỗi cung ứng y tế vừa trở thành chủ đề chính trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới khi cả Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng như đối thủ Đảng Dân chủ Joe Biden hứa sẽ giải quyết vấn đề sau khi đại dịch COVID-19 phơi bày những yếu điểm của Mỹ về nguồn cung thuốc và thiết bị y tế.

Trong khi các hãng dược của Mỹ vẫn giữ các cơ sở nghiên cứu tại quê nhà, mọi hoạt động sản xuất qui mô lớn các loại thuốc gốc giá rẻ đều đã biến mất.

Nhiều thành phần chính trong thuốc kháng sinh không còn được sản xuất trong nước khi nhà sản xuất penicillin cuối cùng của Mỹ đóng cửa vào năm 2004.

Dữ liệu của Ủy ban Mậu dịch Quốc tế Mỹ cho thấy, năm ngoái, khoảng 40 phần trăm kháng sinh nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc, bao gồm 90% chloramphenicol, 93% tetracyclines, và 52% penicillin.

Zhang Weiwei - giáo sư môn quan hệ quốc tế của Đại học Phục Đán và nổi tiếng với những quan điểm về chủ nghĩa yêu nước, khẳng định sự lệ thuộc vào nguồn cung một số loại thuốc căn bản từ Trung Quốc là một điểm yếu của Mỹ và lợi thế đối với Bắc Kinh.

Trước đó, cũng trong năm nay, ông từng tuyên bố tất cả  bệnh viện ở Mỹ sẽ phải đóng cửa nếu không có nguồn cung từ Trung Quốc khi nói về sự quá phụ thuộc của nước này đối với kháng sinh của Trung Quốc.

Trung Quốc là nhà sản xuất hoạt chất dược phẩm (API) lớn nhất thế giới. API là những thành phần hoạt tính được sử dụng trong các loại thuốc phổ biến. Hơn 11.000 nhà sản xuất tạo ra dược phẩm với Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản ba điểm đến hàng đầu đối với xuất khẩu.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không có thông tin cụ thể về lượng API được sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng trong một bức thư gửi đến FDA tháng 8 năm ngoái, chủ tịch ủy ban tài chính Thượng viện Mỹ - Chuck Grassley - đã ước tính đến 80% những hoạt chất dược phẩm mà người ta dùng ở Mỹ được sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Học giả khuyên Trung Quốc ngừng xuất khẩu dược phẩm sang Mỹ tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bac A Bank cấp tín dụng cho doanh nghiệp ngành dược phẩm
Nhận thấy nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực y dược ngày càng cấp thiết thiếu vốn, dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh và bỏ lỡ những hợp đồng, thương vụ có giá trị, Bac A Bank thực hiện cấp tín dụng cho doanh nghiệp ngành dược phẩm, vật tư y tế và thiết bị y tế.