[HỎI - ĐÁP] Điều chỉnh giảm thuế GTGT

15/05/2021, 14:20

TCDN -

Hỏi: Kính gửi Bộ Tài Chính, Công ty Điện lực Tây Ninh thực hiện bán điện liên tục cho Công ty TNHH Baek San Techprene Việt Nam từ tháng 8/2018. Đến năm 2020, Công ty TNHH Baek San Techprene Việt Nam phát hiện công ty mình là doanh nghiệp chế xuất, thuộc đối tượng hưởng thuế suất 0% đối với dịch vụ điện và các dịch vụ khác khi cung cấp cho công ty phục vụ sản xuất kinh doanh nên đề nghị Công ty Điện lực Tây Ninh điều chỉnh giá trị thuế GTGT 10% đã được xuất hóa đơn từ tháng 8/2018 đến tháng 12/2019. Số tiền thuế 10% trên đã được Công ty TNHH Baek San Techprene Việt Nam ghi vào chi phí cho các năm 2018 và 2019 (Số liệu chi tiết được đính kèm). Do số tiền thuế GTGT 10% đã được Công ty Điện lực Tây Ninh kê khai và nộp thuế trong năm 2018 và 2019. Công ty Điện lực Tây Ninh xin ý kiến Tổng Cục Thuế - Bộ Tài Chính hướng dẫn về việc có được điều chỉnh giảm số thuế GTGT trên hay không? 

Đáp:

Tại khoản 3 Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“Điều 20. Xử lý đối với hóa đơn đã lập

3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-)”.

Tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính quy định:

“Điều 9. Xử lý đối với hóa đơn điện tử đã lập

2. Trường hợp hóa đơn đã lập và gửi cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận có chữ ký điện tử của cả hai bên ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điện tử điều chỉnh sai sót. Hoá đơn điện tử lập sau ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn điện tử số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điện tử điều chỉnh, người bán và người mua thực hiện kê khai điều chỉnh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và hóa đơn hiện hành. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Điện lực Tây Ninh đã lập hoá đơn giao cho khách hàng, phát hiện sai sót về thuế suất thuế GTGT, thực hiện như sau:

1. Đối với các hóa đơn ghi sai thuế suất thuế giá trị gia tăng mà cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra thì xử lý theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, không được điều chỉnh hóa đơn.

2. Đối với các hoá đơn ghi sai thuế suất thuế GTGT mà cơ quan thuế chưa thanh tra, kiểm tra, thì Điện lực Tây Ninh thực hiện điều chỉnh theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC (đối vơi hoá đơn đặt in, tự in) hoặc điều chỉnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 32/2011/TT-BTC (đối với hoá đơn điện tử).

Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, người bán và người mua thực hiện kê khai điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu có) theo quy định của pháp luật về Quản lý thuế.  

Cục Thuế thông báo đến độc giả Phạm Châu Phong biết để thực hiện đúng theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này./.  

Theo BTC

Bạn đang đọc bài viết [HỎI - ĐÁP] Điều chỉnh giảm thuế GTGT tại chuyên mục Hỏi - Đáp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận