Hội nghị G7 khai mạc giữa một loạt khó khăn toàn cầu
TCDN - Nếu Tổng thống Trump dùng thuế quan như một công cụ chính trị, đó sẽ là rủi ro cho cả thế giới, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk phát biểu trước các phóng viên.
Chiến tranh thương mại giữa các nước G7 sẽ làm xói mòn lòng tin giữa các nước, ông Tusk nói thêm hôm 24/8, ngày đầu tiên của hội nghị G7 ở Biarritz, Pháp.
Hội nghị của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển sẽ là “phép thử đầy khó khăn cho sự đoàn kết” sau một năm mà các lãnh đạo không tìm được tiếng nói chung, ông Tusk phát biểu, theo Reuters.
“Vẫn không có chắc chắn nào về việc nhóm có thể cùng tìm ra giải pháp trước các vấn đề toàn cầu nghiêm trọng - hay lại dành sức vào các tranh cãi vô bổ”, ông Tusk phát biểu thẳng thắn một cách hiếm có trước hội nghị được dự đoán sẽ căng thẳng, giữa bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung và căng thẳng Mỹ - Iran.
“Hiệp định thương mại, và cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tốt hơn là chiến tranh thương mại”, ông Tusk nói. “Chiến tranh thương mại sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế, còn hiệp định thương mại sẽ giúp tăng trưởng kinh tế”.
Ông nói lãnh đạo G7 nên cố gắng lần nữa để đi đến đồng thuận về Iran, khi mà thỏa thuận hạt nhân quốc tế đang trên bờ vực tan rã, sau khi Mỹ rút khỏi và tái áp đặt trừng phạt lên Tehran.
Trước câu hỏi về việc ông Trump dọa đánh thuế rượu Pháp để trả đũa thuế của Pháp lên công ty công nghệ Mỹ, ông Tusk nói: “Nếu Mỹ áp thuế lên Pháp, EU sẽ đáp trả tương ứng. Pháp có thể tin vào sự đoàn kết của EU”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ hy vọng cuộc chiến thương mại sẽ hạ nhiệt và mong một số nước sẽ đưa ra các gói kích cầu.
Một số nền kinh tế lớn ở các châu lục, như Argentina và Italy, đã rơi vào “suy thoái”, theo định nghĩa phổ biến là khi sản lượng kinh tế giảm hai quý liên tiếp, còn số khác đang “xếp hàng” trước bờ vực suy thoái khi sản lượng đã giảm một quý (Brazil, Singapore, Anh, Đức).
Vì các bất đồng, như vấn đề biến đổi khí hậu hay vấn đề hạt nhân Iran, trong hai hội nghị G7 gần nhất, Tổng thống Trump đã từ chối ký tuyên bố chung, theo Guardian.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899