HoREA kiến nghị giảm lãi suất, khoanh nợ cho doanh nghiệp bất động sản
TCDN - Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi đến Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) đề nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) xem xét giảm lãi suất cho vay, cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ đối với doanh nghiệp bất động sản và người vay tiền mua nhà.
Trong văn bản gửi Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho hay, cộng đồng các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, rất hoan nghênh NHNN vừa ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN và được sự hưởng ứng của các NHTM về việc giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên trên thực tế, HoREA nhận thấy, NHNN và các NHTM vẫn coi hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro,nên chưa xem xét giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng, thậm chí kể cả việc vay tín dụng tiêu dùng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà cũng chưa được xem xét giải quyết.
“Đối với các doanh nghiệp thì “dòng tiền” là “oxy” của doanh nghiệp và việc được ngân hàng thương mại quan tâm xem xét tiếp tục cấp tín dụng chính là “máy trợ thở oxy” cho doanh nghiệp” – lãnh đạo HoREA một lần nữa nhấn mạnh khó khăn do không được hỗ trợ tín dụng.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị NHNN xem xét chỉ đạo các NHTM xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm; cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ, không chuyển khoản nợ đáo hạn sang khoản nợ “xấu hơn” cho các khách hàng.
Đặc biệt, xem xét cho doanh nghiệp bất động sản, người vay tín dụng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà đủ điều kiện thì được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và người mua nhà vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong điều kiện bình thường mới.
Đồng thời, HoREA đề nghị các NHTM xem xét, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới để triển khai thực hiện dự án. Các ngân hàng thương mại xem xét cho nhà đầu tư, khách hàng mua nhà, mua sản phẩm bất động sản được tiếp tục vay theo hợp đồng vay tín dụng đã ký; hỗ trợ cho vay tín dụng đối với các khách hàng mua nhà ở thương mại có giá trung bình, giá thấp, hoặc nhà ở xã hội.
Ngoài chính sách lãi suất, HoREA cũng đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất. Cụ thể, đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại cho đến hết năm 2021, nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động của đại dịch, góp phần kéo giảm giá nhà.
Bên cạnh đó, kiến nghị cho phép bù trừ lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; xem xét chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021; xem xét chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021 để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế do tác động của đại dịch.
Trong văn bản mới đây gửi các tổ chức tín dụng, NHNN vẫn kiên quyết yêu cầu các NHTM kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của dịch Covid-19, đặc biệt là dư nợ lĩnh vực bất động sản với mục đích tự sử dụng.
Trong đó, NHNN lưu ý các tổ chức tín dụng thường xuyên rà soát đánh giá tình hình hoạt động, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, trong đó lưu ý các khách hàng có dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản lớn, khách hàng cá nhân có dư nợ cho vay phục vụ đời sống/tiêu dùng lớn... để có biện pháp xử lý phủ hợp, nhằm hạn chế tối đa rủi ro phát sinh.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899