IEA dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu giảm mạnh vì đại dịch
TCDN - Mức tăng trưởng nhu cầu dầu thô trong nửa cuối năm 2021 thấp hơn 500.000 thùng/ngày so với lần dự báo trước đó của IEA do đại dịch ở nhiều nước.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ giảm mạnh từ nay đến cuối năm do một số quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế mới để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta của nCoV..
Báo cáo của IEA cho rằng mức tăng trưởng tiêu thụ dầu thô trong nửa cuối năm 2021 thấp hơn 500.000 thùng/ngày so với lần dự báo trước đó do tình hình dịch bệnh ở nhiều nước đang diễn biến xấu.
Nhu cầu dầu thô toàn cầu tăng khoảng 5,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình khoảng 96,2 triệu thùng/ngày trong năm 2021 và tăng 3,2 triệu thùng/ngày trong năm 2022. Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu khoảng 100 triệu thùng/ngày.
Trước đó, trang Oilprice dẫn báo cáo của OPEC rằng nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ vượt mức 100 triệu thùng/ngày trong 6 tháng cuối năm 2022 nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định và đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt.
OPEC dự đoán nhu cầu nhu cầu dầu thô toàn cầu tăng khoảng 6 triệu thùng/ngày trong năm nay, không đổi so với lần dự báo trước đó. Tổng cộng thế giới sẽ cần 96,6 triệu thùng/ngày trong năm 2021.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 được dự báo đạt 5,5% và tiếp tục tăng thêm 4,4% vào năm 2022.
“Tăng trưởng tiêu thụ dầu thô trong nửa cuối năm 2021 giảm mạnh do nhiều nước áp dụng biện pháp phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là khu vực châu Á. Điều này khiến hoạt động giao thông bị hạn chế dẫn đến lượng tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh”, IEA nhận định.
Sau khi tăng 3,8 triệu thùng/ngày trong tháng 6, IEA cho biết nhu cầu dầu thô trên toàn cầu bất ngờ đảo chiều trong tháng 7 khi giảm 120.000 thùng/ngày.
Dự báo của IEA một phần khiến giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,42% xuống 68,8 USD/thùng vào lúc 7h25 (giờ Việt Nam) ngày 13/8. Giá dầu thô Brent giao tháng 10 cũng giảm 0,18% xuống 71 USD/thùng.
Giá dầu thô giảm 6% kể từ cuối tháng 7 do lo ngại về căng thẳng biến chủng Delta làm giảm nhu cầu ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, cũng như nguồn cung đổ vào thị trường nhiều hơn. Mặc dù vậy, giá dầu thô vẫn tăng gần 40% trong năm nay.
IEA chỉ ra rằng thị trường dầu mỏ, vốn đã thắt chặt trong năm nay khi các nền kinh tế lớn phục hồi, có thể "quay trở lại thặng dư" vào năm 2022 nếu OPEC+ tiếp tục giảm sản lượng.
Mới đây, Nhà Trắn kêu gọi OPEC tăng sản lượng nhằm đối phó với tình trạng giá xăng dầu tăng cao và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
“Chúng ta có thể nhận thấy Arab Saudi và nhiều nước khác khá miễn cưỡng trong việc tăng sản lượng bởi tình hình tiêu thụ hiện tại khá bất ổn do biến chúng Delta đang lan rộng. Thời gian tới cần theo dõi động thái từ phía Mỹ gây sức ép lên Arab Saudi đối với việc tăng sản lượng”, ông Warren Patterson, người đứng đầu công ty nghiên cứu chiến lược ING nhận định.
OPEC lên kế hoạch họp vào ngày 1/9 nhằm đánh giá lại sản lượng khai thác.
Bà Helima Croft, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa tại công ty RBC Capital Markets, nhận xét rằng việc chính phủ Mỹ kêu gọi OPEC có thể là đồn bẩy giúp nước này đạt được song song hai mục tiêu là kìm hãm đà tăng nóng của giá xăng dầu và bảo vệ môi trường.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899