Intel chật vật trong hành trình tìm lại ánh hào quang

24/11/2020, 10:36

TCDN - Từ vị thế "cánh chim đầu đàn" trong ngành sản xuất chip, giờ đây Intel đang phải nỗ lực để đuổi kịp các đối thủ nhỏ hơn, bao gồm nhiều doanh nghiệp ở châu Á.

Hồi tháng 2/2017, chưa đầy một tháng từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, Tổng giám đốc Brian Krzanich của Intel đã đến Phòng Bầu dục để nói về thành tựu của tập đoàn. Giơ ra phiến silicon sáng bóng, ông tuyên bố Intel sẽ chi 7 tỷ USD cho một nhà máy sản xuất chip hiện đại ở Arizona.

Giới quan sát nhận định tuyên bố của Krzanich là "chiến thắng sớm" của Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực mang các nhà máy sản xuất của doanh nghiệp Mỹ trên toàn cầu về nước, theo Telegraph.

Công chúng từng biết tới Fab 42 - nhà máy mà Krzanich nhắc tới trong cuộc gặp với Trump - từ năm 2011. Barack Obama, Tổng thống đương nhiệm khi đó, đã nhắc tới Fab 42 trong một bài phát biểu. Song hiện tại Fab 42 đang tạm dừng hoạt động do chưa thể sản xuất các loại chip với kích thước đủ nhỏ.

Brian Krzanich, Tổng giám đốc Intel, đang đối mặt nhiệm vụ khó khăn là khôi phục vị thế đầu tàu của tập đoàn trong ngành chip. Ảnh: NBC

Brian Krzanich, Tổng giám đốc Intel, đang đối mặt nhiệm vụ khó khăn là khôi phục vị thế đầu tàu của tập đoàn trong ngành chip. Ảnh: NBC

Fab 42 tái hoạt động từ cuối tháng 10, song không còn giữ vị thế chủ chốt trong ngành. Sự tiến bộ của ngành bán dẫn những năm qua cho phép các đối thủ của Intel tạo ra chip với kích thước bóng bán dẫn đo bằng nanomet (nm). Kích thước bóng bán dẫn càng nhỏ, chip càng mạnh, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng và tạo ra lợi nhuận lớn.

Intel xây dựng Fab 42 để sản xuất chip 7 nm nhỏ nhất từ trước đến nay cho Intel. Nhưng nhà máy chưa thể đạt năng lực ấy và vẫn đang sản xuất tiến trình 10 nm. Trong khi đó, các đối thủ như TSMC (Đài Loan) đã sản xuất chip 5 nm.

Telegraph nhận định 2020 là một năm đặc biệt tồi tệ của Intel. Vào tháng 6, Apple tuyên bố tập đoàn sẽ không sử dụng vi xử lý của Intel trên các dòng máy tính mới nhất nữa mà thay bằng chip mới dựa trên kiến trúc ARM.

Vài tuần sắp tới, Intel sẽ phải quyết định liệu họ có nên thuê bên thứ ba sản xuất một số chip của họ hay không. Nếu quyết định thuê, đây sẽ là lời thừa nhận của rằng ngành sản xuất chip đẳng cấp thế giới của Intel đã không còn là "cánh chim đầu đàn".

Ra đời năm 1968, Intel phát minh bộ vi xử lý ba năm sau đó. Họ là doanh nghiệp tiên phong trong việc thúc đẩy sự phát triển của chip máy tính trong những thập niên tiếp theo, với sản lượng hàng chục tỷ bộ vi xử lý mỗi năm.

Gordon Moore - người đã phát minh ra định luật Moore và là đồng sáng lập Intel - ước tính hiệu suất chip sẽ tăng gấp đôi sau mỗi hai năm. Dựa trên định luật của Moore, Intel đã phát triển mạnh mẽ và đóng góp lớn cho cuộc cách mạng máy tính cá nhân vào những năm 1990. Cùng với Windows của Microsoft, Intel đã thúc đẩy ngành PC phát triển đến mức biệt danh "Wintel" (kết hợp Windows và Intel) đã định nghĩa cả một kỷ nguyên máy tính.

Năm 1997, tạp chí Time bình chọn Tổng giám đốc Andrew Grove của Intel lúc đó, là "Người đàn ông của năm" chủ yếu nhờ vào thành công của tập đoàn.

Song đó là khoảnh khắc vinh quang cuối cùng trước hành trình sa sút của nhà sản xuất chip khổng lồ.

Sai lầm lớn nhất của hãng này là từ chối sản xuất chip cho iPhone của Apple vào năm 2007. Khi đó Intel nhận định mức giá Apple đưa ra quá thấp. Ban lãnh đạo Intel đã không tin rằng Apple sẽ trở thành thế lực lớn trong ngành điện thoại.

Quyết định từ chối Apple của Intel đã tạo cơ hội cho ARM Holdings và TSMC. ARM Holdings sở hữu ARM - kiến trúc chip năng lượng thấp mà sau này trở thành nền tảng cho không chỉ iPhone mà còn của hàng tỷ smartphone khác.

TSMC ra đời năm 1987 sau khi Đài Loan bãi bỏ tình trạng thiết quân luật. Ban đầu, tập đoàn không có nhà máy riêng. Khi quy trình sản xuất bộ vi xử lý ngày càng nhỏ và phức tạp hơn, nhiều công ty khác phá sản, TSMC sử dụng lại nhà máy của những đối thủ đã phá sản.

Bắt đầu trước TSMC hơn hai thập niên, nhưng trong khoảng một thập niên qua, Intel đã không thể sánh với TSMC về khả năng sản xuất chip cho thiết bị di động. Không chỉ vậy, giờ đây Intel còn đối mặt với nguy cơ mất nốt mảng chip cho máy tính cá nhân và chip cho trung tâm dữ liệu vào tay đối thủ. Hiện tại, Intel vẫn nắm thị phần lớn nhất trong mảng chip cho PC, nhưng có thể họ không thể giữ vị trí đó mãi, nhất là sau khi Apple chuyển qua M1 - chip do TSMC sản xuất trên tiến trình 5 nm hiện đại hơn.

"Mảng chip đang phát triển rất nhanh, nhưng Intel lại phản ứng rất chậm. Sự ràng buộc với những thứ của nhiều năm trước đang cản trở họ", Wayne Lam, nhà phân tích tại CCS Insight và là cựu nhân viên của Intel, bình luận.

Nhã Vy
Bạn đang đọc bài viết Intel chật vật trong hành trình tìm lại ánh hào quang tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan