Kế hoạch kiểm toán 2024: "Gọn nhưng chất lượng"

11/02/2024, 17:49
báo nói -

TCDN - Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh, với phương châm "gọn nhưng chất lượng", ngay từ khi xây dựng KHKT năm 2023 cũng như năm 2024, nguyên tắc quan trọng của KTNN là tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán của bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Tài chính doanh nghiệp về điểm sáng của ngành Kiểm toán năm 2023 cũng như định hướng trong năm tới, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Doãn Anh Thơ nhấn mạnh, với phương châm "gọn nhưng chất lượng", ngay từ khi xây dựng KHKT năm 2023 cũng như năm 2024, nguyên tắc quan trọng của KTNN là tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán của bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Đồng thời, tăng cường kiểm toán hoạt động, chuyên đề theo đúng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức hoạt động kiểm toán không ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của các đơn vị được kiểm toán, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của KTNN trong năm 2023?

Năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2021 - 2025; là năm KTNN triển khai kiểm toán việc thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình, chủ trương chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Với phương châm “gọn nhưng chất lượng”, KHKT năm 2023 được xây dựng với số nhiệm vụ kiểm toán (129 nhiệm vụ) thấp hơn số nhiện vụ kiểm toán năm 2022 (178 nhiệm vụ), trong đó đã tăng cường kiểm toán báo cáo quyết toán của bộ, cơ quan trung ương, địa, chú trọng kiểm toán tại các cơ quan đầu mối quản lý tổng hợp, sử dụng ngân sách, không thực hiện việc đối chiếu thuế.

Kiểm toán các chuyên đề nhằm phục vụ các chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH (kiểm toán 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; các chuyên đề liên quan đến cơ chế chính sách và đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế).

Kiểm toán các chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho các lĩnh vực khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022, chuyên đề về việc đầu tư mua sắm, ứng dụng phần mềm CNTT, các hoạt động thuê dịch vụ CNTT giai đoạn 2020-2022.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến hết năm 2023 đối với 178 BCKT đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 30.245 tỷ đồng, trong đó kiến nghị tăng thu 4.100 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 7.300 tỷ đồng.

Một trong những nhiện vụ quan trọng của kiểm toán, đó là bên cạnh nhiệm vụ kiểm toán, KTNN đã phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều địa phương, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ thông qua việc giảm số cuộc kiểm toán, giảm đầu mối kiểm toán, đặc biệt là không đối chiếu thuế. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về chủ chương này?

KHKT năm 2023 cũng như KHKT năm 2024 của KTNN số nhiệm vụ kiểm toán sau năm đều giảm so với năm trước, năm 2023 KTNN xây dựng 129 nhiệm vụ so với năm 2022, năm 2024 KHKT với 121 nhiệm vụ, tiếp tục giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023.

Về công tác đối chiếu thuế, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành công văn số 287/KTNN-TH ngày 24/3/2023 về tổ chức kiểm tra, đối chiếu đối với người nộp thuế trong đó quy định “chỉ lựa chọn kiểm tra, đối chiếu số liệu báo cáo của người nộp thuế khi kiểm tra tại cơ quan thuế, hải quan nhằm đánh giá trách nhiệm của cơ quan thuế, hải quan trong thực hiện vai trò quản lý nhà nước về thuế", quán triệt trong toàn ngành là một trong những giải pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung phục hồi phát triển kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.

Đến thời điểm hiện nay, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định về việc kiểm tra, đối chiếu với các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN, trong đó quy định cụ thể hơn nguyên tắc kiểm tra, đối chiếu; nội dung, phương pháp kiểm tra, đối chiếu làm cơ sở để các đoàn kiểm toán của KTNN khi thực hiện nhiệm vụ nếu có phát sinh các trường hợp phải kiểm tra, đối chiếu sẽ thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định này. 

Trong năm 2024, KTNN sẽ tập trung kiểm tra vào những lĩnh vực nào và những giải pháp KTNN đưa ra nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán là gì, thưa ông?

Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, KHKT năm 2024 của KTNN sẽ thực hiện kiểm toán một số chủ để phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH như: chuyên đề "Việc triển khai thực hiện, quản lý và sử dụng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển”, chuyên đề “Việc thực hiện sắp xếp các chính sách đầu tư nghiệp công lập giai đoạn 2021-2023", kiểm toán một số dự án quan trọng quốc gia như dự án Sân bay Long Thành, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 2025, dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đường bố Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Đồng thời, năm 2024 KTNN tổ chức kiểm toán một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng như: chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023 tại các bộ và địa phương", chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công giai đoạn 2021-2023 tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các tỉnh, thành phố"...

Để nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán, KTNN sẽ tổ chức triển khai đồng bộ một số giải pháp chủ yếu như sau: Bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội để triền khai nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành một cách khoa học, hiệu quả, phối hợp chặt chế với các Bộ, cơ quan trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán.

KTNN tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, kiểm toán viên trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử của kiểm toán viên, Quy chế làm việc của KTNN và các quy định khác có liên quan.

Cùng với việc cân đối lực lượng và thời gian kiểm toán, đổi mới phương thức tổ chức kiểm toán, KTNN sẽ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các địa phương; Tăng cường việc ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán theo lĩnh vực và các phần mềm phục vụ quản lý, kiểm soát hoạt động kiểm toán để nâng cao hiệu quả kiểm soát, chất lượng các báo cáo kiểm toán.

Xin cảm ơn ông! 

Thanh Tầm
Bạn đang đọc bài viết Kế hoạch kiểm toán 2024: "Gọn nhưng chất lượng" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận