Khi doanh nghiệp bảo hiểm "sợ" bán dịch vụ cho các tàu cá

07/12/2019, 15:32

TCDN - 4 công ty bảo hiểm đã bảo hiểm cho gần 42.000 lượt tàu cá và hơn 430.000 lượt thuyền viên, tuy nhiên số tiền thu về thấp trong khi số tiền bỏ ra để giải quyết bồi thường thì quá cao khiến các công ty bảo hiểm quan ngại trong việc bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân.

Ngày 7/11 vừa qua, 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ gồm Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, PJICO và 1 doanh nghiệp tái bảo hiểm là Vinare đã có công văn gửi Cục Quản lý & giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) báo cáo tình hình thực hiện Chương trình bảo hiểm tàu cá xa bờ.

Theo đó, đã bảo hiểm cho 41.907 lượt tàu cá và 430.259 lượt thuyền viên. Tuy nhiên, đến nay, doanh thu càng giảm sút mà số tiền thu về từ việc bán bảo hiểm tàu cá thì thấp trong khi số tiền bỏ ra để giải quyết bồi thường thì quá cao. Đáng chú ý, hầu hết các vụ tổn thất toàn bộ đều không tìm được hoặc không trục vớt được xác tàu nên khó có thể điều tra được rõ nguyên nhân sự cố, khiến các công ty bảo hiểm quan ngại trong việc bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân.

3_XFNW

Chung tay tháo gỡ vướng mắc để ngư dân vươn khơi, bám biển.

Trong các năm 2015-2017, số lượng tàu cá tham gia bảo hiểm khá lớn, đạt lần lượt 9.673 - 12.677 - 11.779 tàu nhưng kể từ khi chính sách hỗ trợ phí thay đổi theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP thì số tàu tham gia đã giảm đáng kể.

Năm 2018 chỉ có 4.300 tàu cá tham gia và 9 tháng đầu năm 2019 chỉ có 3.196 lượt tàu cá được bảo hiểm. Trong khi đó, các vụ tổn thất tàu ngày càng gia tăng. Tính đến 30/9/2019, tổng phí bảo hiểm thu được là 1.233 tỷ đồng; trong khi tổng số tiền bồi thường đã trả và đã thông báo nhưng chưa giải quyết là 968 tỷ đồng, chiếm 78,5% phí được hưởng.

Với tình hình bồi thường này, các doanh nghiệp tính toán mức lỗ nghiệp vụ từ việc bán bảo hiểm cho ngư dân tính đến hết tháng 9/2019 có thể lên tới 125 tỷ đồng. 

Ông Hoàng Trần Tùng – Phó trưởng ban Bảo hiểm Hàng hải của PJICO cũng ghi nhận và lý giải một số phản ánh từ phía địa phương; đồng thời khẳng định không có chuyện dừng triển khai bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 và cam kết sẽ có tổng hợp, đánh giá, báo cáo, đề xuất cụ thể để gỡ vướng thực tiễn nhằm triển khai hiệu quả nhất, đảm bảo quyền lợi cho cả ngư dân và doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH).

“Đến thời điểm này, PJICO không có bất cứ chủ trương hay văn bản nào thông báo tới các công ty thành viên về việc dừng triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhiều vụ tổn thất lớn nên việc cấp đơn bảo hiểm cần nhiều thời gian hơn trước đây” – ông Hoàng Trần Tùng nói.

Bộ Tài chính đã yêu cầu các DNBH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan để triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 theo đúng quy định, nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Đẩy nhanh việc thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng thực tế của tàu trước khi cấp đơn bảo hiểm của PJICO, đảm bảo công khai minh bạch, đúng quy định.

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị PJICO phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan để xác định chính xác nguyên nhân thiệt hại, làm cơ sở giải quyết bồi thường bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngư dân và tránh để xảy ra việc trục lợi chính sách.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi làm việc với các DNBH tham gia và các bên liên quan. Qua buổi làm việc, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các DNBH báo cáo về tình hình triển khai, trong đó nêu rõ khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất cụ thể về sửa đổi, bổ sung quy tắc bảo hiểm. Mới đây nhất, ngày 2/12, Bộ Tài chính tiếp tục có công văn yêu cầu các DNBH khẩn trương hoàn thành các nội dung nêu trên.

“Đoàn công tác ghi nhận những đề xuất từ phía địa phương và DNBH; qua đó sẽ có báo cáo cụ thể về kết quả buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi việc thực hiện chính sách bảo hiểm để chủ động xử lý hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Nhân buổi làm việc này, đề nghị các địa phương và DNBH tiếp tục tăng cường tuyên truyền và phối hợp để sớm xử lý những tồn tại xuất hiện trên thực tiễn, nhằm thực hiện hiệu quả, bền vững các mục tiêu chính sách, đảm bảo các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của ngư dân, cân đối ngân sách nhà nước và an toàn tài chính của DNBH” – đại diện đoàn công tác nhấn mạnh.

Bích Thảo (t/h)
Bạn đang đọc bài viết Khi doanh nghiệp bảo hiểm "sợ" bán dịch vụ cho các tàu cá tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

TP HCM: Ngăn chặn hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
UBND TP HCM vừa yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh BHYT, thực hiện trích chuyển dữ liệu điện tử phục vụ quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.