Buộc Công ty TBO VINA hoàn trả hơn 6 tỷ đồng nợ lương, bảo hiểm xã hội
TCDN - Công ty TNHH MTV TBO VINA vừa bị Toà án nhân dân quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng tuyên án buộc hoàn trả hơn 6 tỷ đồng tiền lương, tiền nợ BHXH, cộng với các khoản phụ cấp còn nợ… cho người lao động.
Toà án nhân dân (TAND) quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng vừ tuyên án 20 hồ sơ cuối cùng trong vụ án tranh chấp lao động, đòi nợ lương, chế độ BHXH, buộc công ty TNHH một thành viên TBO VINA (Công ty TBO) phải trả tiền lương, tiền nợ BHXH… cho người lao động với số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Công ty TBO VINA hoàn trả hơn 6 tỷ đồng nợ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Được biết, Công ty TBO (địa chỉ tại khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) là doanh nghiệp FDI (100% vốn Hàn Quốc), đi vào hoạt động từ tháng 8/2014 với ngành nghề chính là sản xuất hàng may mặc. Theo cáo trạng, Công ty TBO nợ 55% tiền lương tháng 6 và 100% tiền lương tháng 7/2018 của người lao động.
Từ tháng 11/2016 đến 7/2018, công ty này không đóng tiền BHXH cho gần 500 người lao động, trong khi đó, hằng tháng vẫn trừ tiền BHXH của người lao động, cộng với nghĩa vụ của người sử dụng lao động phải trích nộp, tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng.
Tháng 6/2019, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng đã cử cán bộ hỗ trợ người lao động khởi kiện doanh nghiệp. Và 196 hồ sơ uỷ quyền cho cán bộ Công đoàn khởi kiện.
Căn cứ hồ sơ cung cấp của nguyên đơn, xét thấy các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn phù hợp với quy định pháp luật, TAND quận Liên Chiểu đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc công ty này phải trả tiền lương cộng với các khoản phụ cấp còn nợ cho người lao động nếu họ làm đủ ngày công theo thực tế.
Đồng thời phải chuyển trả tiền nợ BHXH người lao động. Tất cả 196 hồ sơ của người lao động uỷ quyền cho cán bộ Công đoàn khởi kiện đã thắng kiện Công ty TNHH MTV TBO Vina với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Theo thống kê tại Đà Nẵng, đến hết ngày 31/10, có 1.948 doanh nghiệp nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên với hơn 172 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc nợ lương của DN đối với người lao động vẫn diễn ra, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899