"Không nỗ lực chuyển đổi xanh, sức cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu sẽ suy giảm"

30/11/2023, 16:02
báo nói -

TCDN - PGS, TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Singapore cảnh báo, không nỗ lực chuyển đổi xanh, sức cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam sẽ suy giảm.

Tăng trưởng xanh là chìa khóa then chốt phát triển bền vững

Ngày 30/11, Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức “Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023” với chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới. Năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp Quốc, 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Năm 2023, thông qua báo cáo Quốc gia tự nguyện lần thứ 2, Việt Nam một lần nữa cam kết tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

PGS. TS Vũ Minh Khương.

PGS. TS Vũ Minh Khương.

Phát triển bền vững lấy tăng trưởng xanh làm chìa khóa then chốt đã trở thành yêu cầu cấp bách, được Đảng và nhà nước định hướng đẩy mạnh nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và bảo vệ, giữ gìn môi trường.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng thực tiễn tại nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng quá trình chuyển dịch xanh song hành với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc đảm bảo tính bao trùm, toàn diện và hướng tới con người là trung tâm của sự phát triển. Trong khi các số liệu vĩ mô chỉ ra bức tranh tươi sáng của tương lai xanh, thì một số nhóm cộng đồng có nguy cơ đối mặt với tác động tiêu cực của quá trình chuyển dịch và trở thành những đối tượng bị bỏ lại phía sau.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Đông, quá trình chuyển dịch xanh diễn ra trong bối cảnh nhiều xu hướng lớn xuất hiện như tự động hóa, đổi mới sáng tạo hay sự già hóa nhanh chóng của dân số. Quá trình này dẫn tới sự tái phân bổ lao động giữa các khu vực, lĩnh vực, từ đó đòi hỏi chuyển đổi kỹ năng của người lao động - một vấn đề không đơn giản đối với người già, người lao động có trình độ thấp, người lao động ở các khu vực khó khăn.

Về doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được coi là động lực quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng đối mặt với nhiều rào cản trong chuyển dịch, khi khả năng đầu tư vào công nghệ xanh hạn chế, nhận thức với các vấn đề về môi trường, tài nguyên chưa cao, khả năng tiếp cận kiến thức và tài chính còn thấp…

Về phía địa phương, sự khác biệt về đặc điểm tự nhiên cố hữu, dân số, xã hội dẫn tới sự chênh lệch trong phát triển kinh tế, trình độ lao động, khả năng chuyển dịch trong bối cảnh xanh hóa nền kinh tế.

“Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi chúng ta cần chủ động giải quyết nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, ít carbon hơn và tuần hoàn nhưng đảm bảo tính bao trùm, toàn diện, hướng tới “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển này”, Thứ trưởng nêu rõ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thay đổi nhận thức

PGS, TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu - Singapore cho biết, hệ số an ninh năng lượng của Việt Nam suy giảm từ 93% năm 2015 giảm xuống còn 56% năm 2020 và ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Lượng phát thải CO2 cũng tiếp tục tăng.

Trước tình hình trên, ông Khương cảnh báo: “Không nỗ lực chuyển đổi xanh, sức cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam sẽ suy giảm”.

tang-truong-xanh

PGS, TS. Vũ Minh Khương đánh giá, Việt Nam có rất nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xanh bởi những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ năng lượng tái tạo. Đồng thời, tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam là rất lớn với đường bờ biển dài hơn 2.000 km, nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi… Việt Nam cũng có thể tận dụng thế mạnh thủy điện để phát triển điện tái tạo…

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức trên con đường đến tăng trưởng xanh. Điều đó trước hết thể hiện ở mặt tư duy còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng bao cấp, xin - cho, dựa quá nhiều vào mô hình truyền thống. Năng lực kiến tạo giá trị của Việt Nam cũng đang là vấn đề khi nguồn lực, năng lực, nỗ lực lớn nhưng lại chưa có chiến lược bài bản, chưa có động lực để làm tốt. Trong bối cảnh đó, tư duy chiến lược và tầm nhìn đột phá là rất quan trọng...

TS. Vũ Tiến Lộc - nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ với quan điểm của ông Khương. Theo ông Lộc, các cơ chế đặc biệt cần không chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, mà còn cần thử nghiệm, đột phá, mở đường cho sóng khởi nghiệp tiếp theo sau làn sóng thứ nhất là mở rộng quy mô phát triển. Làn sóng thứ hai chính là làn sóng chuyển đổi xanh, tạo lợi thế phát triển mới

Ông Lộc cũng cho rằng, thực tế, xu hướng phát triển bền vững và chuyển đổi xanh mới chỉ bắt đầu từ những năm 2010, 2011 tại Việt Nam, với việc một số địa phương có chương trình chuyển đổi xanh, như tại Quảng Ninh. Trong chuyển đổi xanh, khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa là “xương sống”, quyết định sự thành bại của chuyển đổi xanh trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong chuyển đổi số, 55% doanh nghiệp nhận thức được, song 98% doanh nghiệp cho biết là gặp rất nhiều khó khăn trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Các doanh nghiệp ngành sản xuất phần lớn chưa nhận thức được khái niệm và sự quan trọng của chuyển đổi xanh, đây đó còn cho rằng, đó là sự xa xỉ, là sự kêu gọi có tính chất đạo đức nhiều hơn là về thương mại và hiệu quả kinh tế. Thực tế là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải tập trung lo cơm áo gạo tiền, do đó cần thay đổi nhận thức chuyển đổi xanh là con đường độc đạo là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Đây là vấn đề của các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chứ không chỉ là doanh nghiệp lớn. Đây là “hộ chiếu” để tham gia thị trường trong nước và thế giới, tiếp cận mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Do đó, nhận thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường để thúc đẩy sự cần thiết và hành động của họ để chuyển đổi xanh. Tôi cũng nhận thấy, các tổ chức quốc tế rất quan tâm giúp Việt Nam trong chuyển đổi số và đây là điều rất cần thiết. Về phía Việt Nam, chúng ta đã nhận thức sớm và có chiến lược sớm, có Ban chỉ đạo về tăng trưởng xanh, nhưng từ chỉ đạo đến hành động thì còn rất dài, đó là vấn đề chúng ta cần khắc phục.”, ông Lộc nói.

Đồng thời khẳng định, trong quá trình chuyển đổi, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nhận thức chuyển đổi xanh như “trái tim” của phát triển doanh nghiệp hiện nay và tương lai. Hy vọng trên các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tới đây sẽ có dấu chỉ xanh để nói lên thực tế vào cuộc và trách nhiệm cụ thể trong góp sức phát triển xanh, định vị tương lai cho mình và thực thi tầm nhìn chiến lược của đất nước.

Hà Linh
Bạn đang đọc bài viết "Không nỗ lực chuyển đổi xanh, sức cạnh tranh thu hút đầu tư và xuất khẩu sẽ suy giảm" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam
Ngày 3/11/2023, tại Khách sạn Hà Nội Deawoo - số 360 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giao cho Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn Khoa học với chủ đề “Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam 2023”. Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam.
Thủ tướng: Thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững
Thủ tướng nhấn mạnh cần tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, tiếp tục vận động các đối tác ủng hộ Việt Nam chuyển đổi năng lượng, bảo đảm công bằng, công lý; tăng cường hợp tác công-tư (PPP); hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và tài chính, vốn...