Khu công nghiệp Việt Nam 2023: Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh

20/11/2023, 13:38
báo nói -

TCDN - Tạp chí Nhà đầu tư vừa tổ chức Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023 với chủ đề “Hướng tới tăng trưởng xanh”.

Diễn đàn này có sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo Ban quản lý Khu công nghiệp (KCN) – Khu kinh tế (KKT) của một số địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Diễn đàn có 3 mục tiêu chính: Thúc đẩy KCN xanh, sinh thái, thông minh; nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, KKT và vấn đề thiếu các nguồn tài chính xanh sẽ là rào cản.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội quảng bá, chia sẻ thông tin và kết nối đầu tư vào các KCN – KKT tại Việt Nam trong bối cảnh mới, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, KCN sinh thái, góp phần thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Được biết, theo số liệu mới nhất tính tới tháng 10/2023, nước ta đã có 413 KCN được thành lập, trong đó có 295 KCN đã đi vào hoạt động.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư – Trưởng ban tổ chức Diễn đàn cho hay, trong 30 năm qua, các KCN và các KKT đã không ngừng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trở thành động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiến trình đô thị hóa, làm thay đổi diện mạo của nhiều địa phương trên cả nước.

Hiện tại, chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, một số KCN đã phát triển theo hướng bền vững và thí điểm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái, KCN thông minh, gắn liền với hoạt động sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên qua hoạt động cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn.

Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (PM3) là KCN chuyên sâu duy nhất tại Việt Nam được thành lập dựa theo thoả thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 12/2014.

Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (PM3) là KCN chuyên sâu duy nhất tại Việt Nam được thành lập dựa theo thoả thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 12/2014.

Các KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 (Bà Rịa – Vũng Tàu), KCN Nam Cầu Tiền (Hải Phòng) là 2 KCN điển hình về phát triển KCN bền vững, thông minh. Ngoài ra, việc thí điểm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái cũng đang diễn ra tại KCN Khánh Phú và KCN Gián Khẩu (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), KCN Trà Nóc 1 & 2 tại Cần Thơ.

Đáng chú ý, Việt Nam đang hướng tới việc quy hoạch và xây dựng mới các KCN sinh thái. Tuy nhiên, quá trình này đang đối mặt với không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn rất hạn chế, chính sách tài chính xanh chưa thực sự đi vào cuộc sống, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hình thành liên kết cộng sinh công nghiệp.

Nhận thức về phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chưa đầy đủ, một số địa phương chưa quyết liệt vào cuộc, thủ lập thành lập mới các KCN nói chung và KCN sinh thái nói riêng còn phức tạp và mất nhiều thời gian.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn KCN Việt Nam năm 2023 nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trong nước; phân tích, đánh giá xu hướng tất yếu và yêu cầu bức thiết về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên thế giới; thảo luận đề xuất các chính sách, giải pháp thiết thực nhằm thúc đầy phát triển KCN xanh, KCN sinh thái và KCN thông minh tại Việt Nam.

Theo ông Lương Trọng Nguyên, Phó Trưởng ban Quản lý KKT Dung Quất (Quảng Ngãi) cho biết, từ tháng 2/2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao cho ban KKT Dung Quất xây dựng quy hoạch 1/2000, định hướng theo quy hoạch là phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh, bền vững, mang tính chuyên biệt cho KKT Dung Quất. KKT Dung Quất có 6 khu công nghiệp gồm 3 khu truyền thống và 3 khu mới. Ban quản lý thống nhất chuyển đổi dần KCN hiện hữu theo hướng xanh, đối với KCN mới phát triển theo hướng KCN sinh thái. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đòi hỏi phải thay đổi công nghệ, thay đổi nhân lực, quy trình sản xuất thậm chí là chuyên sâu nên rất tốt kém.

Sắp tới, theo các chuyên gia, xu thế của KCN sẽ là mô hình sinh thái – xu hướng của thế giới; KCN đô thị dịch vụ - công nhân có chỗ ở và yên tâm làm việc; KCN thông minh là bắt buộc, quản lý, kết nối hệ thống điện, xử lý nước thải cần thông minh; KCN tích hợp logistics, nhà kho, bến cảng.

Thanh Thanh
Bạn đang đọc bài viết Khu công nghiệp Việt Nam 2023: Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh tại chuyên mục Nhịp cầu doanh nghiệp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan