"Không thể để 6 triệu hộ kinh doanh ngoài vòng pháp luật"

30/07/2019, 21:26

TCDN - Chủ tịch VCCI cho rằng, ở Việt Nam, mặc dù đa số doanh nghiệp là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nhưng không thể đứng ngoài chuyển đổi số.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, áp dụng hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu khi doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, áp dụng hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu khi doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.

“Không thể để 30% GDP với hơn 6 triệu hộ kinh doanh ra ngoài vòng pháp luật, phải đưa hộ kinh doanh thành đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Đây là cách tiếp cận khác để đưa hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, không bắt họ chịu thêm chi phí hay thủ tục nhưng phải nâng cấp, minh bạch hoá khu vực này”.

Phát biểu trên được TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại hội thảo tháo gỡ vướng mắc trong triển khai hóa đơn điện tử, chiều 30/7.

Vì sao chậm triển khai hóa đơn điện tử?

Theo ông Lộc, ở Việt Nam, mặc dù đa số doanh nghiệp là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nhưng không thể đứng ngoài chuyển đổi số.

“Thậm chí đây chính là nền tảng, là cuộc cách mạng để các doanh nghiệp nhỏ lớn lên, xoá đi khoảng cách giữa doanh nghiệp lớn và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đứng trên vai của kỹ thuật số thì sẽ trở thành người khổng lồ”, ông Lộc nhấn mạnh và nhận định, với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, quá trình nâng cấp các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là chuyển đổi số. 

Theo đó, ông Lộc cho rằng, minh bạch cũng là yếu tố để bảo vệ người yếu thế, mà chuyển đổi số, số hoá là cách để minh bạch hoá. Trong đó, áp dụng hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu khi doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số.

Chủ tịch VCCI đánh giá, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian (giảm tới 70% các bước quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn)...

“Đây thực sự là con số có ý nghĩa lịch sử với doanh nghiệp. Khi sử dụng hóa đơn điện tử, doanh nghiệp không cần chờ đợi nhận được hóa đơn theo đường bưu điện như cách làm truyền thống. Chỉ trong vài cú nhấp chuột, người mua hàng sẽ nhận được hóa đơn dù đang ở bất cứ nơi nào nếu có internet”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh. 

Đặc biệt, doanh nghiệp cũng không lo tình trạng bị thất lạc hóa đơn trong khi chờ chuyển phát. Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy như: Chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng và đặc biệt là giảm chi phí lưu trữ hóa đơn.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn, tăng cường khả năng bảo mật; giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn; không có rủi ro mất, nhàu nát như khi lưu trữ hóa đơn giấy...

Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Khi doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, về cơ bản, các thủ tục hành chính thuế của doanh nghiệp cũng được thực hiện điện tử. Cùng với đó, doanh nghiệp không phải đăng ký mẫu hóa đơn điện tử, không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế do phần mềm tạo hóa đơn điện tử cho phép tự xác định số lượng hóa đơn điện tử sử dụng.

Đối với các cơ quan quản lý, đặc biệt là đại diện cơ quan quản lý thuế, việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng giúp cơ quan thuế kịp thời ngăn chặn hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Ở góc độ khác, sử dụng hóa đơn điện tử góp phần bảo vệ môi trường, khắc phục được trình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn - lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên.

“Tuy nhiên, hiện tại chi phí áp dụng hóa đơn điện tử vẫn cao hơn nhiều so với việc doanh nghiệp tự in hóa đơn, đó là lý do đầu tiên doanh nghiệp không lựa chọn”, TS Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề.

Theo ông Lộc, việc áp dụng hóa đơn điện tử rất cần một hạ tầng kỹ thuật tốt. Bên cạnh đó, hiện thói quen sử dụng tiền mặt của người dân Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn tới hóa đơn điện tử “chậm” được áp dụng và triển khai trên quy mô lớn.

“Đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền về hành lang pháp lý và lợi ích của việc phát hành hóa đơn điện tử, để các doanh nghiệp hiểu rõ được những lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử và triển khai thực hiện sớm loại hình dịch vụ này”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Hướng tới mọi doanh nghiệp đều phải dùng hóa đơn điện tử”

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra hàng loạt thắc mắc về hóa đơn điện tử, trong đó có 2 vướng mắc và đã có văn bản gửi lên Tổng cục Thuế nhưng mới trả lời bằng lời, chưa có văn bản trả lời. Đó là thời điểm doanh nghiệp khởi tạo hóa đơn điện tử ví dụ là ngày hôm nay, nhưng ngày sau đó chữ kí điện tử mới có. Vậy lấy thời điểm nào để hợp pháp? Để kê khai thuế và xác định nghĩa vụ thuế thì ngày khởi tạo hóa đơn điện tử hay ngày ký? 

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết, trước đây bà đã đưa ý kiến này ra trao đổi với các đại biểu trong hội thảo hóa đơn điện tử tại Hà Nội và tại TP HCM. Tổng cục thuế đã trả lời trong buổi hội thảo đó là “trong trường hợp chữ kí sau thì lấy ngày hợp pháp là ngày lấy chữ kí số”. 

Sở dĩ như vậy là do khởi tạo hóa đơn chưa có chữ kí số thì chưa có hiệu lực thi hành, chưa hoàn thành thủ tục. Do đó, khi nào có bản khởi tạo và cả chữ kí số thì mới được coi là đã hoàn thiện.

Tuy nhiên, có thể thấy vấn đề khởi tạo và chữ kí số là rất thông dụng đối với các doanh nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, hóa đơn có mã xác thực là khi người bán hóa đơn gửi đến cơ quan thuế sẽ được cấp mã xác thực sau đó chuyển lại. Nhưng trường hợp thứ hai là họ không có mã, thì sau khi người bán, phát hành, khởi tạo hóa đơn chuyển đến cho người mua, sau đó lại quay hóa đơn đó thông báo về cho cơ quan thuế.

Thời điểm thông báo lại cho cơ quan thuế là hàng ngày, hàng tuần hay hàng quý cũng nên quy định rõ để các doanh nghiệp xác nhận nghĩa vụ của mình.

Liên quan đến đề xuất cần ban hành sớm thông tư hướng dẫn Nghị định 119, ông Nguyễn Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, sẽ tiếp thu vấn đề này. “Tuy nhiên, đây là nội dung rất lớn, không chỉ đơn thuần là các doanh nghiệp có điều kiện mới áp dụng hóa đơn điện tử mà hướng tới việc toàn bộ doanh nghiệp phải thực hiện hóa đơn điện tử. Điều này đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật thông tin lớn, cần thời gian để chuẩn bị nên không thể làm trong một sớm một chiều”, ông Tân nhấn mạnh. 

Liên quan đến câu hỏi của doanh nghiệp là phát hành hóa đơn theo Thông tư 39 hay theo Nghị định 119, ông Nguyễn Hữu Tân cho biết, trong giai đoạn chuyển đổi này, các doanh nghiệp đang thực hiện phát hành hóa đơn theo Thông tư 39 thì tiếp tục thực hiện không không phải dừng lại.

Nhật Nam
Bạn đang đọc bài viết "Không thể để 6 triệu hộ kinh doanh ngoài vòng pháp luật" tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận