Khu thương mại tự do: Lực hấp dẫn mới của Đà Nẵng
TCDN - Khu thương mại tự do Đà Nẵng đang trong quá trình xây dựng nhưng được kỳ vọng là mô hình tiên phong với thể chế ưu việt theo chuẩn quốc tế, đồng thời tạo động lực mới phát triển ngành logistics.
Ngày 14/11, Sở Công Thương Đà Nẵng cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics Tp. Đà Nẵng”. Đây là sự kiện lớn, quy mô quốc tế về Khu Thương mại tự do và lĩnh vực logistics lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng.
Diễn đàn là một trong những hoạt động cụ thể hoá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Tp. Đà Nẵng đã được Quốc hội khoá XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 26/6/2024 và Đề án “Phát triển dịch vụ logistics thành phố Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông – Tây giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Logistics - ngành quan trọng
Tại diễn đàn, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng cho biết, logistics là một trong những ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng được đề xuất phát triển theo mô hình đô thị kinh doanh tích hợp, gồm nhiều khu chức năng, khu sản xuất, trung tâm logistics, khu thương mại - dịch vụ và các loại hình khu chức năng khác theo quy định của pháp luật, nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển của thành phố.
Khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu và sân bay Đà Nẵng là điều kiện thuận lợi để thành phố trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào thành phố và vùng động lực kinh tế miền Trung.
Ông Trần Chí Cường cũng cho hay, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng vào cuối năm 2024 để sớm chính thức thành lập Khu thương mại tự do, tận dụng hiệu quả thời gian thí điểm theo Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội.
Trong giai đoạn tới, dịch vụ logistics tiếp tục được Đà Nẵng xác định là một ngành quan trọng, tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế xã hội. Thành phố đang quyết liệt đẩy nhanh tiến trình đầu tư các dự án trọng điểm như khu bến cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics tại sân bay Đà Nẵng cũng như các trung tâm logistics – cảng cạn.
Đà Nẵng cũng đang nỗ lực nghiên cứu xây dựng, áp dụng có hiệu quả các chính sách, quy định về phát triển dịch vụ logistics; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết để tạo điều kiện cho dịch vụ logistics phát triển, ông Trần Chí Cường cho biết.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trương Thanh Hoài - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, năm 2023, chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm đạt 14 - 16%/năm, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của ngành logistics, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Đà Nẵng là một trong những thành phố phát triển năng động và hiện đại của Việt Nam, đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở để thí điểm các chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước. Đây cũng là cơ hội thuận lợi đưa ngành dịch vụ logistics Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Khu thương mại tự do đóng góp trực tiếp vào GRDP của Đà Nẵng từ 1 - 2%, năm 2040 là 9,5% và năm 2050 là 17,9%. Số lượng lao động thu hút đến năm 2030 khoảng 21.000, năm 2040 khoảng 90.000 và năm 2050 là 127.000 lao động.
4 đề xuất cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Theo Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dựa trên các kinh nghiệm quốc tế từ Đức, Hà Lan, Singapore, Trung Quốc và UAE, Đà Nẵng có thể áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo để xây dựng khu thương mại tự do hiệu quả và bền vững. Triển khai công nghệ tiên tiến và tối ưu hóa quy trình logistics sẽ góp phần đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực miền Trung, mở rộng kết nối với thị trường toàn cầu, thúc đẩy xuất nhập khẩu và hội nhập quốc tế.
Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng trở thành động lực tăng trưởng bền vững và hiệu quả, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh đề xuất một số chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho khu vực này.
Thứ nhất, đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt. Điều này không chỉ bao gồm cảng biển và sân bay, mà còn là hệ thống giao thông kết nối, kho bãi và các trung tâm phân phối tiên tiến. Hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẽ giúp giảm chi phí lưu kho, rút ngắn thời gian vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu thương mại tự do.
Thứ hai, Đà Nẵng cần xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do. Các ưu đãi thuế và cơ chế hải quan thông thoáng sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thủ tục hành chính và thuận tiện trong thương mại quốc tế.
Thứ ba, phát triển bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao trong Khu thương mại tự do Đà Nẵng là một yêu cầu quan trọng. Đà Nẵng nên khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, thúc đẩy sản xuất xanh trong khu vực.
Thứ tư, chuyển đổi số là yếu tố không thể thiếu cho sự phát triển của Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng. Số hóa các quy trình quản lý kho bãi, theo dõi vận chuyển, xử lý thủ tục hải quan sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.
Kinh nghiệm từ Singapore, với hệ thống cảng biển và sân bay hiện đại, quản lý bằng công nghệ số hóa, đã đưa quốc gia này thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực. Đối với Đà Nẵng, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh cho rằng, các cảng biển Tiên Sa và Liên Chiểu cần được nâng cấp đồng bộ để mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa và đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Song song đó, phát triển các trung tâm logistics nội địa sẽ góp phần kết nối khu thương mại tự do với các khu vực lân cận và mở rộng thị trường quốc tế.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899