Khủng hoảng nợ Hằng Đại khiến giá vàng tăng
TCDN - Giá vàng tăng trong bối cảnh nhà đầu tư khắp thế giới tìm biện pháp phòng ngừa rủi ro trước biến cố của Tập đoàn Bất động sản Hằng Đại ở Trung Quốc.
Trong phiên giao dịch hôm 22/9, giá vàng tăng nhờ làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán và tâm lý chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn Comex kết phiên quanh mức 1.779,6 USD/ounce, tăng 1,35% trong ngày.
Bà Nicky Shiels, trưởng bộ phận chiến lượng kim loại tại hãng thương mại hàng hóa MKS Pamp Group, nhận định rằng khi tin tức về "bom nợ" Hằng Đại (Evergrande), tập đoàn động sản nổi tiếng của Trung Quốc, mới xuất hiện trên truyền thông, giá vàng hầu như không biến động. Song, tình hình đã thay đổi từ đó.
"Bê bối nợ của Hằng Đại đang gây ra một đợt bán tháo diện rộng. Chứng khoán Mỹ đã xác lập mức giảm mạnh nhất trong một ngày kể từ tháng 10 năm ngoái. Nỗi sợ vĩ mô phát sinh từ cuộc khủng hoảng của Evergrande đang tăng", bà Shiels phát biểu.
Xung chấn từ bê bối của Hằng Đại mạnh đến nỗi Sinic - một tập đoàn bất động sản Trung Quốc khác - phải tạm dừng giao dịch sau khi cổ phiếu giảm đến 87% chỉ trong một ngày.
"Hiện tượng thiên nga xám đang diễn ra ở thị trường châu Á. Chưa ai đứng ra giải quyết rắc rối nhưng đó lại là một lý do để kích thích nhà đầu tư chấp nhận rủi ro", bà Shiels lập luận.
Hằng Đại đang có khoản nợ phải trả khoảng 300 tỷ USD, nhiều hơn mọi doanh nghiệp bất động sản trên thế giới. Ngày 23/9, họ phải thanh toán khoản tiền lãi trái phiếu 83,5 triệu USD. Nếu không thể thanh toán trong vòng 30 ngày, có thể Hằng Đại phải tuyên bố vỡ nợ.
Kitco New nhận định, tình hình đang dần nóng lên khi thời điểm đáo hạn của khoản nợ 83,5 triệu USD đến gần. Giới đầu tư đang rất lo lắng về phản ứng dây chuyền của vụ việc.
"Trong khi thị trường tập trung vào các chính sách kiểm soát hà khắc của Trung Quốc đối với mọi thứ từ cổ phiếu của các công ty công nghệ, lĩnh vực hàng hóa đến giới siêu giàu, thì những lo ngại ngày càng lớn về Hằng Đại lại làm bật lên một vấn đề mang tính cấu trúc khác tại Trung Quốc", bà Shiels giải thích.
"Rắc rối chính là việc Bắc Kinh đã đầu tư sai cách theo quy mô lớn trong nhiều năm, bắt đầu từ năm 2009. Sự sai lầm ấy dẫn đến nhiều thành phố ma, và giờ chúng đang trở lại ám ảnh nhà đầu tư", bà Shiels nhấn mạnh.
Tình trạng bất ổn đã buộc nhà đầu tư phải tìm các tài sản trú ẩn, do đó vàng mới được quan tâm mạnh trong tuần này. Đây là một thay đổi lớn đối với vàng sau khi giá kim loại quý này tụt từ 1.807 USD xuống còn 1.750 USD/ounce vào tuần trước.
"Giới đầu tư đang đổ dồn vào các tài sản trú ẩn, từ trái phiếu kho bạc Mỹ, đồng USD đến vàng", bà Shiels nhấn mạnh. Theo bà, nếu giá vàng tăng tiếp, mô hình giao dịch đáng thất vọng trong thời gian gần đây có thể đảo chiều.
"Nếu giá vàng tăng tiếp, cú hích tương đối mới này là rất đáng chú ý và có thể đánh dấu lần thứ hai trong năm nay, vàng trở thành một tài sản phòng ngừa rủi ro trong mắt nhà đầu tư. Lần đầu là khi chứng khoán bị bán tháo trong hai ngày 18, 19/8", bà Shiels nhấn mạnh.
Hai rủi ro lớn nhất đối với vàng trong tương lai là khả năng đồng USD phục hồi và các quỹ ETF xả mạnh vàng, bà Shiels lưu ý thêm.
Ông Steve Hanke, giáo sư kinh tế học ứng dụng tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng sự sụp đổ của Hằng Đại báo hiệu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể chững lại.
"Nếu bom nợ Hằng Đại gây ra ảnh hưởng lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vàng sẽ chịu thiệt hại vì Trung Quốc là một khách hàng lớn. Nếu kinh tế Trung Quốc chững lại, nhu cầu mua vàng của nước này sẽ giảm tốc và đương nhiên giá vàng sẽ khó giữ vững xu hướng tăng giá mà chúng ta đang thấy", ông Hanke giải thích.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899