Kiểm định chi bình phương và trung bình mẫu độc lập trong phân tích hiệu quả kinh tế sản xuất lúa theo CN mới

26/06/2023, 21:59
báo nói -

TCDN - Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích hiệu quả hoạt động sản xuất lúa của nông dân áp dụng công nghệ mới và nông dân canh tác theo truyền thống.

4-1

TÓM TẮT:

Nghiên cứu được thực hiện nhằm phân tích hiệu quả hoạt động sản xuất lúa của nông dân áp dụng công nghệ mới và nông dân canh tác theo truyền thống. Bằng kiểm định Chi bình phương và Trung bình mẫu độc lập, kết quả cho thấy có sự khác biệt giữa nông dân sản xuất lúa dự tập huấn công nghệ mới và không dự tập huấn. Nghiên cứu nhận diện được 3 yếu tố: giảm lượng giống, phân và thuốc hóa học có ảnh hưởng đến tăng thu nhập, giá bán, tỷ suất lợi nhuận và giảm giá thành sản xuất lúa. Có thể thấy rằng việc áp dụng công nghệ mới đã mang lại lợi ích cao cho người trồng lúa cũng như nâng cao thu nhập cho người nông dân.

1. Giới thiệu

Huyện Mộ Đức được biết đến là vựa lúa của tỉnh Quảng Ngãi. Toàn huyện Mộ Đức hiện có hơn 5.500 ha diện tích trồng lúa. Với tổng sản lượng lúa hàng năm hơn 70.000 tấn. Huyện Mộ Đức đã xây dựng 29 cánh đồng mẫu lớn, hơn 1.000 ha lúa chất lượng cao. Với sản lượng, năng suất lúa luôn đứng thứ hạng đầu của tỉnh. Thời gian gần đây, huyện Mộ Đức đã tập trung nhiều giải pháp đa dạng hóa, nâng cao giá trị các sản phẩm từ lúa, gạo, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Tuy nhiên, người sản xuất lúa vẫn phải đương đầu với những biến động giá, thu nhập và rủi ro từ những biến đổi bất thường của môi trường - thời tiết và nhất là sự cạnh tranh gay gắt của thị trường. Làm cách nào để giúp nông dân sản xuất lúa ổn định và nâng cao thu nhập. Bài viết này phân tích hiệu quả hoạt động sản xuất lúa của nông dân áp dụng công nghệ mới và nông dân canh tác theo truyền thống bằng kiểm định Chi bình phương và Trung bình mẫu độc lập.

2. Cở sở lý thuyết và mô hình định lượng

2.1. Cơ sở lý thuyết

Theo Feber và Slade (1993), và Van den Ban (1996), tổ chức khuyến nông làm cầu nối giữa nơi tạo ra công nghệ mới và người ứng dụng nó (nông dân). Thông qua các chương trình huấn luyện, các hộ cộng tác viên hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống khuyến nông chuyển giao cho các công nghệ mới đến nông dân (ND). Kết quả áp dụng của các hộ nông dân được huấn luyện sẽ tạo ra sự lan truyền ứng dụng cho các nông dân khác trên địa bàn. Do đó, hệ thống khuyến nông có vai trò quyết định đối với việc nâng cao kiến thức nông nghiệp cho nông dân và đưa các công nghệ mới vào ứng dụng một cách nhanh chóng và phổ biến cho đại đa số nông dân.

Nghiên cứu kỹ thuật “Ba giảm ba tăng” (3G3T) (Nguyễn Hữa Huân, 2010). Ba giảm là: giảm lượng giống, giảm phân vô cơ, giảm thuốc trừ sâu bệnh; Ba tăng là: tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng lợi nhuận. Gói kỹ thuật “Một phải năm giảm” (1P5G) là sự mở rộng kỹ thuật “Ba giảm ba tăng”, thêm việc phải dùng giống xác nhận, giảm sử dụng nước tưới bằng cách áp dụng kỹ thuật tưới nước - khô xen kẽ và giảm thất thoát sau thu hoạch, chủ yếu là dùng máy gặt đập liên hợp và phơi, sấy đúng kỹ thuật. Mục tiêu của ứng dụng công nghệ mới nhằm giúp ND nâng cao hiệu quả sản xuất lúa: Giảm chi phí, giá thành, tăng giá bán và nâng cao tỷ suất lợi nhuận và nhất là quan tâm đến sử dụng hợp lý liều lượng hóa chất nhằm tránh ô nhiễm môi trường.

2.2. Mô hình lượng hóa

2.2.1. Nguyên lý kiểm định Trung bình mẫu độc lập (Independent Sample T - Test) và kiểm định Chi bình phương (Chi - Square test).

Nghiên cứu thực hiện chương trình điều tra, lấy mẫu ngẫu nhiên, theo phương pháp phân tầng. Đánh giá sự khác biệt về thực hiện các biện pháp kỹ thuật giữa hộ ND áp dụng công nghệ mới (NDTH) và ND canh tác theo tập quán (NDTT) bằng kiểm định Trung bình mẫu độc lập (Independent Sample T - Test) và kiểm định Chi bình phương (Chi - Square test).

Biến định tính như Nông dân sản xuất lúa dự tập huấn công nghệ mới và không dự tập huấn. ND dự tập huấn có giá trị 1, ND không dự tập huấn có giá trị 0. Kiểm định Chi bình phương cho biết có hay không có mối quan hệ giữa hai biến này. Nếu Sig. của Chi bình phương < 0,05 thì hai biến có mối quan hệ với nhau với độ tin cậy 95%.

Biến định lượng như Lượng giống gieo sạ trên một hecta (kg). Kiểm định Trung bình mẫu độc lập cho biết giá trị trung bình về lượng giống gieo sạ trên một hecta của NDTH và NDTT. Nếu giá trị Sig. trong kiểm định Levene < 0,05 thì sử dụng kết quả kiểm định t ở phần phương sai bằng nhau không được giả định. Nếu Sig. của phần này < 0,05, kết luận giá trị trung bình của yếu tố giữa hai nhóm là khác biệt có ý nghĩa với độ tin cậy 95%.

Nếu giá trị Sig. trong kiểm định Levene bé hơn hoặc bằng 0,05 thì sử dụng kết quả kiểm định t ở phần phương sai bằng nhau được giả định. Nếu Sig. của phần này < 0,05, kết luận giá trị trung bình của yếu tố giữa hai nhóm là khác biệt có ý nghĩa với độ tin cậy 95%.

2.2.2. Định lượng các biến

Trong nghiên cứu này, các biến được định nghĩa như sau:

1b

3. Phân tích các kiểm định dựa trên chương trình SPSS

3.1. Kiểm định Chi bình phương với các biến định tính - định tính

Nghiên cứu mẫu gồm 315 ND, trong đó 177 ND tham gia và 138 ND không tham gia các lớp tập huấn 3G3T hoặc 1P5G. Kết quả kiểm định Chi bình phương như sau:

b1

Theo kết quả trên, đối với nhóm ND không dự tập huấn, chỉ có 42,9% áp dụng kỹ thuật “Giống xác nhận”, trong khi tỷ lệ này đối với ND dự tập huấn là 57,4%.

b2

Giá trị Chi-Square là 7,192 và Sig. = 0,006 < 0,05. Như vậy, sự khác biệt về sử dụng giống có xác nhận của hộ nông dân được tập huấn và sản xuất truyền thống có ý nghĩa với độ tin cậy 95%. Dựa vào kết quả này có thể khẳng định ND sản xuất lúa được huấn luyện của khuyến nông ở Quảng Ngãi sử dụng kỹ thuật mới về giống xác nhận nhiều hơn là ND canh tác theo truyền thống.

b3

Theo kết quả trên, đối với nhóm ND không dự tập huấn, chỉ có 75,2% áp dụng cách thức cắt tay; 13,5% áp dụng máy cắt xếp dây; 11,3% áp dụng máy cắt đập liên hợp.

b4

Giá trị Chi-Square là 1,234 và Sig. = 0,055 > 0,05. Như vậy, không có sự khác biệt về cách thức thu hoạch của hộ nông dân được tập huấn và sản xuất truyền thống có ý nghĩa với độ tin cậy 95%.

b5

Theo kết quả trên, đối với nhóm ND không dự tập huấn, có đến 70,5% phun thuốc trừ sâu, trong khi đó ND dự tập huấn chỉ có 29,5% phun thuốc trừ sâu. Giá trị Chi-Square là 8,012 và Sig. = 0,000 < 0,05. Như vậy, có sự khác biệt về việc phun thuốc trừ sâu của hộ nông dân được tập huấn và sản xuất truyền thống có ý nghĩa với độ tin cậy 95%.

b6

Như vậy, bằng kiểm định Chi bình phương các biến “Giống xác nhận”, “Không phun thuốc”có ý nghĩa với độ tin cậy 95%; biến “Thất thoát” sau thu hoạch có Sig. > 0.05, không có ý nghĩa với độ tin cậy 95%, nên ta không thể kết luận gì về sự khác biệt sử dụng công nghệ sau thu hoạch của hai nhóm ND mặc dù giá trị thống kê có sự khác nhau.

3.2. Kiểm định Trung bình mẫu độc lập đối với các biến định lượng - định tính

3.2.1. Kết quả thống kê các biến định lượng

b7

Theo kết bảng 7. Mức khác biệt về các biến của NDTH và NDTT là: Lượng phân đạm:14,9350 (kg/ha); Lượng hoạt chất thuốc trừ sâu rầy: 284,0313 (gam/ha); Lượng hoạt chất thuốc cỏ: 52,0861 (gam/ha); Số lần bơm nước trong suốt vụ: 0,771 (lần); Lượng giống gieo sạ trên 1ha: 23,9125 (kg); Đơn giá 1kg lúa: 242,616 (đồng); Doanh thu 1ha: 1782025; Tổng chi phí:1082822 (đồng/ha); Lợi nhuận trên 1ha: 3069005 (đồng/ha); Giá thành: 243.902 (đồng/kg) và Tỷ lệ lãi theo chi phí là 0.2691.

3.2.2. Kết quả kiểm định trung bình mẫu độc lập

b8

Theo kết quả bảng trên cho thấy tất cả các biến đều có ý nghĩa với độ tin cậy từ 95% đến 99%, ngoại trừ Lượng thuốc trừ sâu rầy.

- Với độ tin cậy 99%, các biến có ý nghĩa là: Lượng phân đạm, Lượng giống gieo sạ trên 1ha, Đơn giá bán 1kg lúa, Doanh thu 1ha, Lợi nhuận trên 1ha và Phẩm cấp giống.

- Với độ tin cậy 95%, các biến có ý nghĩa là: Lượng hoạt chất thuốc cỏ trên 1ha và tổng chi phí trên 1ha.

4. Kết luận

Qua những kết quả phân tích trong nghiên cứu cho thấy:

+ Đối với công nghệ mới (1P5G), ND được tập huấn của hệ thống khuyến nông (NDTH): ND được tập huấn qua hệ thống khuyến nông đã áp dụng công nghệ mới so với ND sản xuất truyền thống tính trên 1ha: Phải dùng gống xác nhận, giảm lượng: giống; Phân hóa học; Thuốc hóa học; Nước. Yếu tố giảm thất thoát sau thu hoạch không có ý nghĩa thống kê.

+ Đối với hiệu quả kinh tế của áp dụng công nghệ mới (1P5G). ND được huấn luyện qua hệ thống khuyến nông và áp dụng công nghệ mới nên đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với ND sản xuất truyền thống (tính trên 1ha): Giảm được chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm; tăng được chất lượng sản phẩm nên giá bán tăng; tăng lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận.

Như vậy, chương trình khuyến nông sản xuất lúa theo công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Với quyết tâm trong sự chuyển biến tích cực về nhận thức của nông dân sẽ là nhân tố xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nâng tầm giá trị hạt gạo Mộ Đức trong thời gian không xa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.https://khuyennong.quangngai.gov.vn/i2036-mo-duc-nang-tam-gia-tri-cac-san-pham-lua,-gao.aspx

2. https://www.phamlocblog.com/2020/08/kiem-dinh-chi-binh-phuong-spss.html

3. https://vanban.quangngai.gov.vn/thongtin/vanban/index?idType=2&idCQ=1#pagination

4. Đinh Phi Hổ (2011), “Phương pháp nghiên cứu định lượng và những nghiên cứu thực tiễn trong Kinh tế Phát triển - nông nghiệp”, NXB Phương Đông.

5. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), “Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS”, NXB Hồng Đức.

6. Nguyễn Hữu Huân và cộng sự (2010), “Implementation of ‘3 Reductions, 3 Gains practicesin rice production in VietNam’, VietNam: Fifty Years of Rice Research and Development, Agriculture Publishing House, Hanoi - Vietnam.

ThS. Phạm Viết Thanh Tùng

Trường Đại học Tài chính - Kế toán

Tạp chí in số tháng 6/2023
Bạn đang đọc bài viết Kiểm định chi bình phương và trung bình mẫu độc lập trong phân tích hiệu quả kinh tế sản xuất lúa theo CN mới tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận