Kiểm soát chặt việc sử dụng nguồn vay ngân quỹ nhà nước
TCDN - Bộ Tài chính đã thường xuyên rà soát, theo dõi, đánh giá kỹ việc phát hành trái phiếu Chính phủ gắn với nhu cầu chi đầu tư phát triển, trả nợ gốc của ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có nội dung liên quan đến đánh giá việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP).
Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, đã thường xuyên rà soát, theo dõi, đánh giá kỹ việc phát hành TPCP gắn với nhu cầu chi đầu tư phát triển, trả nợ gốc của ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm được Quốc hội phê chuẩn và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính đã bám sát tình hình thu, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và kế hoạch trả nợ gốc của ngân sách Trung ương (NSTW), tổ chức huy động vốn TPCP với khối lượng phù hợp.
Theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2023, tổng mức vay của NSNN năm 2023 là 648.213 tỷ đồng; trong đó, mức vay của NSTW là 621.015 tỷ đồng (bao gồm 430.500 tỷ đồng bù đắp bội chi NSTW và 190.515 tỷ đồng chi trả nợ gốc đến hạn).
Căn cứ nhu cầu vay và khả năng vay từ thị trường, trước mắt Bộ Tài chính giao Kho bạc Nhà nước (KBNN) kế hoạch phát hành TPCP năm 2023 là 400.000 tỷ đồng.
Thực hiện nhiệm vụ huy động vốn hàng năm và kế hoạch vay hàng quý được giao, KBNN đã theo dõi tình hình thu, trả nợ gốc vay của NSTW và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSTW để tổ chức điều hành khối lượng vay phù hợp với nhu cầu cân đối của NSTW và tình hình thị trường.
Kết quả đến hết tháng 8/2023, tổng khối lượng phát hành TPCP là 230.511 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch năm 2023 (trong đó: 145.547 tỷ đồng để trả nợ gốc và 84.964 tỷ đồng còn lại cho chi đầu tư phát triển).
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, cân đối NSTW và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 27/10/2023, đã thực hiện phát hành 264,4 nghìn tỷ đồng TPCP.
Kỳ hạn phát hành bình quân đạt 12,33 năm, phù hợp với mục tiêu về kỳ hạn nêu tại các Nghị quyết của Quốc hội; thời gian đáo hạn bình quân của danh mục TPCP là 9,19 năm; lãi suất phát hành bình quân là 3,44%/năm, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát hành TPCP và quản lý NSNN, quản lý nợ công.
Các con số nêu trên, về cơ bản đã tiếp tục được cải thiện so với năm 2022. Năm 2022, kỳ hạn phát hành TPCP bình quân là 12,67 năm; thời gian đáo hạn bình quân của danh mục là 9,14 năm; lãi suất phát hành bình quân là 3,48%/năm).
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vay ngân quỹ nhà nước theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công và pháp luật về quản lý ngân quỹ nhà nước.
Về vay/tạm ứng, thực hiện Nghị quyết số 53/2022/QH15 ngày 15/6/2022 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020, Bộ Tài chính đã cho NSTW vay 14.845,969 tỷ đồng để bù đắp bội chi NSTW năm 2020.
Đối với ngân sách địa phương, không phát sinh tạm ứng ngân quỹ nhà nước 6 tháng đầu năm.
Về hoàn trả, dự toán trả nợ ngân quỹ nhà nước của NSTW năm 2023 Quốc hội quyết định là 40.000 tỷ đồng. NSTW đã thực hiện hoàn trả 40.000 tỷ đồng, đảm bảo trong phạm vi dự toán đã được Quốc hội phê duyệt.
Như vậy, việc vay, tạm ứng ngân quỹ nhà nước của NSNN đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý ngân quỹ nhà nước.
Bên cạnh các nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, đã bố trí nguồn để hoàn trả đầy đủ các khoản vay nợ kéo dài nhiều năm và báo cáo Quốc hội trong dự toán, quyết toán NSNN hằng năm.
Theo quy định của Luật NSNN, việc trả nợ lãi được cân đối trong tổng chi NSNN hằng năm. Ngoài ra, trả nợ gốc không nằm trong cân đối trong tổng chi NSNN hằng năm; vay của NSNN bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN; số tăng thu được ưu tiên sử dụng cho giảm bội chi, tăng chi trả nợ, bao gồm trả nợ gốc và lãi…
Với các quy định nêu trên và trong điều kiện còn bội chi NSNN hiện nay, ở khâu dự toán, đã và tiếp tục ưu tiên bố trí chi đầy đủ, đúng hạn toàn bộ các nghĩa vụ trả lãi của NSNN; trả nợ gốc được thực hiện thông qua vay mới hoặc từ nguồn tăng thu, phù hợp với khả năng cân đối NSNN và sự phát triển của thị trường tài chính trong nước.
Riêng đối với chi trả nợ gốc và các khoản vay ngân quỹ nhà nước, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền bố trí 30 nghìn tỷ đồng năm 2022 và 40 nghìn tỷ đồng năm 2023; đồng thời, kiến nghị bố trí một phần trả nợ từ nguồn tăng thu NSTW năm 2022.
Trong thời gian tới, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục thường xuyên rà soát, theo dõi, đánh giá kỹ việc phát hành TPCP gắn với nhu cầu chi đầu tư phát triển, trả nợ gốc của ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nguồn vay ngân quỹ nhà nước.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899