Tăng trưởng xuất khẩu: Doanh nghiệp loay hoay tiếp cận vốn, tìm thị trường mới
TCDN - Việc năng lực cạnh tranh yếu, khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiếp cận nguồn vốn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu… khiến tăng trưởng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa dù đạt tốc độ cao nhưng chưa thật sự bền vững trong trung và dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng tiềm ẩn nhiểu rủi ro
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10/2023 ước đạt 61,62 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, về xuất khẩu, trong tháng 10/2023 ước đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI) nhận định, tiềm năng, cơ hội để phát triển hoạt động xuất khẩu là rất lớn khi Việt Nam hội nhập sâu rộng toàn cầu, ký kết nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiến trình chuyển đổi số, xu thế phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử…
Tuy nhiên, thực tế cũng còn không ít những thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam về năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm hàng hóa, các quy định cần tuân thủ của các thị trường xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó là khó khăn trong tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các thị trường mới, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, máy móc, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đáp ứng các thị trường xuất nhập khẩu.
Theo các Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trong những năm gần đây đều cho thấy, “tiếp cận tín dụng” và “tìm kiếm khách hàng” luôn luôn là hai vấn đề khó khăn lớn nhất doanh nghiệp gặp phải.
Mới đây nhất, báo cáo PCI 2022 vừa công bố cũng chỉ rõ, 55,6% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng và 55,1% khó tìm kiếm khách hàng.
Cũng chỉ rõ những hạn chế trong xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho hay, tính đến năm 2021, có khoảng gần 97.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, tương đương 11,5%, tham gia vào xuất nhập khẩu trực tiếp. Như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Ông Hội đánh giá, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang không ngừng mở rộng khả năng xuất nhập khẩu thông qua đa dạng thị trường, gia tăng quy mô thương mại, cải thiện cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực, tận dụng ưu đãi từ các FTA đã ký kết…
Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là đầu ra sản phẩm và vấn đề tín dụng. Về đầu ra sản phẩm, hiện nay tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp khối này cao nhưng chưa có sự bền vững trong trung và dài hạn, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu ổn định.
Nguyên nhân là do năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của đối tượng này còn thấp và chậm được cải thiện, nhất là đối với các mặt hàng chế biến, chế tạo, hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm đúng mức tới yếu tố bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường trong sản phẩm xuất khẩu hay quá trình sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Cơ hội tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và việc thụ hưởng thành quả từ tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chưa đồng đều so với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế.
Một nguyên nhân nữa là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu, yếu về các chiến lược, không có chiến lược kinh doanh bài bản theo hướng khai thác lợi thế so sánh trong thương mại quốc tế. Do thiếu kiến thức và kỹ năng hoạt động kinh doanh trên thị trường thế giới, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát sinh cạnh tranh lẫn nhau, thiếu tính liên kết và không có thương hiệu trên thị trường thế giới.
Vẫn là “tiếp cận tín dụng” và “tìm kiếm khách hàng”
Để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo bà Tâm, “tiếp cận tín dụng” và “tìm kiếm khách hàng” chính là hai vấn đề quan trọng cần tháo gỡ.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất kinh doanh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với đa dạng các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ chất lượng quốc tế.
TS. Nguyễn Văn Hội cũng đưa ra nhiều giải pháp quan trọng. Cụ thể như doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
Theo ông Hội, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường quản trị chiến lược doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh gắn với nhu cầu thị trường xuất khẩu, đảm bảo phát triển bền vững.
Cùng với đó, cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt thông tin liên quan đến thị trường xuất khẩu, pháp luật về hoạt động kinh doanh, thương mại, các nhà nhập khẩu tiềm năng, cùng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và môi trường, đóng gói và nhãn hiệu, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa để tuân thủ và thực thi hiệu quả.
Khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển thị trường của doanh nghiệp nhỏ và vừa cho từng sản phẩm, đảm bảo phát huy lợi thế và thực thi hiệu quả cam kết trong các FTA song phương, khu vực và đa phương mà Việt Nam tham gia, nhất là các FTA thế hệ mới.
Đồng thời, tăng cường xây dựng bản sắc, thương hiệu, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh xuất khẩu.
Mặt khác, cần đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu phân khúc thị trường, xác định thị trường trọng điểm và tiềm năng đối với sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó xác định đối tác nhập khẩu mục tiêu…
Về chính sách tài chính, tín dụng, cần có cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay lãi suất thấp, vốn vay theo cơ chế ưu đãi để tăng mạnh vốn đầu tư phát triển xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu và bổ sung cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay đầu tư đổi mới công nghệ - một nhu cầu tất yếu và sự sống còn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các chuyên gia nhận định, đẩy mạnh chuyển đổi xanh (xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên), chuyển đổi số sẽ giúp khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu. Cụ thể, chuyển đổi xanh thông qua áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong sản xuất.
Bà Cao Cẩm Linh, Trưởng ban Nghiên cứu Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) cho rằng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là vấn đề cần thiết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước nhằm đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng.
Bà Linh lấy ví dụ về ngành dệt may, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD, khi xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng mới bắt đầu, ngành được kỳ vọng đón nhiều nhà đầu tư lớn từ nước ngoài vào.
Tuy nhiên, dòng chảy vốn đầu tư ngành này lại đổ vào Bangladesh, nguyên nhân là vì quốc gia này đã ‘xanh hóa” rất nhanh ngành dệt may của mình. Rất nhiều nhà máy tại Bangladesh hiện nay đã đáp ứng được tiêu chuẩn xanh. Bằng chứng là 9/10 nhà máy "xanh" lớn nhất thế giới của ngành dệt may nằm ở Bangladesh.
Bích Hảo
email: [email protected], hotline: 086 508 6899