Kinh tế chia sẻ: "Chứa đựng những rủi ro và hệ lụy không mong muốn"

11/10/2019, 07:11

TCDN - Theo chuyên gia kinh tế, mô hình kinh tế chia sẻ có “nhược điểm” là tốc độ phát triển quá nhanh, trong khi bộ máy quản lý của Nhà ước không chuẩn bị kịp cho sự bùng nổ của thị trường.

photo1536165016083-15361650160831251620116

Trong vài năm gần đây, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đã tạo nên một thời đại “công nghệ số”. Theo đó, việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực đời sống trở thành xu hướng phát triển tất yếu của xã hội.

Dựa trên kinh tế nền tảng, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đạt được những bước tiến nhanh chóng với sự ra đời của hàng loạt mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số. Mô hình kinh doanh mới gần gũi và phổ biến nhất là mô hình KTCS.

Đề cập đến mô hình KTCS, tại hội thảo "Đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ" ngày 10/10, TS Nguyễn Mạnh Hải - Trưởng ban nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định: "mục tiêu quan trọng nhất của đề án là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo. Một lái xe Grab, Uber phải đăng ký như một pháp nhân doanh nghiệp, phải đóng thuế đầy đủ theo thu nhập, phải đáp ứng việc bảo đảm an toàn cho người sử dụng dịch vụ."

Đồng quan điểm trên, song theo TS.Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, bên cạnh mặt tích cực, mô hình KTCS cũng tạo ra nhiều thách thức lớn, chứa đựng rủi ro và các hệ lụy xã hội không mong muốn.

Đơn cử như trong dịch vụ chia sẻ phương tiện giao thông, thách thức dễ nhận thấy nhất là áp lực cạnh tranh rất lớn giữa Grab (còn được gọi là taxi công nghệ) với các hãng taxi truyền thống. Bên cạnh đó là những thách thức đối với hệ thống quản trị truyền thống, cả ở cấp độ vi mô (quản trị công ty) lẫn cấp độ vĩ mô (quản lý nhà nước).  

Tuy nhiên, mô hình này có một “nhược điểm” là tốc độ phát triển quá nhanh. Bộ máy quản lý của Nhà ước sẽ không chuẩn bị kịp cho sự bùng nổ của thị trường, nên phát sinh nhiều rắc rối như hiện nay, đặc biệt là sự quá tải sức chứa của các bãi đỗ xe hay những khiếu kiện của người dân khi không được trả lại số tiền đặt cọc đầy đủ, chủ xe bị người dùng lấy luôn xe… 

Đánh giá về sự đáp ứng của hệ thống pháp luật hiện hành đối với mô hình KTCS, Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: "Trong hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động của mô hình KTCS nổi lên một số điểm bất cập.

Cụ thể, hệ thống pháp luật hiện còn thiếu các chính sách bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và KTCS trong từng ngành cụ thể. Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng; thiếu các cơ chế chính sách quy định trách nhiệm rõ ràng hơn của các bên trong KTCS.

Ngoài ra, còn thiếu hoặc chưa hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh doanh ở Việt Nam…"

Bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho kinh tế chia sẻ, cũng cần tháo bớt rào cản cho hoạt động kinh doanh truyền thống để hai hoạt động kinh doanh này tiệm cận nhau, cùng kinh doanh trên một mặt bằng, tạo bình đẳng kinh doanh.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, trước những bất cập của hệ thống pháp luật, để xây dựng một khung khổ pháp luật đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho mô hình KTCS - vốn là một đặc trưng của CMCN 4.0, trước hết, các bộ, ngành cần chủ động, nhanh chóng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cụ thể cho mô hình kinh doanh chia sẻ, theo hướng tạo quy định rõ ràng, thuận lợi cho đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp. Các quy định cần được xây dựng trên cơ sở đánh giá rủi ro mà mô hình KTCS có thể gây ra trên thực tế.

Ở các lĩnh vực có tiềm năng rủi ro cao như tài chính, ngân hàng, vận tải… cần xây dựng khung thể chế thí điểm để các doanh nghiệp hoạt động thử nghiệm, dần dần hoàn thiện công nghệ và đáp ứng các yêu cầu quản lý.

Ví dụ, về ví điện tử, có thể cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử trong giới hạn cho phép, được chi tiêu trong một giới hạn nhất định và có thể cấm sử dụng vào một số mục đích, cấm trả tiền cho một số đối tượng nhất định. Tương tự, có thể cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng với một số đối tượng hạn chế, quy mô tín dụng hạn chế nhưng được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền, nghĩa vụ các bên.

Song song với đó, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình KTCS và kinh tế truyền thống theo hướng rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với lĩnh vực kinh doanh truyền thống để thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số, trong đó có KTCS...

Ngoài ra cần có các chương trình khuyến khích các mô hình kinh doanh mới giúp thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống hoặc tạo ra những hoạt động, mô hình kinh doanh mới đột phá. Theo đó, mô hình này sẽ giúp tận dụng nguồn tài nguyên chưa khai thác hết; cơ hội tạo ra các công việc mới, phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời giúp đưa ứng dụng công nghệ vào các mô hình kinh doanh truyền thống nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Lê Khôi
Bạn đang đọc bài viết Kinh tế chia sẻ: "Chứa đựng những rủi ro và hệ lụy không mong muốn" tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan