OECD công bố đề xuất tạo nền tảng chung cho việc đánh thuế các hãng công nghệ

10/10/2019, 10:10

TCDN - Ngày 9/10, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố những đề xuất "tiếp cận chung" trong vấn đề đánh thuế các hãng công nghệ lớn một cách công bằng.

Đây là nỗ lực nhằm tháo gỡ xung đột giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu về vấn đề này. Hồi đầu năm, Pháp đã thông qua luật riêng về việc đánh thuế các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon. Paris cho rằng những hãng công nghệ lớn phải trả thuế cho những khoản thu mà họ có được khi hoạt động tại một quốc gia bất kể họ đặt trụ sở ở đâu.

Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của Anh nhưng Washington thì lo ngại luật này chỉ nhắm tới các công ty Mỹ. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới sau đó đã thống nhất rằng OECD nên đưa ra các đề xuất giúp hình thành một nền tảng đàm phán trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) để tiến tới một hiệp ước quốc tế vào năm 2020.

Trong thông báo mới đưa ra, OECD cho biết đề xuất mới của khối sẽ giúp đảm bảo những doanh nghiệp đa quốc gia quy mô lớn và có lợi nhuận cao, bao gồm cả các công ty công nghệ, sẽ phải trả thuế ở bất kể nơi nào họ có hoạt động quan trọng và tạo ra lợi nhuận.

Đề xuất này đồng nghĩa với việc tái phân bổ lợi nhuận và quyền đánh thuế tương ứng cho các quốc gia và hệ thống luật pháp tại các quốc gia, nơi các công ty công nghệ có hoạt động thị trường. Như vậy, đối tượng chịu tác động là các công ty đa quốc gia có nguồn thu từ hoạt động cung cấp sản phẩm hoặc các dịch vụ công nghệ số cho người tiêu dùng.

OECD gọi đây là cách tiếp cận chung vì bao gồm các yếu tố chung tổng hợp từ 3 đề xuất của các quốc gia thành viên. Theo luật mới, các công ty cũng sẽ bị đánh thuế tại những quốc gia mà họ có hoạt động quan trọng kể cả khi không hiện diện vật chất tại các quốc gia này.

Trong khi theo hệ thống luật hiện hành, các công ty nước ngoài chỉ bị đánh thuế ở quốc gia mà họ có hiện diện vật chất như đặt văn phòng hoặc nhà máy. Dựa vào đó, nhiều công ty đa quốc gia như các công ty công nghệ đã mở rộng kinh doanh tại các quốc gia mà họ không đặt cơ sở vật chất để giảm gánh nặng thuế.

Tổng thư ký OECD Angel Gurria khẳng định đề xuất mới là một bước tiến thực chất trong việc giải quyết những thách thức thuế quan trong thời đại kinh tế số và sẽ tiếp tục được cải thiện để hướng tới một giải pháp chung giúp cải tổ hệ thống thuế quan quốc tế trước năm 2020.

Ông cũng bày tỏ lo ngại nếu không thể tiến tới thỏa thuận trước năm 2020, các quốc gia có thể sẽ hành động đơn phương, gây ra những hậu quả tiêu cực với nền kinh tế toàn cầu vốn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. OECD cho biết đề xuất sẽ chính thức được công bố tại Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20, dự kiến diễn ra tại Washington trong hai ngày 17-18/10.

Pháp từng khẳng định sẽ tự động gỡ bỏ luật riêng nếu các bên thống nhất luật quốc tế. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhận định đề xuất trên rất tốt và kêu gọi các quốc gia thành viên OECD sớm ký kết thỏa thuận trong năm 2020. Liên minh châu Âu (EU) trước đó cũng cảnh báo sẽ thiết lập một hệ thống thuế riêng nếu các bên không thể đạt thỏa thuận vào năm tới./.

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết OECD công bố đề xuất tạo nền tảng chung cho việc đánh thuế các hãng công nghệ tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chiến thuật né thuế của Google
Là đại gia có tiếng trong làng công nghệ nổi bật với khả năng kiếm tiềm, Google - cỗ máy tìm kiếm hàng đầu thế giới - lại liên tục phải hứng chịu làn sóng phản đối dữ dội vì trốn thuế.
Tập đoàn Amazon bị kiện theo luật cấm vận chống Cuba
Ngày 28/9, trang law.com cho biết Tập đoàn thương mại điện tử Amazon đã trở thành doanh nghiệp Mỹ thứ 3 bị kiện theo Điều III của Luật Helms-Burton – một trong những công cụ pháp lý chủ chốt của chính sách bao vây cấm vận chống Cuba của Mỹ.