Kinh tế Hàn Quốc bấp bênh khi lãi của Samsung giảm

15/04/2023, 07:59
báo nói -

TCDN - Việc Samsung công bố mức lợi nhuận thấp nhất 14 năm là đòn giáng mạnh đối với kinh tế Hàn Quốc, khiến nhiều người cảm thấy bất an.

Hôm 7/4, ông Choo Kyung-ho, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc, đã thăm đến nhà máy của Samsung Electronics ở phía nam Seoul. Tập đoàn công nghệ là động lực tăng trưởng lớn của kinh tế Hàn Quốc, là niềm tự hào của nhiều công dân nước xứ kim chi.

"Chất bán dẫn giống như gạo của ngành công nghiệp, nhưng tôi cho rằng chúng là phao cứu sinh và còn quan trọng hơn cả gạo. Nếu không có chất bán dẫn, cả ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế của chúng ta sẽ đều đóng băng", ông Choo nói với ông Kyung Kye-hyun, Tổng giám đốc điều hành Samsung.

Dư luận không chú ý tới chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính bởi một thông báo mà Samsung đưa ra cùng ngày. Tập đoàn dự báo trong quý đầu tiên, lợi nhuận hoạt động sẽ giảm 96% so với cùng kỳ năm trước xuống 600 tỷ won (463 triệu USD).

samsungelectronics

Đế chế công nghệ lớn nhất Hàn Quốc cũng phải cắt giảm sản lượng chip nhớ trong bối cảnh dư thừa nguồn cung toàn cầu.

Đây là một cú sốc, vì đây là lần đầu tiên sau 14 năm, lợi nhuận hoạt động quý của Samsung Electronics rơi xuống dưới 1.000 tỷ won, thậm chí thấp hơn báo cáo sơ bộ của LG Electronics.

Sự giảm lãi của Samsung cũng khiến nhiều người lo ngại về việc nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc phần nào vào một doanh nghiệp lớn. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi rằng liệu đây có phải hồi chuông cảnh báo đối với nền kinh tế thứ 4 châu Á hay không.

"Sự suy yếu không phải vấn đề của riêng Samsung, mà là của tất cả chúng ta", Chosun Ilbo - tờ báo lớn nhất đất nước - bình luận. Bài viết cho rằng Samsung và Hàn Quốc nên rút kinh nghiệm từ bài học của Nokia và Phần Lan.

Phần Lan đã rơi vào khủng hoảng sau sự sụp đổ của đế chế công nghệ Nokia.

Dĩ nhiên, Samsung Electronics không chỉ được biết tới với chất bán dẫn. Hãng còn là nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu và sản xuất một loạt sản phẩm khác, bao gồm thiết bị gia dụng.

Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc cũng đóng góp vai trò quan trọng về xuất khẩu, việc làm và thuế. Samsung Electronics còn là trụ cột của Samsung Group, bao gồm 60 công ty trong các lĩnh vực khác nhau, từ đóng tàu tới bảo hiểm nhân thọ. Tổng doanh thu của tập đoàn chiếm 18,3% GDP của kinh tế Hàn Quốc vào năm 2021.

Nomura dự báo Hàn Quốc có thể đã suy thoái trong quý I. Điều này sẽ dẫn tới sự sụt giảm về sản xuất trong bối cảnh tiêu dùng giảm tốc.

Nền kinh tế Hàn Quốc đã suy yếu 0,4% trong quý IV/2022 so với quý trước đó. Ngày 25/4, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) sẽ công bố báo cáo sơ bộ về GDP quý đầu năm.

Trong khi đó, Moody's Analytics cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc sẽ gặp khó trong cả năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là những rắc rối trong lĩnh vực công nghệ.

"Với sự suy yếu của nhu cầu toàn cầu, sản xuất chip và sản phẩm điện tử đi xuống, cùng với đà phục hồi của Trung Quốc, xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ gặp khó từ giờ đến nửa cuối năm", ông Dave Chia - chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics - nhận định.

Nhưng Thống đốc BOK Rhee Chang-yong phản bác rằng nền kinh tế sẽ phục hồi nhờ ngành công nghiệp ôtô và các thế mạnh khác.

Ngân hàng trung ương dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 1,6% vào năm 2023, chậm lại so với mức tăng trưởng 2,6% của năm ngoái.

Chất bán dẫn - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc - bước vào đà sụt giảm. Do đó, ngành công nghiệp pin xe điện và ôtô trở nên quan trọng hơn.

Trong tháng 3, xuất khẩu ôtô của Hàn Quốc đã tăng 64,2% so với một năm trước đó lên 6,5 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu chất bán dẫn giảm 34,5% xuống 8,6 tỷ USD cùng kỳ.

Mới đây, Hyundai Motor Group cho biết sẽ đầu tư 24.000 tỷ won tới năm 2030 để mở rộng sản xuất xe điện.

Ông Jung Kyu-chul - chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Phát triển Hàn Quốc - cho rằng chính phủ cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển vọng ở những lĩnh vực khác nhau, nhằm tránh phụ thuộc vào một tập đoàn duy nhất.

Nhã Vy/ Nikkei Asia
Bạn đang đọc bài viết Kinh tế Hàn Quốc bấp bênh khi lãi của Samsung giảm tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan