Kinh tế Nga có thể tăng trưởng vượt dự báo
TCDN - Giới quan sát kỳ vọng GDP của nền kinh tế Nga tăng 3,9% năm nay, cao hơn năm ngoái và vượt nhiều nền kinh tế lớn của phương Tây.
Phát biểu trên kênh truyền hình Russia-24 hôm 30/8, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhận xét nền kinh tế Nga đang tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng của giới chức. Nửa đầu năm, GDP Nga tăng 4,7%. Ông cho rằng đây là "con số rất tốt".
"Chúng tôi nhận thấy đầu tư đang tăng khoảng 8%. Thu nhập khả dụng thực tế của người dân cũng tăng. Các động lực của nền kinh tế Nga năm nay đều tốt hơn dự báo ban đầu của chúng tôi. Năm ngoái, GDP tăng 3,6% đã là cao. Con số năm nay sẽ còn vượt số đó", Siluanov nói. Ông dự báo năm nay, nền kinh tế Nga tăng trưởng 3,9%.
Kết quả thu ngân sách cũng đang cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4.700 tỷ ruble (52 tỷ USD) nhờ bán dầu khí và hoạt động kinh tế trong nước.
Thâm hụt ngân sách cũng được dự báo vào khoảng 1,1% GDP cuối năm nay. Ngân sách Nga cũng sẽ có thêm 30 tỷ USD năm sau, do các thay đổi trong chính sách thuế. Số tiền dư này sẽ được dùng cho các nhiệm vụ ưu tiên, theo ông Siluanov.
Trong dự báo hồi tháng 4, Bộ Phát triển Kinh tế Nga kỳ vọng đất nước tăng trưởng 2,8% năm nay. Con số này dự kiến được điều chỉnh vào đầu tháng 9.
Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga, với 2,9% năm nay và 1,4% năm 2025. Mức trước đó lần lượt là 2,2% và 1,1%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 4 dự báo GDP Nga năm nay tăng 3,2%, cao hơn các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, Pháp và Đức. IMF nhận định xuất khẩu dầu "ổn định" và chi tiêu công "duy trì ở mức cao" đã kéo tăng trưởng Nga đi lên. Tiêu dùng và đầu tư trong nước cũng sôi động.
Các dự báo này trái ngược với mục tiêu của phương Tây là giáng đòn lên kinh tế Nga sau chiến sự tại Ukraine. Nga khẳng định lệnh trừng phạt của phương Tây lên các ngành kinh tế chủ chốt của họ chỉ giúp nước này tự chủ hơn. Xuất khẩu hàng hóa và dầu thô sang các nước như Ấn Độ và Trung Quốc, trong bối cảnh giá dầu cao cũng giúp chính phủ Nga duy trì nguồn thu dồi dào.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899