Kinh tế thị trường sẽ đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030

01/03/2023, 16:23

TCDN - “Chỉ 13/101 quốc gia có mức thu nhập trung bình thập niên 1960 trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008. Thực tiễn này cho thấy, Việt Nam cần tiếp tục con đường phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại” - GS. TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.

Toạ đàm Đối thoại chính sách: “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập có trung bình cao trước năm 2030” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Fraser Institute (Canada) tổ chức ngày 01/03.

Toạ đàm Đối thoại chính sách: “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước thu nhập có trung bình cao trước năm 2030” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Fraser Institute (Canada) tổ chức ngày 01/03.

Theo GS. TS. Phạm Hồng Chương, trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình cao và với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, việc cần phải tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

“Kinh nghiệm của thế giới cho thấy, trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960 chỉ có 13 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008. Thực tiễn này cho thấy để biến ước vọng thành hiện thực, Việt Nam cần phải tiếp tục con đường đã chứng tỏ mang lại thành công cho Việt Nam trong hơn 30 năm qua, đó là phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế" - GS. TS. Phạm Hồng Chương chia sẻ.

GS. TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu

GS. TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu

GS. TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, những bài học quá khứ cho thấy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay Việt Nam cần phải tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn quan trọng về thể chế kinh tế để tháo gỡ, xem đây là chìa khoá để mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư cả trong, lẫn ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh cần chuẩn bị tốt cho quá trình gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao; trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn và bất ổn” .

Chia sẻ kinh nghiệm thế giới về tự do kinh tế và khả năng vượt "bẫy thu nhập trung bình" của các nước đang phát triển, TS. Fred McMahon - Trưởng nhóm nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser, Canada, cho biết xuyên suốt chiều dài lịch sử, tự do thương mại toàn cầu, các nền kinh tế tự do và tự do kinh tế đã mang cho loài người những lợi ích không đong đếm nổi.

Theo ông, tự do kinh tế đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, mang lại những đặc quyền kinh tế và Việt Nam đã nhận rõ điều này.

Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình 6% trong vòng 10 năm qua. Thực tế cho thấy, khi các quốc gia trở nên giàu có hơn, tăng trưởng sẽ chậm lại. Các quốc gia khác bắt kịp tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nhưng mờ nhạt dần khi họ không thể cải thiện tự do kinh tế như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

“Tự do kinh tế tạo động lực vượt "bẫy thu nhập trung bình". Đây là lý do tại sao công dân của các quốc gia tự do kinh tế có cuộc sống tốt hơn”, TS. Fred McMahon nhận định.

Đồng quan điểm, TS. Đinh Tuấn Minh - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội nêu một số khuyến nghị, từ bộ chỉ số tự do kinh tế toàn cầu, có thể thấy Việt Nam cần tiếp tục kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo lạm phát ổn định ở mức 3-4% như những năm qua.

Về tự do thương mại quốc tế, cần rà soát lại các hàng rào phi thuế quan theo hướng rõ ràng, minh bạch và ổn định; kiên trì cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan để giảm chi phí, thời gian liên quan đến những thủ tục bắt buộc; rà soát lại các quy định về kiểm soát vốn để thị trường vốn của Việt Nam hấp dẫn hơn nữa trong mắt nhà đầu tư nước ngoài…

Tiến sỹ Fred McMahon, trưởng nhóm nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser, Canada cho rằng Việt Nam vẫn là một quốc gia tương đối nghèo và đây lại là một “lợi thế”. Ông phân tích điều này giúp Việt Nam sẽ dễ dàng hơn để bắt kịp các nền kinh tế hiện đại, nhờ thúc đẩy các cải tiến và cơ chế mới với chi phí thấp, tiền công thấp mà vẫn lôi kéo được đầu tư.

Theo ông, “đòn bẩy” cho hạ tầng kinh tế sẽ giúp nâng cao thu nhập đầu người đồng thời tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế. Lợi thế khác, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với mức trung bình 6% trong vòng 10 năm qua, trong khi các quốc gia giàu hơn sẽ tăng trưởng chậm lại. Mặt khác, các quốc gia khác (như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan) bắt kịp tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nhưng "mờ nhạt" dần khi họ không thể cải thiện tự do kinh tế.

“Tự do kinh tế sẽ tạo động lực vượt bẫy thu nhập trung bình, do đó để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và trở nên giàu có hơn, chính sách kinh tế sẽ phải trở nên cạnh tranh hơn,” ông Fred McMahon nói.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết Kinh tế thị trường sẽ đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao trước năm 2030 tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Kinh tế thị trường: Vẫn kém 'nhạy cảm' với giá cả
Đây là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại tọa đàm Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 29/7.