Kinh tế thị trường: Vẫn kém "nhạy cảm" với giá cả

29/07/2020, 15:01

TCDN - Đây là nhận định của TS. Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại tọa đàm Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 29/7.

z1998338300108_b6df9c1e36f7322dda022c34e2a15ced

TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, kinh tế thị trường hiện đại là nền kinh tế trong đó Nhà nước và thị trường thực hiện hợp lý vai trò và chức năng của mình, kết hợp và bổ sung cho nhau hướng đến một thị trường hoàn hảo.

Tuy nhiên, hơn 30 năm đổi mới, con đường chuyển sang kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn cần hoàn thiện hơn. Trong đó, hiện điều phối hành chính vẫn chiếm ưu thế; kém “nhạy cảm” với giá cả; “mặc cả” kế hoạch, chạy theo số lượng, nền kinh tế thiếu hụt thị trường của người bán; thiếu hụt lao động…

Để thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, vấn đề trước tiên là đổi mới quan niệm về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, trên cơ sở kinh tế thị trường hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa bằng việc Nhà nước xã hội chủ nghĩa làm nhiều hơn và thực hiện tốt hơn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, gồm: Nhà nước tạo nhiều hơn cơ hội phát triển cho người dân;

Nhà nước đảm bảo công bằng hơn cho tiếp cận cơ hội phát triển; Nhà nước chú ý nhiều hơn đến tăng trưởng toàn diện, bao trùm; Nhà nước đầu tư vào các vùng, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân không làm, hoặc không làm được; Nhà nước không đầu tư kinh doanh, đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận; Nhà nước chi tiêu nhiều hơn cho phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe của người dân và an sinh xã hội.

Tóm lại, khác biệt của kinh tế thị trường hiện đại và kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở chính vai trò của Nhà nước nhiều hơn, tốt hơn trong phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội.

Tiếp đến, nhận thức đổi mới chính trị phải phù hợp với đổi mới kinh tế. Cụ thể, đổi mới kinh tế trong giai đoạn đến năm 2030 là việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ theo các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận.

Trong đó, trọng tâm là việc Nhà nước chủ động giảm bớt và thay đổi vai trò, vị trí và chức năng của mình. Qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong phân bố nguồn lực xã hội.

Đổi mới chính trị là việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tiếp tục mở rộng và thực thi dân chủ, đảm bảo thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền con người, quyền công dân; thiết lập cơ cấu quản trị quốc gia không có xung đột lợi ích cân bằng giữa quyền lực, trách nhiệm giải trình đầy đủ và đến cùng trước lợi ích của nhân dân, quốc gia và dân tộc.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết Kinh tế thị trường: Vẫn kém "nhạy cảm" với giá cả tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan