Kinh tế TP.HCM phải nhanh chóng bật dậy sau dịch Covid-19

09/05/2020, 08:36

TCDN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM chung sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, vượt khó để đạt chỉ tiêu tăng trưởng trên 6% trong năm nay.

Ngày 8/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc trực tuyến với các lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội bốn tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong bốn tháng đầu năm, kinh tế TP có giảm sút do tổng cầu giảm, còn tổng cung vẫn đảm bảo; hơn 7.770 doanh nghiệp (DN) phá sản hoặc đóng cửa (chiếm 3%). “Nếu có các biện pháp hỗ trợ DN thì từ tháng 5 trở đi, với việc mở cửa thị trường trong nước và bước đầu với thị trường nước ngoài thì bộ máy kinh tế là các DN của TP bắt đầu hoạt động trở lại” - ông Nhân nói và tin tưởng tiềm năng phục hồi kinh tế trong quý II và III là rất rõ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với TP.HCM

Theo ông Nhân, với những lĩnh vực sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân sớm phục hồi nhưng vẫn phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn. Còn các ngành dịch vụ, du lịch TP sẽ mở cửa có chọn lọc dựa trên cơ sở phân tích tình hình phục hồi, kiểm soát nguồn dịch bệnh từ các nước khác. Về công nghiệp, hàng công nghiệp, nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trong nước có cơ hội hoạt động trở lại trong quý II. Riêng với hàng tiêu dùng phục vụ xuất khẩu, TP sẽ chủ động làm việc với từng nước để xác định lộ trình mở cửa.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cũng kiến nghị Thủ tướng bảy nhóm vấn đề (với hơn 20 kiến nghị). Về giá điện, ông kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục giảm 10% giá điện như hiện nay và tạm thời dừng áp dụng bậc thang giá điện để hỗ trợ người dân và DN cho đến khi công bố hết dịch tại Việt Nam. TP kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho DN được giãn tiến độ nộp tiền nợ sử dụng đất phát sinh từ tháng 3 đến tháng 6-2020, giãn thuế.

Theo ông Phong, TP.HCM xác định thời gian tới chủ động chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép”. Trong đó, hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh ngăn chặn sự phá sản của DN. Dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá quyết tâm cao của TP.HCM. “TP là lò xo nén đủ rồi, đã đến lúc phải bung ra ngay và trở lại chính mình. Biểu đồ phát triển kinh tế của TP không được là chữ U mà phải là chữ V” - Thủ tướng nói và đề nghị trong những tháng còn lại của năm, TP cần phát triển xứng đáng với tiềm năng và lợi thế của mình, trở lại vị thế là cực tăng trưởng đầu tàu kinh tế của cả nước.

Đối với chỉ tiêu tăng trưởng trên 6% trong năm nay, Thủ tướng cho rằng đó không chỉ là lời cam kết mà còn là trách nhiệm của TP với đất nước. Để đạt được chỉ tiêu đó, theo Thủ tướng, giải pháp đầu tiên quan trọng nhất là mỗi người trong bộ máy phải dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, xóa bỏ “virus trì trệ” đang tồn tại trong một số sở, ban, ngành.

Thủ tướng mong muốn cộng đồng DN tại TP.HCM chung sức, đồng lòng, chủ động, sáng tạo, vượt khó. “Mỗi công dân TP, mỗi DN là một chiến sĩ. Hãy coi đây là dịp thử thách bản lĩnh, trí tuệ của DN Việt Nam tại một trung tâm năng động, trung tâm kinh tế thị trường lớn nhất cả nước” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM đón lấy cơ hội vàng đầu tiên, biến “nguy” thành “cơ” để tạo nên những thành công kép, đặc biệt là những dự án công nghệ. Đây cũng là “lửa thử vàng” để chỉ rõ địa phương nào thực sự kiến tạo và chủ động để đón cơ hội này.

PV
Bạn đang đọc bài viết Kinh tế TP.HCM phải nhanh chóng bật dậy sau dịch Covid-19 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan