Lãi suất huy động nóng lên, 17 ngân hàng thương mại tăng trong tháng 5
TCDN - Kể từ đầu tháng 5 đến nay, đã có 17 ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, trong đó có những ngân hàng điều chỉnh tăng từ 2-3 lần.
Theo thống kê từ đầu tháng 5/2024, một loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động gồm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, ABBank, VPBank, HDBank và MB.
Trong đó, VIB là ngân hàng đầu tiên có 3 lần tăng lãi suất từ đầu tháng, vào các ngày 4/5, 8/5 và 21/5.
Các ngân hàng CB, SeABank, ABBank, NCB là những nhà băng có hai lần tăng lãi suất.
Ngược lại, VietBank là ngân hàng duy nhất điều chỉnh giảm lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn.
Trong khi đó, MB giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, VIB giảm lãi suất huy động đối với kỳ hạn 24 và 36 tháng. Cả hai cùng giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất, thấp hơn so với mức tăng lãi suất huy động của chính các ngân hàng này.
Ngoài ra, có 3 ngân hàng thương mại trả lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng ở mức trên 5% gồm: CB 5,1%/năm (cao nhất trong số các ngân hàng ờ kỳ hạn 9 tháng); Ngân hàng NCB cũng nâng lãi suất kỳ hạn này lên 5,05%/năm, còn KienLong Bank mới cập nhật lãi suất cho kỳ hạn này là 5%/năm.
Hiện có 13 ngân hàng thương mại duy trì mức lãi suất từ 5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Trong đó, NCB và OceanBank dẫn đầu (5,4%/năm); CB, HDBank (5,3%/năm); KienLong Bank (5,2%/năm); GPBank (5,15%/năm); Bac A Bank, Nam A Bank, và VietBank (5,1%/năm);...
Hiệncó HDBank, OceanBank và OCB áp dụng mức lãi suất huy động từ 6%-6,1%/năm cho tiền gửi các kỳ hạn dài.
Bên cạnh mức lãi suất dành cho khách hàng phổ thông, nhiều ngân hàng đang áp dụng chính sách “lãi suất đặc biệt” lên đến 9,5%/năm.
Trong đó, HDBank vẫn duy trì lãi suất đặc biệt cho tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng, lần lượt lên đến 7,7% và 8,1%/năm. Điều kiện để được hưởng mức lãi suất này là khách hàng gửi tiết kiệm số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên và lĩnh lãi cuối kỳ.
PVCombank áp dụng “lãi suất đặc biệt” lên đến 9,5%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12-13 tháng, số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
“Lãi suất đặc biệt” tại Dong A Bank khi gửi tiền từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng là 7,5%/năm.
Tại MSB, “lãi suất đặc biệt” đang là 7%/năm (giảm 0,5 điểm phần trăm so với đầu tháng 4), áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng và cũng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
“Lãi suất đặc biệt” tại ACB là 5,6%/năm khi gửi tiền vào kỳ hạn 13 tháng (lãi suất thông thường là 4,4%/năm).
TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế - chia sẻ rằng lãi suất trong thời gian tới sẽ khó có thể giảm thêm. “Nếu lãi suất huy động ở mức rất thấp, không đủ bù đắp cho trượt giá, người dân sẽ hạn chế gửi tiền vào ngân hàng, mà tìm kiếm kênh đầu tư cho lợi suất cao hơn như bất động sản, vàng, ngoại tệ, chứng khoán…
Khi đó, khả năng huy động vốn của các ngân hàng thu hẹp lại và đương nhiên khả năng cho vay thu hẹp lại. Đây chính là bẫy thanh khoản. Thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp khó khăn khi kinh tế phục hồi, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh tăng lên. Nói tóm lại, không thể hạ lãi suất tiền gửi thêm nữa", ông Nghĩa phân tích.
Còn theo dự báo của các chuyên gia Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ nhích thêm 0,5-0,7%, lên mức 5,1- 5,3%/năm trong nửa sau năm 2024.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899