Lâm Đồng: Rộ phân lô bán nền "đội lốt" dự án theo kiểu Alibaba

15/04/2021, 16:09

TCDN - Tình trạng cá nhân, doanh nghiệp đứng ra tổ chức phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, bất chấp quy định pháp luật như kiểu Alibaba đã và đang xuất hiện tràn lan ở Lâm Đồng.

“Ông trùm” phân lô bán nền

Thông tin từ một số sàn giao dịch bất động sản có tiếng ở Lâm Đồng, tại khu vực các huyện Bảo Lâm, huyện Di Linh và thành phố Bảo Lộc nổi lên tình trạng các cá nhân, doanh nghiệp đi thu mua đất nông nghiệp, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất, tự tách thửa rồi rao bán công khai.

Empty

Phải kể đến hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực phân lô bán nền ở Lâm Đồng hiện tại như: Sun Valley; Mê Linh Garden Hill; Sun Home Lộc Quảng; Bảo Lộc Sukura Garden; Bảo Lộc Green Valley; Bảo Lộc Forest Hill; Bảo Lộc Gems Paradise; Happy Valley Bảo Lộc; Jade Garden Hill Bảo Lộc, Sakura Garden; ĐamB'ri Hill Village; FarmHill Bảo Lâm; Pine Valley Bảo Lộc; Đambri Hill Village Bảo Lộc, Suối Mơ Garden Hill; Fog Garden…  

Hay khu phân lô Dalat Hill, Khu Du lịch Sinh thái Lộc Châu, Khu nghỉ dưỡng sinh thái Hồ Đông được sales giới thiệu là của Thanh Niên Holdings (được sales giới thiệu là của Thanh Niên Holdings – Báo Thanh Niên truyền thông dự án!?)…

Lâm Đồng: Rộ phân lô bán nền đội lốt dự án theo kiểu Alibaba

Lâm Đồng: Rộ phân lô bán nền đội lốt dự án theo kiểu Alibaba

Trước tình trạng "sốt đất" này, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng lãnh đạo Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp –  Phát triển nông thôn trực tiếp kiểm tra một số khu vực san gạt, mở đường, phân lô bán nền ở các khu vực đồi chè nói riêng, đất nông nghiệp nói chung và các “dự án ma” bất động sản lậu thuộc Tp.Bảo Lộc.

Sau khi kiểm tra các hồ sơ liên quan và đi thực địa, ông Hiệp khẳng định việc mở đường trên đất nông nghiệp dựa trên quy định về việc hiến đất là lách luật để tách thửa, phân lô. Những hoạt động mở đường, san gạt, tách thửa tại đồi chè này là sai phạm nghiêm trọng cần được làm rõ.

Sun Valley dẫn đầu “cuộc đua” phân lô bán nền ở Lâm Đồng

Trong đó, “khủng” nhất là khu phân lô bán nền được quảng cáo với tên thương mại rất “hoành tráng” là Sun Valley ở huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Qua thông tin từ môi giới, dự án Sun Valley có diện tích 35ha.

Toàn bộ dự án ma Sun Valley rộng khoảng 35ha được các sale chào bán cho khách hàng

Toàn bộ dự án ma Sun Valley rộng khoảng 35ha được các sale chào bán cho khách hàng

Tp.Bảo Lộc chỉ có 6 dự án bất động sản được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn. Còn tất cả những khu đang chào bán là dự án ma. Khách hàng cẩn trọng kẻo mua phải các dự án ma, những khu phân lô bán nền không đủ pháp lý. 6 dự án đó bao gồm: Dự án Khu dân cư 6B, Tp.Bảo Lộc; Dự án Khu đô thị mới đường Lý Thường Kiệt, Bảo Lộc; Dự án Khu dân cư kế cận tại Khu công nghiệp Lộc Sơn; Khu dân cư Đinh Tiên Hoàng, Phường 2; Dự án khu nhà ở biệt lập đường Lý Thường Kiệt, Phường 1 và Dự án Khu dân cư trung tâm xã Đạm Bri.

Tư vấn cho khách hàng, nhiều nhân viên sale khẳng định, toàn bộ nguồn gốc đất ở Sun Valley đều là đất nông nghiệp, được chuyển đổi một phần diện tích qua đất ở. 

Hiện doanh nghiệp, cá nhân sau khi thu mua khu đất này đã tổ chức phân lô theo từng phân khu, rao bán rầm rộ cho khách hàng. 

"Toàn huyện Bảo Lâm chỉ có Sun Valley là "ông trùm" lớn nhất khu vực. Mua đất tại dự án này, được xây dựng tự do...", một nhân viên môi giới khẳng định.

Ghi nhận thực tế tại khu đất trên, dù chưa được chính quyền huyện Bảo Lâm cấp phép, phê duyệt hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng “dự án ma” Sun Valley đã xây dựng loạt công trình bê tông, cốt thép, nhà cao tầng trên đất.

Nguy cơ tái xuất phân lô kiểu Alibaba 

Năm 2019 vụ việc địa ốc Alibaba lừa đảo, bán dự án ma, gây chấn động dư luận cả nước là một bài học nhãn tiền với quá nhiều hệ lụy đã xảy ra. Được biết, các công ty liên quan địa ốc Alibaba đã vẽ gần 50 dự án ma tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận với hàng chục ngàn lô đất. 

Hàng trăm lô đất phân lô bán nền trái phép được đưa ra thị trường Lâm ĐồngThủ đoạn của Luyện và đồng bọn là đi thu gom đất nông nghiệp, đến nay xác định là hơn 600ha, ở nhiều tỉnh, thành. Các khu đất này, Luyện giao cho 2 người em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực và một số người thân khác đứng tên.

Đồi chè tuyệt đẹp tại thôn 12 (xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc) cạnh hồ nước và rừng thông đã có đường nhựa bên trong dù chưa được cấp phép làm đường - Ảnh: M.VINH

Đồi chè tuyệt đẹp tại thôn 12 (xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc) cạnh hồ nước và rừng thông đã có đường nhựa bên trong dù chưa được cấp phép làm đường - Ảnh: M.VINH

Sau đó, Luyện chỉ đạo nhân viên tự vẽ các khu đất nông nghiệp thành dự án khu dân cư cao cấp, thực tế là chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt dự án, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Đội ngũ hùng hậu Alibaba đã sử dụng nhiều kênh thông tin, rao bán các đất nền cho khách hàng từ các dự án “ma” đó.

Lâm Đồng cần mạnh tay, siết chặt tình trạng phân lô bán nền.

Lâm Đồng cần mạnh tay, siết chặt tình trạng phân lô bán nền.

Với những diễn biến vừa qua, các khu đất tách thửa, phân lô bán nền của các cá nhân, doanh nghiệp tại các địa phương ở Lâm Đồng (đặc biệt là dự án ma Sun Valley), có thể thấy nhiều điểm tương đồng với vụ việc của địa ốc Alibaba.

Cụ thể, các cá nhân, doanh nghiệp này tổ chức rao bán đất nền trên đất nông nghiệp chưa đủ pháp lý, bán đất không nằm trong quy hoạch sử dụng đất, dân mua đất nhưng không xây nhà được, thi công hạ tầng khi chưa đủ điều kiện…, mặc dù quy mô ở Lâm Đồng còn nhỏ hơn các địa phương khác.

Nếu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng không xử lý triệt để từ ban đầu, để loạn phân lô bán nền như hiện tại, rất dễ xảy ra kịch bản tương tự như vụ việc địa ốc Alibaba đã lừa đảo khách hàng?  Việc xử lý, khắc phục hậu quả các sai phạm phân lô, bán nền ở Lâm Đồng được tiến hành như thế nào?

Trao đổi với báo chí, đại diện Cục thuế Lâm Đồng cho biết, để đẩy mạnh chống thất thu, Cục thuế sẽ phối hợp chỉ đạo các ngành tại địa phương dừng làm thủ tục chuyển nhượng đối với các trường hợp có dấu hiệu ký hợp đồng chuyển nhượng có giá thấp hơn giá trị thực tế giao dịch, nhằm giảm nghĩa vụ phải nộp với ngân sách nhà nước, đồng thời chuyển cơ quan Công an xem xét, xác minh, điều tra xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo giao Công an điều tra các sai phạm quản lý đất đai, mở đường phân lô, tách thửa đồi chè tại Tp.Bảo Lộc.

Trong đó, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh và UBND TP.Bảo Lộc tiến hành đình chỉ hoạt động các "dự án", giao Công an tỉnh, Công an Tp.Bảo Lộc chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành liên quan điều tra các sai phạm liên quan đến san gạt, mở đường phân lô bán nền này để xử lý theo quy định. 

Về những sai phạm liên quan đến quản lý đất đai tại Tp.Bảo Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, UBND Tp.Bảo Lộc phải chịu trách nhiệm giải quyết tất cả những tồn đọng về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn từ trước đến nay.

Ngoài ra, theo thông báo kết luận số 395/TB-TTr ngày 27/4/2020 của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng về việc thanh tra việc giao đất ở tái định cư và giao đất ở không thông qua hình thức đấu giá đối với 84 hộ tại địa bàn thành phố Bảo Lộc, Thanh tra tỉnh đã đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ Điều tra để tiếp tục làm rõ các sai phạm,

Cụ thể, ngày 17/4/2020, Chánh Thanh tra tỉnh ban hành Kết luận thanh tra số 37/KL-TTr về thanh tra việc giao đất ở tái định cư và giao đất ở không thông qua hình thức đấu giá đối với 84 hộ tại các dự án trên địa bàn thành phố Bảo Lộc và đuợc Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất theo Kết luận thanh tra tại Văn bản số 4140/UBND-ĐC ngày 24/4/2020.

Theo Kết luận thanh tra, ông Nguyễn Quốc Bắc - nguyên Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc trong quá trình thực hiện đã có các sai phạm trong việc giao đất ở tái định cư và giao đất ở không thông qua hình thức đấu giá trên địa bàn thành phố, cụ thể: Việc giao đất ở tái định cư và giao đất ở không thông qua đấu giá cho 60 trường hợp trái quy định.   

 
Thanh Ka
Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Rộ phân lô bán nền "đội lốt" dự án theo kiểu Alibaba tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899