Lâm Đồng: Xử lý tình trạng "núp bóng" hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa trái phép
TCDN - Liên quan đến những vi phạm trong việc hiến đất làm đường giao thông, tách thửa, kinh doanh bất động sản trái quy định, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đông vừa hướng dẫn các địa phương cách thức xử lý theo từng trường hợp.
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản hướng dẫn các địa phương hướng xử lý các vi phạm về hiến đất làm đường, tách thửa, kinh doanh bất động sản trái pháp luật.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, những năm gần đây tình trạng phân lô, tách thửa diễn ra mạnh tại các địa bàn như huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc, nhất là giai đoạn từ năm 2018 - 2021. Hàng chục nghìn thửa đất mới đã được hình thành, không ít trong số đó đã lợi dụng để hình thành các dự án bất động sản, khu dân cư mới.
Liên quan đến những vi phạm trong việc hiến đất làm đường giao thông, tách thửa, kinh doanh bất động sản trái quy định, Sở Xây dựng đã hướng dẫn các địa phương cách thức xử lý theo từng trường hợp.
Theo đó, đối với trường hợp người dân tự đầu tư xây dựng đường giao thông trên phần diện tích đất của người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trước khi thực hiện các thủ tục hiến đất làm đường giao thông, chưa thực hiện tách thửa, chưa được ghi nhận đường giao thông trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...) thì hướng xử lý theo các trường hợp cụ thể:
Đối với xây dựng đường giao thông trên đất không đúng mục đích sử dụng đất: Xử lý vi phạm đối với trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Trường hợp xây dựng đường giao thông trên đất phù hợp với mục đích sử dụng đất (được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất) nhưng không có giấy phép xây dựng (trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng): Xử lý vi phạm đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng
Trường hợp xây dựng đường giao thông trên đất phù hợp với mục đích sử dụng đất (được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất) thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng mà không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt: Xử lý vi phạm đối với hành vi xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Trường hợp mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính: Xử lý vi phạm đối với trường hợp mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Nếu người dân tự đầu tư xây dựng đường giao thông trên phần diện tích đất để làm đường giao thông đã được nhà nước công nhận (sau khi thực hiện các thủ tục hiến đất để làm đường giao thông, trước hoặc sau khi thực hiện tách thửa, đã có quyết định thu hồi đất để làm đường giao thông, đã được ghi nhận đường giao thông trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...): Xử lý vi phạm đối với hành vi không tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đối với công trình phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc xử lý vi phạm đối với hành vi khởi công xây dựng công trình mà chưa có thiết kế bản vẽ thi công của công trình, hạng mục công trình đã được phê duyệt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Đối với trường hợp vi phạm quy định về nghiệm thu công trình xây dựng thì xử lý vi phạm đối với hành vi đưa bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng
Việc xây dựng nhà ở, công trình dạng nhà ở trên diện tích đất đã được giải quyết tách thửa nhưng không phù hợp với mục đích sử dụng đất (chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất): Xử lý vi phạm đối với trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Việc xây dựng nhà ở, công trình dạng nhà ở trên diện tích đất đã được giải quyết tách thửa và phù hợp với mục đích sử dụng đất (đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất) thì hướng xử lý như sau:
Đối với trường hợp xây dựng phải có giấy phép xây dựng mà không có giấy phép xây dựng (trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng): Xử lý vi phạm đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng mà không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt: Xử lý vi phạm đối với hành vi xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Trường hợp xây dựng công trình, nhà ở, dựng cổng, hàng rào, lều quán... trên phần diện tích thuộc phạm vi đất dành cho đường bộ: Xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản: Đối với kinh doanh bất động sản thuộc trường hợp phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã mà không thành lập theo quy định: Xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Liên quan tình trạng phân lô, tách thửa, mới đây, Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã khởi tố, bắt giam Tạ Duy Phước (39 tuổi, cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm, thuộc Sở Tái nguyên và Môi trường Lâm Đồng) để điều tra về hành vi giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật Hình sự.Theo điều tra của cơ quan công an, trong quá trình làm việc, Phước đã lợi dụng chức vụ, nghề nghiệp để làm sai lệch hồ sơ đăng ký biến động cấp đổi đường giao thông và tách thửa trái quy định của pháp luật.Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng khởi tố, bắt giam 3 đối tượng khác do làm sai lệch hồ sơ trong quá trình chỉnh lý, cập nhật biến động hồ sơ địa chính trên địa bàn thị trấn Lộc Thắng để nhận tiền của nhiều người dân.
Việc xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm có liên quan phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; trong đó, cần chú ý chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nếu nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899