Giá bất động sản neo cao: Chuyên gia hiến kế đánh thuế sở hữu và thuế thừa kế
TCDN - GS. TS Hoàng Văn Cường cho rằng về dài hạn, để "hạ nhiệt' giá nhà đất, nhà nước cần đánh thuế sở hữu và thuế thừa kế bất động sản.
Tại Hội thảo khoa học "Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023: Ổn định và phát triển thị trường bất động sản” vừa diễn ra, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định: Kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng vượt trội trong năm 2022 song những vấn đề nội tại của nền kinh tế đang bộc lộ rõ nét. Một trong những điểm nghẽn cản trở sự phát triển kinh tế hiện nay là thị trường bất động sản đang có nhiều biến động, gây rủi ro chéo với thị trường tài chính và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Do vai trò, vị trí của ngành bất động sản vô cùng quan trọng nên sự biến động của thị trường đã có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.
TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, thị trường bất động sản là điểm nghẽn chính đối với phục hồi và phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Do đó, giải quyết tốt các vấn đề của thị trường bất động sản sẽ có tác động tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Các giải pháp cần hướng tới các vấn đề trọng tâm của thị trường bất động sản hiện nay là sự lệch pha cung - cầu nhà ở thương mại và nhà ở xã hội; giá bất động sản còn cao, thiếu sự kiểm soát và điều tiết; nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính.
Đánh giá về thị trường địa ốc hiện nay, GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng giá nhà đất đã tăng 50% trong khoảng thời gian 2020-2022. Nhiều người coi đây là kênh đầu tư để bảo toàn vốn và coi giá trị của bất động sản tương đương với vàng ròng. Tuy nhiên, tình hình ngành địa ốc Việt Nam đã ngày càng xấu đi từ nửa cuối năm ngoái.
Bàn về giải pháp tháo gỡ, ông Cường nhận định điều cấp bách trong năm nay là giải quyết hai nút thắt gồm pháp lý và tài chính trên thị trường.
Về pháp ý, ông Cường cho rằng việc thanh tra cần được kết thúc sớm và các cơ quan chức năng phải xử lý kịp thời đối với các dự án bị tạm dừng. Điều này sẽ giúp các chủ đầu tư có thể tiếp tục triển khai dự án và sớm đưa sản phẩm ra thị trường. "Hiện có rất nhiều dự án vì bị thanh tra nên phải dừng lại, nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng", ông nói.
Theo ông Cường, lý thuyết không chấp nhận hợp pháp hoá các sai phạm, nhưng cơ quan chức năng phải hiểu xử lý các dự án bất động sản không dễ, cần có những hành động phù hợp hơn.
“Quốc hội cần đưa ra các nghị quyết mang tính tức thời. Trong đó có việc lựa chọn, vận dụng luật pháp khi có mâu thuẫn. Đồng thời, các bất cập cần được xử lý ngay, không cần chờ Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…”, ông Hoàng Văn Cường chia sẻ. Bởi các luật này để được phê duyệt và đi vào cuộc sống cần có độ trễ một đến vài năm, trong khi vấn đề trên thị trường địa ốc cần ngay những giải pháp cấp bách.
Về tài chính, ông Cường kiến nghị có giải pháp kiểm soát việc cho vay đầu cơ bất động sản; chỉ cho vay các dự án có khả năng thanh khoản và kiểm soát dòng tiền. Việt Nam cũng có thể cân nhắc việc cho phép chuyển đổi trái phiếu doanh nghiệp thành trái phiếu có khả năng chuyển đổi sản phẩm.
Bên cạnh đó, ông cho rằng với những dự án bất động sản có vị trí quan trọng, Chính phủ nên xem xét mua lại trái phiếu để tránh rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Số trái phiếu này Chính phủ sau đó có thể bán lại cho các công ty quản lý nợ để có nguồn vốn phát triển dự án.
Về các giải pháp mang tính dài hạn, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết hiện nhiều khu vực được đầu tư quá mức so với triển vọng phát triển, từ đó tạo các thành phố “ma” và làm chôn vùi nguồn lực đầu tư của xã hội. Vì vậy, Chính phủ cần phải kiểm soát tiến độ đầu tư các dự án bất động sản theo lịch trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển du lịch.
Không chỉ vậy, ông Cường cho rằng việc giao dịch đất và nhà ở cần bắt buộc phải được đăng ký. Điều này sẽ tránh tình trạng thất thu thuế, giảm hiện tượng “thổi” giá và giúp cơ quan chức năng dễ dàng tịch thu bất động sản vi phạm.
Ngoài ra, vị chuyên gia này mong muốn các giao dịch sẽ phải thực hiện thông qua sàn bất động sản. Việc này sẽ giúp người dùng nhận được đầy đủ thông tin sản phẩm. Trong khi đó, các sàn giao dịch cũng sẽ chịu trách nhiệm về các thông tin xác nhận, bao gồm việc cung cấp cho cơ quan nhà Nước để tính thuế, đăng ký biến động, dự báo thị trường…
Hơn nữa, ông cũng cho rằng nhà nước không nên chấp thuận việc các tài sản hình thành trong tương lai đăng ký giao dịch trái phiếu chuyển đổi. Việc này có thể khiến các hoạt động mua bán trao tay “đẩy giá” tăng lên.
Đồng thời, ông Cường cho rằng để “hạ nhiệt” giá nhà đất, nhà nước cần đánh thuế sở hữu và thuế thừa kế bất động sản. Quy định về thời hạn sở hữu căn hộ cũng là một mấu chốt giúp giảm bớt gánh nặng chi phí của người mua nhà.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899