Làm sao để đón bắt dòng vốn dịp cuối năm

13/12/2022, 11:05
báo nói -

TCDN - Ngân hàng Nhà nước mới đây đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho năm nay với mức tăng 1,5-2% nhằm khơi thông dòng vốn cho sản xuất kinh doanh dịp cuối năm. Để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp cần nhanh chóng có phương án cụ thể.

Chương trình Dòng chảy tài chính - VTV1 về khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp.

Chương trình Dòng chảy tài chính - VTV1 về khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp.

Cuối năm là thời điểm để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đón bắt nhu cầu mua sắm của người dân chuẩn bị cho năm mới. Quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước về nới room tín dụng được kỳ vọng sẽ bơm thêm vốn vào nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính giải quyết các khó khăn còn tồn đọng và vươn lên bứt tốc, đón bắt nhu cầu tăng mạnh dịp cuối năm, nhưng vấn đề chính là đảm bảo tín dụng được dẫn đến đúng lĩnh vực để phát huy hiệu quả tối đa.

Có nguồn vốn nhưng khó khăn của các doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn ấy từ ngân hàng không phải là một trở ngại mới, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ hay các công ty khởi nghiệp còn non trẻ bởi họ không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản không đủ lớn so với nhu cầu vay vốn.

Một số gợi ý để tháo gỡ vướng mắc này đã được đưa ra trong chương trình “Dòng chảy tài chính” trên VTV1 cuối tuần qua. Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Dòng chảy tài chính” về khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, ông Đào Gia Hưng – Phó Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ - VPBank cho biết để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ và các công ty khởi nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng thì các doanh nghiệp cần chứng minh cho ngân hàng thấy khoản vay sẽ đem lại hiệu quả.

Nếu doanh nghiệp làm được điều này thì sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ phía ngân hàng, trong đó có cả việc xây dựng mô hình kinh doanh sử dụng vốn theo từng giai đoạn. Để làm được điều này thì đầu tiên doanh nghiệp cần có tình hình tài chính lành mạnh, tức là không có nợ xấu, thứ hai là có hệ thống thông tin minh bạch, có mục đích sử dụng vốn rõ ràng, có phương án kinh doanh khả thi, hiệu quả. Nếu các doanh nghiệp làm được như vậy thì ngân hàng sẽ tập trung vào thẩm định các yếu tố đó thay vì đặt quá nặng vào câu chuyện là tài sản đảm bảo.

Ông Đào Gia Hưng – Khách mời chương trình “Dòng chảy tài chính” – VTV1.

Ông Đào Gia Hưng – Khách mời chương trình “Dòng chảy tài chính” – VTV1.

“Ngân hàng sẽ hỗ trợ khách hàng bằng cách thiết kế ra bộ sản phẩm dành riêng cho những doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, ví dụ như những sản phẩm có giá trị khoản vay nhỏ, việc nhận nợ đơn giản, không cần quá nhiều thủ tục phức tạp. Nhờ các dữ liệu lịch sử thanh toán số mà hiện nay các thủ tục nộp hồ sơ vay vốn và giải ngân còn có thể được thực hiện online, giúp tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp”. - Ông Đào Gia Hưng – Phó Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ - VPBank chia sẻ thêm.

Bên cạnh cơn khát vốn để đẩy mạnh sản xuất đón đầu xu hướng mua sắm trong nước dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp sản xuất cho biết họ cũng đang cần nguồn lực tài chính để giữ vị thế cạnh tranh trong bối cảnh nhu cầu hàng xuất khẩu giảm. Theo một báo cáo của S&P Global, số lượng đơn đặt hàng mới cho các nhà sản xuất Việt Nam đã giảm lần đầu tiên trong vòng 14 tháng và chủ yếu là do nhu cầu trên thị trường quốc tế yếu đi.

Vì thế để có thể cạnh tranh và giữ được đơn hàng thì các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay giá rẻ. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Việt lại đang gặp vấn đề về vốn khi hạn mức tín dụng của các ngân hàng đã chạm ngưỡng suốt nhiều tháng và việc NHNN điều chỉnh tăng các mức lãi suất chính thức đã khiến lãi suất ngân hàng thương mại tăng theo.

Mặc dù trên thị trường đang tồn tại áp lực về lãi suất, song các doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý nhờ nguồn huy động quốc tế. Mới đây, ngân hàng VPBank đã huy động được 500 triệu usd từ 5 định chế tài chính là ADB, SMBC, ANZ, Maybank và JICA, đồng thời được giải ngân thêm 150 triệu usd từ Tổ chức tài chính quốc tế (IFC). VPBank cho biết  các khoản tiền này sẽ được ngân hàng phân bổ thành các gói vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cùng nhiều dự án trong lĩnh vực môi trường và chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

PV
Bạn đang đọc bài viết Làm sao để đón bắt dòng vốn dịp cuối năm tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận