Loạt ngân hàng 'khóc ròng' với ông lớn thuỷ sản An Giang

05/04/2019, 03:49

TCDN - Nếu không đòi được nợ, Vietcombank, Agribank và một số ngân hàng khác có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ "mất trắng" hàng trăm tỷ đồng cho vay với Công ty NTACO.

ntaco

Bê bối "bốc hơi" hàng tồn kho năm 2016 gần như đánh quỵ NTACO

"Năm tài chính kết thúc, khoản lỗ luỹ kế đến ngày 31/12/2018 là 590,1 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 499 tỷ đồng", CTCP NTACO cho biết trong BCTC kiểm toán năm 2018 vừa công bố, thừa nhận các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

NTACO cũng lưu ý đã nhận được Bản án sơ thẩm liên quan đến vụ kiện liên quan tới khoản vay của Agribank - chi nhánh An Giang và VIB - chi nhánh An Giang. Theo đó, Công ty phải có nghĩa vụ chi trả nợ gốc, lãi đến hạn và quá hạn với tổng số tiền lần lượt là 40,4 tỷ đồng và 3,09 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Toà án tỉnh An Giang cũng đang thụ lý đơn kiện của Vietcombank - chi nhánh An Giang về các khoản vay của Công ty tại ngân hàng này. Dù vậy, vẫn chưa có quyết định chính thức của toà về thời gian giải quyết vụ kiện.

Báo cáo tài chính thể hiện tới cuối năm vừa qua, tổng tài sản của NTACO chỉ đạt 29,6 tỷ đồng, tuy nhiên lỗ luỹ kế lên tới 590,1 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 470,1 tỷ đồng.

Năm 2018, Công ty gần như không có hoạt động đáng kể, chỉ đạt doanh thu 2,3 tỷ đồng, lỗ sau thuế 6,9 tỷ đồng. Dù kế hoạch đặt ra trong ĐHĐCĐ thường niên năm ngoái là doanh thu 500 tỷ đồng, lợi nhuận 50 tỷ đồng.

NTACO từng là tên tuổi lớn trong ngành thuỷ sản, với tổng tài sản trên 700 tỷ đồng, doanh thu từ 6-700 tỷ đồng mỗi năm. Hiệu quả kinh doanh khá ấn tượng, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) duy trì ở 4 con số, cá biệt như năm 2010 lên tới gần 4.000 đồng.

Tuy nhiên đầu năm 2016, biến cố lớn xảy đến với doanh nghiệp này khi đơn vị kiểm toán chỉ ra gần 400 tỷ đồng hàng tồn kho trong báo cáo tài chính năm 2015 chỉ là "ảo" và loại bỏ khoản mục này. NTACO lập tức lỗ 425 tỷ đồng trong năm và bị HoSE huỷ niêm yết bắt buộc vào đầu năm 2017, sau 8 năm có mặt trên sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam.

Bê bối này không chỉ khiến cổ đông NTACO điêu đứng, mà loạt nhà băng đối tác cũng không kịp trở tay.

Tới cuối năm 2018, Vietcombank chi nhánh An Giang vẫn là chủ nợ lớn nhất của NTACO với số dư 236,6 tỷ đồng. Khoản vay có lịch sử từ năm 2010, được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất nhà máy, văn phòng làm việc và máy móc thiết bị.

VDB và Agribank chi nhánh An Giang xếp sau với dư nợ lần lượt 53,3 tỷ đồng và 28,8 tỷ đồng. Ngoài ra, NTACO còn nợ PVCombank 3,5 tỷ đồng, VIB An Giang 1,6 tỷ đồng.

Tổng các khoản nợ ngân hàng là gần 324 tỷ đồng, đều được NTACO chú thích trong báo cáo tài chính là không có khả năng trả nợ.

Dù tình trạng tài chính rất bết bát, song ban lãnh đạo NTACO cho biết sẽ không bỏ cuộc. Cụ thể, Ban Tổng giám đốc đã và đang xúc tiến kế hoạch kinh doanh mới, tìm kiếm khách hàng và thị trường mới. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tái khởi động lại hoạt động gia công xuất khẩu cá phi-lê và duy trì việc cho thuê nhà xưởng nhàn rỗi để toàn nguồn thu thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn.

Công ty cũng đã xây dựng phương án tái cấu trúc lại hoạt động và thương thảo với các ngân hàng để tái cơ cấu lại các khoản nợ vay để có thể đảm bảo hoạt động trong tương lai.

Theo Nhà đầu tư

Bạn đang đọc bài viết Loạt ngân hàng 'khóc ròng' với ông lớn thuỷ sản An Giang tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận