Lý do khiến Xây dựng Hoà Bình lãi kỷ lục trong quý 2
TCDN - Trích lập dự phòng lớn cùng các khoản thu nhập khác giúp tập đoàn Xây dựng Hòa Bình không những thoát lỗ mà còn lãi đột biến trong kỳ.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2 của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC), doanh thu thuần đạt 2.298 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 424 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng gần như không đổi trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 436 tỷ, gấp 2,9 lần cùng kỳ do tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi và một phần chi phí khác phát sinh.
Chi phí tăng vọt khiến Xây dựng Hoà Bình báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 68 tỷ đồng. Song nhờ khoản thu nhập khác từ thanh lý tài sản cố định, vật tư phát sinh 656 tỷ trong kỳ không những giúp công ty thoát lỗ còn lãi ròng kỷ lục 547 tỷ quý 2.
Luỹ kế 6 tháng, tập đoàn ghi nhận 3.492 tỷ doanh thu thuần, giảm 51% còn lãi ròng 103 tỷ, gấp 1,8 lần nửa đầu năm ngoái. Việc lãi lớn quý quý II giúp lỗ sau thuế chưa phân phối tới hết kỳ chỉ còn âm 2.020 tỷ.
Năm nay, tập đoàn lên kế hoạch tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Với 102 tỷ lãi sau thuế 6 tháng, doanh nghiệp đã đạt gần 82% chỉ tiêu lợi nhuận và khoảng 28% mục tiêu doanh thu năm.
Về tình hình tài chính, quy mô tài sản tại ngày 30/6 của doanh nghiệp ở mức 14.702 tỷ. Chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là khoản phải thu ngắn hạn với 10.463 tỷ cuối kỳ, chiếm hơn nửa là phải thu của khách hàng còn 3.796 tỷ là phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng. Trong đó tập đoàn đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 2.386 tỷ (tăng gần 16% so với đầu năm).
Tổng nợ vay cuối quý 2 của Xây dựng Hoà Bình là 5.178 tỷ, gấp 4 lần vốn chủ sở hữu và chủ yếu từ các ngân hàng. Nợ vay ngắn hạn là 4.435 tỷ. Trong nửa đầu năm, tập đoàn đã vay tổng cộng 8.250 tỷ đồng thời trả nợ gốc 9.203 tỷ.Tổng chi phí lãi vay nửa đầu năm là 141 tỷ đồng.
Trong dài hạn, tập đoàn có kế hoạch giảm dần tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu từ 3,14 lần ở năm 2023 về 2 lần vào năm 2024 và về ngưỡng an toàn là 1 vào năm 2026.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Tổng Giám đốc Lê Văn Nam cho hay tập đoàn sẽ cấu trúc lại các khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng theo Thông tư 02/2023 của NHNN. Đối với những khoản nợ phát sinh sau ngày 24/4/2023, các ngân hàng đã đồng ý giãn nợ cho HBC thêm 12 tháng.
Đồng thời, công ty đang trao đổi với các tổ chức tài chính để chuyển đổi khoản vay ngắn hạn sang trung hạn. Thay vào đó, công ty ưu tiên vay dài hạn thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi có kỳ hạn 3-5 năm. Ông Nam cho biết thêm, công ty sẽ xem xét việc bán một số khoản nợ khó đòi cho đối tác, xem đó là tài sản bảo đảm để công ty phát hành trái phiếu.
Sau thời gian dài gặp nhiều khó khăn, Xây dựng Hòa Bình tập trung tái cấu trúc và toàn diện. Tổng Giám đốc Xây dựng Hòa Bình cho biết tái cấu trúc tài chính là ưu tiên hàng đầu của công ty trong lúc này, bao gồm việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà cung cấp, nhà thầu phụ để tăng vốn điều lệ cũng như giảm áp lực trả nợ. Mặt khác đưa các nhà thầu phụ, nhà cung cấp trở thành cổ đông chiến lược của HBC.
Bên cạnh đó là công tác tập trung thu hồi công nợ; tái cấu trúc các khoản vay với ngân hàng để giãn nợ và tái cấp các gói tín dụng mới và định giá lại tài sản của công ty. Việc tiến hành định giá tài sản mà chủ yếu là máy móc, thiết bị để ghi nhận lại giá trị hiện tại và khẳng định giá trị còn cao hơn rất nhiều so với giá trị ghi nhận trong sổ sách kế toán.
Xét về dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 844 tỷ trong nửa đầu năm, cùng kỳ âm 1.343 tỷ. Dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 953 tỷ do tăng vay nợ và dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 113 tỷ. Kết quả, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 222 tỷ đồng.
Về chiến lược kinh doanh 2024-2026, tập đoàn dự kiến dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dương từ năm 2024 và đạt 600 tỷ đồng vào năm 2026.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899